Lãi suất tiếp đà giảm

Sau khi đã giảm mạnh vào tuần trước, lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong tuần này. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã xuống chỉ còn 0,98%. Đây là mức thấp “không tưởng” so với mức lãi suất qua đêm đã từng lên tới 6,4% chỉ mới hồi đầu tháng 3. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn khác hiện cũng đã về mức rất thấp, với kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,74%, kỳ hạn 2 tuần là 2,52%, kỳ hạn 1 tháng là 3,44%...

Các ngân hàng cần thận trọng phòng vệ rủi ro, cả ở ngắn hạn và dài hạn.
Các ngân hàng cần thận trọng phòng vệ rủi ro, cả ở ngắn hạn và dài hạn.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,2 điểm %. Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 5,1%, lãi suất 6 tháng là 6,7%, 12 tháng là 7,1%...

Một số ngân hàng khác như Techcombank, Kiên Long Bank và LienvietPost Bank cũng đã giảm lãi suất huy động, mức điều chỉnh phổ biến là 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tại Techcombank, lãi suất tiền gửi onlines cao nhất chỉ còn 7,4%, áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong khi đó, lãi suất của ngân hàng này với các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng chỉ ở mức 6%. Cùng với lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng thực hiện các chương ưu đãi cho vay.

Đánh giá về diễn biến thị trường tiền tệ Việt Nam giai đoạn hiện nay, ông Peter Verhoeven - chuyên gia tài chính quốc tế, Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD, cho rằng diễn biến kinh tế Việt Nam có yếu tố khác với nhiều quốc gia khác, trong đó, lạm phát được kiểm soát ở mức không cao. Do đó, diễn biến lãi suất giảm trên thị trường tiền tệ Việt Nam như thời gian gần đây cũng là phù hợp, cho dù diễn biến này có phần trái ngược với diễn biến thị trường quốc tế hiện tại.

Không thể chủ quan trong quản trị ngân hàng

Với tình hình thanh khoản khá tốt hiện tại, các ngân hàng Việt Nam khá ung dung trước các biến cố trên thị trường tiền tệ quốc tế. Nói về “sức nóng” của thị trường tiền tệ quốc tế, ông Peter Verhoeven cho biết, hôm nay chúng ta đang trao đổi về các “case study” vừa xảy ra như Silicon Valley Bank (SVB), như Credit Suisse (CS), như Sinature Bank (SB), nhưng nếu 1 tuần nữa gặp lại biết đâu còn có thêm những “case study” mới. Theo đó, các tổ chức tài chính trong nước vẫn rất cần dõi theo từng bước diễn biến trên thị trường quốc tế để có những phản ứng kịp thời cho riêng mình trong việc phòng vệ rủi ro, cả ở ngắn hạn và dài hạn.

Chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam giảm trong tháng 3

Thông công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tính đến cuối tháng 3/2023 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.

Động thái gần đây liên quan đến SVB là việc Ngân hàng First Citizens đã cam kết mua lại SVB với giá 16,5 tỷ USD. Đây là một thương vụ khá đặc biệt bởi First Citizens không phải là một ngân hàng lớn, chỉ đứng 30 trong số các ngân hàng Mỹ về mặt quy mô.

Trong khi đó, SVB là ngân hàng đứng thứ 16. Đây là một thương vụ một ngân hàng nhỏ hơn mua lại ngân hàng lớn hơn. Tuy nhiên, thương vụ vẫn được giới tài chính đặt nhiều kỳ vọng, bởi Công ty bảo hiểm tiền gửi FDIC đồng hành với First Citizens trong thương vụ này. Trong đó, nhiều khoản đầu tư chứng khoán và tài sản khác của SVB vẫn do FDIC kiểm soát.

Nhìn lại những thất bại của SVB để làm bài học quản trị cho các ngân hàng, tổ chức tài chính khác, ông Peter Verhoeven cho biết, ngân hàng này đã thất bại trong quản lý bảng cân đối kế toán. Họ đã không thông tin vấn đề phù hợp giữa 2 loại tài sản là “tài sản giữ đến ngày đáo hạn” và “tài sản sẵn sàng để bán”.

Với một số ngân hàng khác, bài học đối với SB là tỷ trọng tiền gửi không được bảo hiểm khá lớn, trong khi ngân hàng cũng tập trung nhiều vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, tiền điện tử… Cùng tương tự như SB, vấn đề của một ngân hàng khác là Silvergate Bank cũng nằm ở chỗ tập trung nhiều vào lĩnh vực nhiều rủi ro là tiền điện tử, trong khi đó tỷ trọng tiền gửi được bảo hiểm lại thấp. Những yếu tố này dẫn đến tâm lý lo ngại của người gửi tiền về an toàn tiền gửi của họ khiến họ đi đến hành động rút tiền.

Ngay cả với ngân hàng Thụy Sỹ CS, dù quy mô nằm trong tốp 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, nhưng theo phân tích của ông Peter Verhoeven, một trong những vấn đề của ngân hàng này là giám sát tín dụng kém dẫn đến có nhiều khoản xóa nợ lớn, tái cơ cấu rất tốn kém và rất chậm. Trong khi đó, ngân hàng này thời gian qua cũng gặp nhiều trục trặc về vấn đề pháp lý làm tiêu tốn hàng tỷ USD (ví dụ như vấn đề gian lận trái phiếu cá ngừ Mozambique hay vấn đề rửa tiền năm 2022 ở Romania)./.