Lợi nhuận quý 1 hồi phục mạnh kể từ đáy, một cổ phiếu "họ" Viettel âm thầm bứt phá hàng chục phần trăm sau 2 tháng

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn “kẹp” trong biên hẹp, nhiều cổ phiếu đã âm thầm bứt phá từ đáy. Là cổ phiếu thuộc "họ" Viettel, VTP của Viettel Post cũng gây chú ý với mức tăng vượt trội.

Từ đầu tháng 4, cái tên VTP đã được nhắc đến nhiều với chuỗi tăng miệt mài 12 phiên liên tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, VTP đã tăng hơn 40% trong vòng 2 tháng để leo lên 36.700 đồng/cp - mức cao nhất trong 7 tháng qua. Vốn hoá thị trường theo đó tăng thêm 1.165 tỷ đồng sau 2 tháng để cán mốc 4.100 tỷ đồng.

VTP cũng là mã có hiệu suất tốt nhất trong nhóm cổ phiếu Viettel, vượt qua CTR và VGI với mức tăng lần lượt là 25% và 17% trong 2 tháng qua.

Lợi nhuận quý 1 hồi phục mạnh kể từ đáy, một cổ phiếu "họ" Viettel âm thầm bứt phá hàng chục phần trăm sau 2 tháng - Ảnh 1.

Không chỉ hồi phục mạnh về điểm số, giao dịch tại cổ phiếu “họ” Viettel này cũng trở nên sôi động hơn trong thời gian gần đây. Thanh khoản khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất lên đến hàng triệu đơn vị, trong khi trước đó chỉ dao động quanh vài trăm nghìn cổ phiếu.

Động lực giúp cổ phiếu VTP tăng tốc được cho là đến từ những chuyển biến tích cực trong kết quả kinh doanh. Mặc dù doanh thu và LNST trong quý 1/2023 của doanh nghiệp đều giảm lần lượt 17% và 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.772 tỷ đồng và 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với mức lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của Viettel Post đã có tiến triển khả quan hơn.

Lợi nhuận quý 1 hồi phục mạnh kể từ đáy, một cổ phiếu "họ" Viettel âm thầm bứt phá hàng chục phần trăm sau 2 tháng - Ảnh 2.

Theo cập nhật của Chứng khoán Agriseco, sản lượng chuyển phát quý đầu năm 2023 của VTP đạt trên 14 triệu đơn/tháng cao nhất từ trước tới nay, tương ứng mỗi ngày 550 nghìn đơn. Ban lãnh đạo tiếp tục kỳ vọng sang đến quý 2 sản lượng có thể đạt 880 nghìn đơn/ngày tương đương 20-21 triệu đơn/tháng.

Bên cạnh đó, VTP cũng tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng . Trong quý 1/2023, khâu Middle mile và Last mile tiếp tục cải thiện hiệu quả khi rút ngắn được lần lượt 4 tiếng và 2 tiếng so với năm 2022, do đó vận chuyển toàn miền sẽ chỉ mất bình quân 46 tiếng. Ban lãnh đạo kỳ vọng có thể giảm con số này xuống 38-40 tiếng vào cuối năm nay.

Agriseco đánh giá KQKD của VTP đã chạm đáy trong quý 4/2022 và bắt đầu phục hồi trong năm 2023 nhờ việc tập trung tối ưu quy trình và cải thiện chất lượng dịch vụ, tìm kiếm thêm các đối tác khách hàng mới (Tiktok Shop).

Ban lãnh đạo Viettel Post cũng kỳ vọng, việc phục vụ tốt TikTok Shop là cơ hội để công ty đẩy mạnh hợp tác, phục vụ khách hàng lớn là các sàn thương mại điện tử có phạm vi toàn cầu.

Kế hoạch kinh doanh 2023 nhiều tham vọng 

Với chiến lược trên, VTP cũng mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với nhiều tham vọng, bất chấp bối cảnh sức cầu tiêu dùng suy giảm, sức ép cạnh tranh trong ngành dịch vụ chuyển phát ngày càng “nóng” hơn. Cụ thể, dù đặt kế hoạch doanh thu giảm 15% về mức 18.464 tỷ đồng, song mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Viettel Post dự kiến cao hơn 49% so với năm 2022, với 376 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý 1 hồi phục mạnh kể từ đáy, một cổ phiếu "họ" Viettel âm thầm bứt phá hàng chục phần trăm sau 2 tháng - Ảnh 3.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, kế hoạch doanh thu năm 2023 có phần sụt giảm do giảm mảng thẻ cào viễn thông khi đây là mảng đã tương đối bão hòa, dù có doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận gộp rất thấp. Ngược lại, mảng logistics – chuyển phát đặt kế hoạch tăng trưởng trên 30% sẽ là động lực tăng trưởng chính về mặt lợi nhuận cho VTP trong năm nay.

Mặc dù nhận định VTP đang đi đúng hướng để giành lại thị phần bằng cách tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, song SSI Research cũng lưu ý về khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Với những thách thức những năm gần đây, SSI Research nhận thấy Viettel Post thường không đạt được kế hoạch tham vọng đặt ra tại ĐHCĐ. Do đó, SSI Research cho rằng kế hoạch 2023 tiếp tục không phải là chỉ báo tin cậy cho lợi nhuận thực tế của công ty, do năm nay ghi nhận nhu cầu thấp hơn, cũng như chi phí vận hành và đầu tư vốn cao hơn.

Đội ngũ phân tích kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cốt lõi năm 2023 là 14% và LNTT ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, hai chỉ tiêu này dự báo đều thấp hơn kế hoạch tại ĐHCĐ.

Cũng đưa ra quan điểm về triển vọng của VTP, Chứng khoán VCSC kỳ vọng năm 2023 tăng trưởng tổng doanh thu sẽ được dẫn dắt bởi mảng dịch vụ với mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Sản lượng chuyển phát được kỳ vọng sẽ tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023 do thương mại điện tử thị trường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định đối với logistic trong nước vào năm 2023. Tuy nhiên, hai yếu tố tích cực này sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi sức mua yếu hơn của người tiêu dùng dẫn đến nhu cầu chi tiêu giảm.

Nhìn về trung hạn, VCSC đánh giá biên lợi nhuận gộp của Viettel Post sẽ được cải thiện nhờ sự chuyển dịch cơ cấu doanh thu, mảng thương mại vốn có biên lợi nhuận thấp sẽ giảm dần. CTCK này dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS có thể đạt 13% trong giai đoạn 2023-2026 do (1) mảng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh tại Việt Nam nhờ vào mức độ tiếp cận thương mại điện tử của khách hàng ngày càng tăng, (2) VTP cải thiện hiệu quả cơ cấu chi phí và (3) mảng dịch vụ chuyển phát phục hồi hoàn toàn trong khi chi phí vận hành giảm.

Xem thêm tại cafef.vn