Ngân hàng kiến nghị được đầu tư chi phối vào công ty công nghệ trong lĩnh vực an ninh mạng
Tại Hội nghị phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số" do ngành Ngân hàng tổ chức mới đây, nhiều ngân hàng đã chia sẻ những kết quả tích cực đạt được từ quá trình chuyển đổi số.
VietinBank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 triển khai giải pháp giải ngân trực tuyến. Từ tháng 8/2024 đến nay, hơn 42% giao dịch giải ngân của VietinBank được thực hiện qua kênh số. Việc này giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý, từ vài giờ giao dịch tại quầy xuống chỉ còn vài phút thao tác trên nền tảng trực tuyến. Tổng số tiền giải ngân cho khách hàng cá nhân qua hình thức số hóa đã vượt 69.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, BIDVhiện đang cung cấp dịch vụ cho hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp và tổ chức thông qua các nền tảng số như BIDV iBank, SMEasy, iConnect, Cash Management và Trade Flat. Những giải pháp này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, cải thiện vận hành và thúc đẩy tư duy chuyển đổi số trong chiến lược phát triển.

Vietcombank cũng ghi dấu ấn với việc triển khai nền tảng số toàn diện VCB Digibank, tích hợp đầy đủ các dịch vụ tài chính từ chuyển tiền, thanh toán đến đầu tư. Hiện nền tảng này đã thu hút hơn 15 triệu người dùng, với 91,8% giao dịch được thực hiện qua kênh số. Riêng với nhóm khách hàng cá nhân, tỷ lệ này lên đến 99%.
Đại diện lãnh đạo BIDV nhận định: “Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong cách thức tiếp cận, thấu hiểu và phục vụ khách hàng. Trong đó, khách hàng là trung tâm, công nghệ là công cụ, dữ liệu là tài sản và con người là động lực của sự phát triển trong kỷ nguyên số.”
Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, các ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị đáng chú ý.
Đại diện ngân hàng MB đề xuất NHNN cho phép các ngân hàng được đầu tư chi phối vào các công ty công nghệ hoạt động trong những lĩnh vực như an ninh mạng, xây dựng các nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục.
Theo MB, điều này không chỉ góp phần phục vụ tốt hơn tập khách hàng quy mô lớn của ngành ngân hàng mà còn đóng góp vào tiến trình phát triển khoa học – công nghệ và chuyển đổi số theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57.

MB cũng kiến nghị cần có quy định rõ ràng về phạm vi hoạt động của các công ty công nghệ do ngân hàng đầu tư nhằm tránh xung đột lợi ích với chức năng cốt lõi của ngân hàng như tín dụng và tài chính. Đồng thời, nên thiết lập một cơ quan giám sát độc lập để đánh giá và kiểm soát các khoản đầu tư công nghệ, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu.
Về phía BIDV, ngân hàng này kiến nghị NHNN sớm ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế sandbox trong lĩnh vực ngân hàng theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP. Các lĩnh vực được ưu tiên triển khai thử nghiệm gồm: chấm điểm tín dụng, cho vay điện tử và chia sẻ dữ liệu thông qua Open API.
Ngoài ra, BIDV cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ khác như: cho phép nâng hạn mức vay trực tuyến vượt quá 100 triệu đồng, chấp nhận kết quả đánh giá tín dụng từ bên thứ ba, ban hành hướng dẫn về lưu trữ hồ sơ số và cho phép sử dụng căn cước công dân nước ngoài qua eKYC nhằm mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Cuối cùng, ngân hàng cũng đề xuất nghiên cứu phát triển một nền tảng Open Banking & Open Finance ở cấp quốc gia, học hỏi từ các mô hình quốc tế như SGFinDex (Singapore) hay MyData (Hàn Quốc), hướng đến xây dựng một hệ sinh thái tài chính mở, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo an toàn dữ liệu.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn