Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá tăng cao

Ngày 7/5, Kho bạc Nhà nước (KBNN) thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại (NHTM) với khối lượng dự kiến là tối đa 150 triệu USD; loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay; ngày giao dịch là 8/5/2025; ngày thanh toán dự kiến là 12/5/2025. Đây là đợt chào thứ 8 kể từ đầu năm 2025 đến nay.

Trước đó, KBNN đã chào mua tối đa 150 triệu USD, 200 triệu USD, 150 triệu USD, 300 triệu USD, 300 triệu USD, 130 triệu USD và 110 triệu USD từ các NHTM, với ngày giao dịch là 13/2, 19/2, 25/2, 13/3, 20/3, 27/3 và ngày 23/4 loại hình giao dịch giao ngay. 

Nhìn chung, KBNN đã có 8 đợt chào mua ngoại tệ kể từ đầu năm đến nay với tổng quy mô gần 1,5 tỷ USD.Việc KBNN tổ chức đấu thầu mua USD (thông thường mục đích chính là trả nợ nước ngoài) trong khi giá trị đồng USD vẫn duy trì ở mức cao tiếp tục hỗ trợ thêm đà tăng của tỷ giá. 

Động thái chào mua ngoại tệ của KBNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng. Cụ thể, ghi nhận trong ngày 8/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.927 VND/USD, tăng 585 đồng so với đầu năm. Tỷ giá USD các NHTM được phép giao dịch là từ 23.731 - 26.123 VND/USD. 

 (Nguồn: MBS)

Trong báo cáo tiền tệ mới công bố, các chuyên gia Chứng khoán MBS cho biết tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì xu hướng tăng, tính đến cuối tháng 4, tỷ giá này tăng 1,4% so với tháng trước, lên mức 25.994 VND/USD (tăng 2,1% so với đầu năm).

Theo MBS, tỷ giá tăng một phần do Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua 110 triệu USD từ các ngân hàng thương mại trong tháng 4, làm hạn chế nguồn cung ngoại tệ. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn.

Cùng với đó, việc lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức đáy 13 tháng trong tháng 4 đã khiến chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm mạnh, gây thêm áp lực lên tỷ giá.

Các chuyên gia dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 trong năm 2025, trong bối cảnh đồng USD phục hồi từ chính sách tài khóa mở rộng, lãi suất cao và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Ngoài ra, các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới và có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối - vốn đã khá khiêm tốn của Việt Nam sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD vào năm ngoái. 

Dù vậy, các yếu tố vĩ mô tích cực như thặng dư thương mại (3,79 tỷ USD), vốn FDI giải ngân (6,74 tỷ USD) và lượng khách quốc tế tăng mạnh (tăng 23,8% so với cùng kỳ) được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Xem thêm tại vietnambiz.vn