‘Khoản vay 0%’ từ ngân sách: Liệu có đủ giúp doanh nghiệp tăng tốc trở lại?
Sau những cú sốc dồn dập từ đại dịch đến biến động địa chính trị và chính sách thuế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang đứng trước thời điểm bản lề. Mặc dù các chỉ số vĩ mô bắt đầu khởi sắc, song nền tảng phục hồi vẫn mong manh do sức cầu nội địa yếu, dòng vốn đầu tư tư nhân chậm và môi trường quốc tế khó đoán định.
Trong bối cảnh đó, chính sách gia hạn thuế, giãn thu nộp tiền thuê đất và giảm thuế VAT đã được triển khai như một liều “doping” tài khóa ngắn hạn. Nhưng để xác định liệu đây là giải pháp tình thế hay điểm khởi đầu cho một chiến lược tăng trưởng bền vững, cần đi sâu hơn vào các cấu phần chính sách, tác động lan tỏa và tính tương hỗ với đầu tư công – tín dụng.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Gia hạn thuế: Giữ nhịp thanh khoản, tạo khoảng thở tạm thời
Tổng quy mô các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và phí từ năm 2020 đến 2024 đã lên tới gần 900.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ Tài chính. Riêng trong quý I/2025, giá trị gia hạn thuế, tiền thuê đất và lệ phí đạt 22.200 tỷ đồng, góp phần bổ sung thanh khoản cho doanh nghiệp trong bối cảnh tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn.
Tại Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, chính sách này đã giúp mỗi năm bổ sung khoảng 250–260 tỷ đồng vốn lưu động không tính lãi. Ông Võ Thành Đàng – Tổng Giám đốc công ty – nhấn mạnh rằng “nguồn vốn được giãn nộp này giúp công ty duy trì năng lực sản xuất và khai phá thêm thị trường mới”. Trong khi đó, ông Lê Đại Quảng – Phó Tổng Giám đốc Công ty dệt may Supertex – cho biết doanh nghiệp đã sử dụng khoản giãn thuế để đầu tư hàng chục máy dệt tự động, tăng năng suất và giảm chi phí lao động.
Tuy nhiên, khoản “vay 0%” này chỉ mang tính chất giãn nộp, doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ sau thời gian được ân hạn. Điều này đặt ra rủi ro đáo hạn kép nếu doanh thu không phục hồi đúng kỳ vọng hoặc tín dụng không mở rộng tương ứng. Đặc biệt với các ngành có chu kỳ vốn dài như xây dựng, công nghiệp chế biến và logistics, thời gian gia hạn 6–12 tháng là chưa đủ để tạo vòng quay dòng tiền hoàn chỉnh.
Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ giữa chính sách giãn thuế và dòng vốn tín dụng có thể tạo “hiệu ứng trì hoãn”, khiến doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, thận trọng trong tuyển dụng và cắt giảm kế hoạch mở rộng, qua đó làm giảm tốc độ hồi phục kinh tế.
Giảm thuế VAT: Cú huých tiêu dùng cần điều phối thông minh
Chính phủ đang đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT từ ngày 01/7/2025 đến 31/12/2026 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 121.740 tỷ đồng trong 18 tháng tới – một phần chi phí đáng kể nhưng cần thiết nếu xét đến tiềm năng kích thích tiêu dùng và phục hồi cầu nội địa.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định rằng “nếu kiểm soát tốt khâu định giá đầu ra và truyền thông chính sách minh bạch, đây có thể là công cụ kích cầu hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và ổn định giá hàng hóa”. Thực tế, theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tốc độ tăng trưởng bán lẻ quý I/2025 đạt 8,8%, tuy nhiên phần lớn đến từ nhóm hàng thiết yếu. Điều này cho thấy nhóm hàng không thiết yếu – chiếm phần lớn tiêu dùng của tầng lớp trung lưu – vẫn đang trong trạng thái phòng thủ.
