Ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam sắp trả cổ tức 21%, phát hành cổ phiếu riêng lẻ đầu năm 2025
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật thông tin về hội nghị nhà đầu tư của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID)
Kế hoạch tăng vốn qua trả cổ tức và chào bán cổ phiếu riêng lẻ vào đầu năm 2025
Theo báo cáo của VDSC, BIDV cho biết, ngân hàng đang trong quá trình chờ phê duyệt chủ trương tăng vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và làm việc các nhà đầu tư tiềm năng để hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ (2,9% vốn điều lệ) trong quý I/2025.
Giá trị của lần phát hành này không được tiết lộ. Phần còn lại (khoảng 6,1% vốn điều lệ) sẽ được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thị trường và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư.
Sau khi phát hành thành công, BIDV sẽ cải thiện hệ số CAR (hiện tại 9,2%). Tuy nhiên, điều này có thể làm giảm ROE nếu như lợi nhuận không có mức tăng trưởng tương xứng.
Ngoài ra, BIDV cũng sẽ tăng vốn thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21%, dự kiến hoàn thành đầu năm 2025 sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được BIDV nêu ra từ năm 2022 với dự kiến ban đầu là phát hành 455 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 9%, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được do tình hình chưa thuận lợi. Đến năm 2024, nội dung này tiếp tục được đưa vào cuộc họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.
Theo đó, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng bằng việc phát hành thêm 1.361 triệu cổ phiếu. Trong đó, 1.197 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu (2,89% vốn điều lệ ở thời điểm 31/12/2023).
BIDV dự kiến trả cổ tức 21% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào đầu năm 2025 |
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 ít nhất 10%
Bên cạnh kế hoạch trả cổ tức và chào bán cổ phiếu riêng lẻ , BIDV dự kiến sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 14,04% được NHNN phê duyệt (tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm gần nhất là khoảng 11%).
Về triển vọng lãi suất toàn thị trường, BIDV đánh giá mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khoảng 0,25 điểm % về cuối năm do yếu tố mùa vụ để đáp nhu cầu tín dụng thường tăng nhanh vào dịp này. Tuy nhiên, nhà băng này dự kiến không tăng lãi suất huy động từ nay tới cuối năm.
Về chất lượng tài sản, BIDV nhận định rằng nợ xấu đã tạo đỉnh trong quý III/2024 và cam kết kiểm soát tỷ lệ nợ xấu cuối năm dưới 1,4%.
Bên cạnh đó, BIDV cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm tăng trưởng khoảng 10%. VDSC cho rằng, mục tiêu này hàm ý lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 tăng trưởng khoảng 6% so với cùng kỳ, lên mức khoảng 8.400 tỷ đồng.
Sang năm 2025, ngân hàng cũng tiếp tục bám sát chiến lược phát triển tín dụng bán lẻ. Hoạt động này một mặt nhằm bám sát với định hướng chiến lược, mặt khác ngân hàng nhận định nhu cầu tín dụng của phân khúc này đã và đang có sự hồi phục.
Với những triển vọng trên, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2025 không thấp hơn năm 2024 (ít nhất 10%).
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, tổng tài sản của BIDV tính đến cuối quý III tăng 12% so với đầu năm, đạt gần 2,6 triệu tỷ đồng, tương ứng đạt hơn 101 tỷ USD. Với kết quả này, BIDV tiếp tục là quán quân về tổng tài sản trong nhóm ngân hàng niêm yết. Theo sau là các ngân hàng như VietinBank với tổng tài sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng; Vietcombank với 1,93 triệu tỷ đồng tổng tài sản. Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, MB dẫn đầu với quy mô tổng tài sản đạt gần 1,03 triệu tỷ đồng. |
Xem thêm tại nguoiquansat.vn