Đây là kết quả của việc hợp tác giữa các ngân hàng với C06, Bộ Công an trong việc làm sạch dữ liệu khách hàng và đối phó với tình trạng gian lận ngày càng gia tăng.

Tại họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025 sáng nay, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), cho biết, cơ quan này đang phối hợp với C06 xây dựng kho dữ liệu về tài khoản nghi ngờ gian lận. Thời gian tới, các ngân hàng lớn sẽ chính thức triển khai việc cảnh báo tài khoản nghi ngờ gian lận, lừa đảo cho người chuyển tiền. 

Ông Tuấn cho biết, việc cảnh báo tài khoản nghi ngờ gian lận đã được Ngân hàng BIDV triển khai từ 1/4/2025. Đến nay, dù chưa đầy hai tháng, đã có trên 100 tỷ đồng được giữ lại (tức là không chuyển cho tài khoản nghi gian lận) thông qua cảnh báo lừa đảo, gian lận của ngân hàng. 

“Nếu triển khai rộng rãi trong toàn ngành ngân hàng sẽ giúp người dân cảm thấy yên tâm hơn”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Phạm Anh Tuấn 26.5.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN. Ảnh: NHNN

Ông Tuấn thông tin thêm, Vietcombank sẽ triển khai tính năng này kể từ ngày 30/6. Ngày 4/7, VietinBank triển khai trên VietinBank iPay. Ngân hàng MB, sau thời gian thử nghiệm hiệu quả, sẽ chính thức triển khai từ ngày 14/7. Agribank cũng chính thức triển khai từ ngày 24/7.

Khi chuyển tiền trực tuyến, nếu tài khoản người nhận nằm trong danh sách “đen” của ngân hàng, người chuyển tiền sẽ nhận được thông báo về trạng thái tài khoản nhận đang bị nghi ngờ gian lận. 

“Khi đó, người chuyển tiền sẽ là người quyết định có tiếp tục chuyển tiền hay không. Nếu không chuyển, hệ thống sẽ dừng giao dịch đó; nếu vẫn chuyển thì người chuyển sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm sau khi đã được ngân hàng cảnh báo”, ông Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, danh sách này phải được cập nhật thường xuyên, đảm bảo loại bỏ kịp thời các tài khoản đã được xác minh không còn gian lận. Tránh trường hợp sau khi xác thực, đối chiếu tài khoản, không còn nghi ngờ gian lận nữa nhưng vẫn “giam” tài khoản đó trong danh sách nghi ngờ, gây thiệt hại cho khách hàng.

Thông tư 17 của NHNN quy định về việc mở tài khoản thanh toán có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo đó, để có thể giao dịch trực tuyến, chủ tài khoản bắt buộc phải đối chiếu sinh trắc học với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Riêng với khách hàng tổ chức, quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Hiện có khoảng 55% số lượng tài khoản tổ chức thực hiện đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của người đại diện hợp pháp.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán nói thêm, NHNN đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 17, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay. Thay đổi đáng kể là NHNN sẽ tăng cường siết chặt hơn nữa đối với tài khoản thanh toán của tổ chức. 

Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ bắt buộc phải mở tài khoản thanh toán tại quầy. Không chấp nhận bất kỳ hình thức mở tài khoản qua thư hay ủy quyền cho người mang hồ sơ đến.

Thông tư mới cũng yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học của tất cả cá nhân, tổ chức khi mở tài khoản để đảm bảo tài khoản giao dịch chính chủ, dùng công nghệ để đối chiếu thông tin sinh trắc học. 

NHNN cũng sửa quy định đối với tài khoản tổ chức mới thành lập trong vòng 6 tháng (hoặc 9 tháng), khi các tổ chức này thực hiện giao dịch trực tuyến phải đối chiếu thông tin sinh trắc học tương tự như khách hàng cá nhân.

“Việc sửa đổi chỉ tập trung vào các khách hàng tổ chức, nhưng hoạt động kinh doanh như hộ kinh doanh cá thể, tránh gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp lớn”, ông Tuấn lưu ý. 

Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025” diễn ra chiều 29/5 trong bối cảnh Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 57 - là một trong bốn trụ cột thể chế nền tảng, có ý nghĩa chiến lược nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tinh thần đó đã được cụ thể hóa thành chủ đề sự kiện Chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là ‘Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số’.