Lỗ lũy kế nghìn tỷ, cổ phiếu SHG của Tổng Công ty CP Sông Hồng có gì mà vẫn 'hút' nhà đầu tư?
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 1081/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thương Huyền vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật.
Cụ thể, bà Nguyễn Thương Huyền đã mua 7.009.378 cổ phiếu của Tổng Công ty CP Sông Hồng (MCK: SHG), tương ứng 70.093.780.000 đồng theo mệnh giá, vào ngày 28/7/2023 dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch tăng từ 0% lên 25,96% nhưng không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.
Với hành vi trên, bà Huyền bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thương Huyền đồng thời còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm, quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP; buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm d khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Với tỷ lệ 25,96%, bà Nguyễn Thương Huyền là cổ đông lớn nhất của Tổng Công ty CP Sông Hồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG cũng nhận được sự "quan tâm" của nhiều nhà đầu tư khác.
Ngày 2/2/2024, sau khi mua vào thành công hơn 6,6 triệu cổ phiếu SHG, bà Đinh Thị Hạnh nâng sở hữu tại doanh nghiệp này từ 0% lên 24,5% và trở thành cổ đông lớn của SHG.
Ở chiều ngược lại, cũng trong phiên 2/2, cổ đông lớn Nguyễn Thái Toàn bán toàn bộ cổ phiếu SHG nắm giữ với khối lượng bằng số mua vào của bà Hạnh.
Thị trường ngày 2/2 ghi nhận giao dịch hơn 6,6 triệu cổ phiếu SHG với giá trị giao dịch gần 28 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây chính là giao dịch "sang tay" của bà Nguyễn Thị Hạnh và ông Nguyễn Thái Toàn.
Ông Toàn cũng chỉ mới trở thành cổ đông lớn của SHG vào ngày 19/1, sau khi cùng bà Trần Bích Thủy mua lại cổ phần từ Song Hong Land. Cụ thể, ông Toàn và bà Thủy đã mua tổng cộng 13,23 triệu cổ phiếu SHG với tổng giá trị thương vụ là 61 tỷ đồng.
Song Hong Land sở hữu 13,23 triệu cổ phiếu SHG sau khi trúng đấu giá phiên đấu giá ngày 28/12/2023, khi Bộ Xây dựng thoái toàn bộ vốn khỏi SHG. Tổng giá trị thương vụ rơi vào khoảng 139 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chỉ sau 2 tuần trở thành cổ đông lớn, đến ngày 16/2, bà Hạnh đã bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ. Phiên giao dịch này cũng ghi nhận hơn 6,6 triệu cổ phiếu giao dịch sang tay với giá trị gần 22,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHG thu hút nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh doanh nghiệp này kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất năm 2023 đã soát xét, doanh thu thuần cả năm của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước gần 37,6 tỷ đồng.
Giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp ở mức 7,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Chi phí tài chính cũng giảm mạnh từ 165,4 tỷ đồng về còn 63,6 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay. Nhờ tiết giảm các khoản chi phí, SHG đã cải thiện lỗ thuần từ gần 172 tỷ đồng năm 2022 về mức lỗ 74,3 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế, phí, Tổng Công ty CP Sông Hồng lỗ ròng gần 70,4 tỷ đồng trong năm 2023; tuy nhiên, con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 178,2 tỷ đồng năm trước đó.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp là 1.113 tỷ đồng, tăng % so với thời điểm đầu năm. Khoản tăng này hầu như đến từ việc tăng nợ phải trả từ 1.939,8 tỷ đồng lên mức 2.143,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.895,2 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 248,3 tỷ đồng.
Thua lỗ kéo dài khiến doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu hơn 1.030 tỷ đồng; lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2023 ở mức hơn 1.336 tỷ đồng.
Phía kiểm toán cho rằng, những điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty. Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản công nợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ nguồn vốn từ các cổ đông.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh bết bát, nợ nần,... việc cổ phiếu của Tổng Công ty CP Sông Hồng vẫn có "sức hút" với nhà đầu tư nhiều khả năng hướng đến giá trị khai thác từ các dự án bất động sản, quỹ đất của doanh nghiệp này.
Theo BCTC hợp nhất năm 2023 (đã soát xét) của SHG, doanh nghiệp này đang ghi nhận hơn 35,6 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Khách sạn Royal Sông Hồng (số 144 đường Phan Bội Châu, phường Lào Cai, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai).
Dự án này được thực hiện theo Quyết định số 108/QĐ-HĐQT-TCT ngày 3/4/2008 của HĐQT Tổng công ty với tổng vốn đầu tư là 36,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện kéo dài hơn so với kết hoạch. Công văn số 2240/BXD-KHTC ngày 20/9/2017 của Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.
Tính đến ngày 31/12/2023, dự án đã hoàn thành 97% so với dự án đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, SHG còn hơn 500 triệu đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Lĩnh Nam, gần 1,9 tỷ đồng tại các dự án khác.
Cũng theo BCTC hợp nhất năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận gần 55,4 tỷ đồng bất động sản đầu tư cho thuê là giá trị diện tích kinh doanh tầng 1, tầng M, diện tích văn phòng, diện tích tầng hầm tại dự án Nhà ở cao tầng I1,I2,I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2- Thái Hà.
Dự án này được thực hiện theo hợp đồng kinh tế giữa Tổng công ty và Công ty CP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng.
Tính đến cuối năm 2023, Tổng công ty đã cho thuê đến hết thời hạn sử dụng đất tại dự án và đã ghi nhận doanh thu, giá vốn từ các giao dịch này khi thủ tục quyết toán dự án chưa hoàn thành.
Tổng Công ty CP Sông Hồng còn ghi nhận lợi thế tại lô đất tại số 70 An Dương (Hà Nội), lô đất chi nhánh Lào Cai,...
Xem thêm tại cafef.vn