Khối ngoại tiếp tục xả, thị trường giằng co
Giá cổ phiếu phục hồi khá tốt sáng nay với lực đỡ chủ đạo từ nhóm blue-chips. Dòng vốn nội đang bù đắp áp lực rút vốn từ khối ngoại khi nhóm này bước sang phiên xả ròng thứ 5 liên tiếp. VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,32% tương đương +3,58 điểm.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là tâm điểm, sau khi đột nhiên bán ròng rất lớn hôm qua. Riêng cổ phiếu trên HoSE hôm qua bị rút ròng 1.365 tỷ đồng. Sáng nay khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 323 tỷ đồng nữa, dù chưa bằng một nửa mức bán ròng sáng hôm qua.
Giao dịch bán ròng chủ yếu đang tập trung vào VHM với mức rút ròng 138,8 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng bị rút 43,9 tỷ. Một số cổ phiếu đáng chú ý khác là STB -33,5 tỷ, VND -26,4 tỷ, DXG -25,9 tỷ, VNM -22 tỷ. Phía mua chỉ có VHC +39,8 tỷ, SSI +21,1 tỷ.
Việc khối ngoại bán ròng mặc dù không gây sức ép quá lớn nhưng lượng vốn rút đi là cao, đồng nghĩa với cần lượng vốn nội đối ứng để có thể cân bằng. Sáng nay khối ngoại bán ra tổng cộng 799,1 tỷ đồng trên HoSE, chiếm xấp xỉ 10% tổng thanh khoản sàn này. Phía mua đạt giá trị 476 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với sáng hôm qua trong khi bán giảm 10%. Khối ngoại tăng mua trở lại là điều tốt khi xét từ yếu tố cung cầu, vì thực ra vốn nội cũng đang phục hồi khá ấn tượng.
Thanh khoản hai sàn niêm yết gần tương đương sáng hôm qua, khoảng 8.195 tỷ đồng, trong đó HoSE chiếm hơn 7.260 tỷ đồng. So với mức giao dịch của các tuần trước, đây vẫn là ngưỡng thanh khoản cao hơn đáng kể. Tín hiệu dòng tiền trở lại chủ yếu là dòng vốn nội, khi nhà đầu tư nước ngoài bước sang phiên bán ròng thứ 5 liên tục và tính theo tuần cũng là tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp.
Điểm tích cực sáng nay là cổ phiếu phục hồi giá khá tốt. Đầu phiên tâm lý thận trọng còn cao, VN-Index có lúc tụt giảm sát tham chiếu, độ rộng lúc kém nhất ghi nhận 178 mã tăng/159 mã giảm. Kết phiên sáng HoSE có 281 mã tăng/154 mã giảm. Nhóm blue-chips VN30 vẫn đóng vai trò giữ nhịp tương đối tốt dù mức tăng giá không cao. Chỉ số của nhóm này tăng 0,29% với 21 mã tăng/5 mã giảm. Trong 10 cổ phiếu nâng đỡ VN-Index tốt nhất, có 8 mã thuộc rổ VN30, với 5 mã ngân hàng là VPB tăng 1,04%, BID tăng 0,63%, LPB tăng 3,26%, TPB tăng 2,05% và TCB tăng 0,67%.
Diễn biến giằng co không chỉ thể hiện ở độ rộng mà biên độ dao động giá cổ phiếu cũng kém. Trong nhóm tăng, 95/281 mã tăng hơn 1% và trong nhóm giảm có 33/154 mã giảm hơn 1%. Toàn sàn HoSE có 23 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì số tăng giá vẫn chiếm ưu thế với 14 mã, nhưng chỉ 7 mã có biên độ đáng kể hơn 1%. Nói đơn giản, dòng tiền duy trì lực đỡ ổn định giá hơn là có khả năng tạo đột biến.
Dù vậy khả năng giằng co cũng là một biểu hiện tốt khi thị trường đang quay lại đỉnh cao hồi tháng 11. Với bước tăng giá khá nhanh vài phiên trước, nhu cầu chốt lời ngắn hạn đang là lực cản chính cùng với áp lực từ khối ngoại. Hôm qua khối này xả cực mạnh và nhóm mua ròng lớn nhất chính là nhà đầu tư cá nhân. Điều đó cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ là mạnh, bất chấp thị trường gặp ngưỡng cản ngắn hạn.
Điều còn thiếu là khả năng đột phá của nhóm blue-chips. VN-Index quay lại đỉnh cao tháng 11 và để vượt qua cần lực đẩy rõ ràng hơn. Sáng nay trụ lớn nhất là VCB chỉ có thể duy trì mức tham chiếu, VHM lại giảm sâu 1,23%, VIC giảm 0,47%. BID, GAS, HPG, VNM, CTG là các trụ lớn khác thuộc Top 10 vốn hóa thị trường chỉ tăng hạn chế. Khả năng duy trì độ phân hóa có thể là tích cực ở góc độ cổ phiếu cụ thể sinh lời cho nhà đầu tư, nhưng về mặt xu hướng chỉ số, các trụ vẫn là yếu tố quyết định.
Xem thêm tại vneconomy.vn