Rủi ro lớn nhất hiện nay là việc hình thành “vòng lặp kỳ vọng hỗ trợ”, khi người dân và doanh nghiệp tin rằng các chính sách giảm thuế sẽ tiếp tục kéo dài hoặc trở thành thường trực. TS. Nguyễn Ngọc Tú cảnh báo: “Nếu không có lộ trình rút lui chính sách rõ ràng, hành vi thị trường sẽ méo mó và ngân sách sẽ chịu áp lực kéo dài”. Thống kê cho thấy, riêng từ năm 2022 đến 2024, chính sách giảm VAT đã khiến ngân sách hụt thu 123.800 tỷ đồng.
Để tối ưu hóa chính sách giảm thuế, cần tích hợp với kiểm soát giá đầu ra, tăng cường hậu kiểm và ưu tiên các nhóm hàng hóa có hệ số lan tỏa cao. Đồng thời, tín dụng tiêu dùng mục tiêu cho các hộ gia đình thu nhập trung bình cần được mở rộng nhằm tạo “vòng tròn tiêu dùng – sản xuất – đầu tư” bền vững.
Đầu tư công và tín dụng: Mảnh ghép không thể thiếu
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93% – mức cao nhất trong các quý I kể từ năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm, Việt Nam cần đồng thời đạt ba điều kiện: giải ngân đầu tư công tối thiểu 85%, tăng trưởng tín dụng trên 16% và duy trì lạm phát trong khoảng 3–4%.
Hiện tại, tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I mới đạt 8,98% kế hoạch, trong khi đó, tổng thu ngân sách đạt 721.300 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ, nhưng chi đầu tư phát triển vẫn bị lấn át bởi chi thường xuyên. Điều này dẫn tới sự “khuyết thiếu” trong việc dẫn dắt vốn tư nhân, kích hoạt đầu tư hạ tầng và lan tỏa tăng trưởng khu vực doanh nghiệp.
TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – nhấn mạnh: “Gia hạn thuế chỉ là giải pháp duy trì nhịp đập tài chính ngắn hạn, muốn tạo sóng tăng trưởng phải có tín dụng mở rộng và đầu tư công dẫn dắt”. SHS cũng khẳng định rằng “giảm thuế hay gia hạn thuế nếu không được hậu thuẫn bởi đầu tư công chất lượng và dòng vốn tín dụng hiệu quả sẽ không thể kích hoạt chu kỳ tăng trưởng thực chất”.
Doanh nghiệp hiện cần một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ tín dụng ưu đãi, chi phí logistics ổn định, năng lượng sẵn sàng, đến chính sách công minh bạch và môi trường đầu tư dễ dự báo. Nếu không, các chính sách tài khóa chỉ đơn thuần là phép thử trong môi trường vĩ mô đầy thách thức.
Có thể thấy chính sách “khoản vay 0%” từ ngân sách đã góp phần tháo gỡ tức thời khó khăn thanh khoản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chính sách này trở thành động lực dài hạn, cần định vị lại vai trò của tài khóa như một phần trong cấu trúc chính sách tổng thể, có sự phối hợp chặt chẽ với tiền tệ, đầu tư công và cải cách thể chế.
Tính hiệu quả của hỗ trợ tài khóa phụ thuộc không chỉ vào quy mô, mà còn vào thời điểm, cơ chế triển khai và khả năng phối hợp liên ngành. Tăng trưởng bền vững không thể chỉ dựa trên gia hạn nghĩa vụ thuế hay giảm thuế suất. Mà nó phải đến từ cải cách năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, hiện đại hóa hạ tầng và thúc đẩy dòng vốn đầu tư tư nhân.
Khi đó, “khoản vay 0%” không chỉ là hỗ trợ ngắn hạn mà là mắt xích trong một chiến lược phục hồi sâu sắc. Và quan trọng hơn, nó gửi đi tín hiệu thị trường mạnh mẽ: Nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro, tạo niềm tin, khơi dậy kỳ vọng tăng trưởng – yếu tố then chốt giúp nền kinh tế bứt tốc trong chu kỳ hậu khủng hoảng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn