Ngân hàng thời AI: Khởi nguồn làn sóng chuyển đổi chiến lược vận hành |
Ngân hàng tư nhân dẫn dắt phục hồi
Theo báo cáo phân tích toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I/2025 của FiinGroup, bức tranh lợi nhuận toàn thị trường đang cho thấy dấu hiệu bình thường hóa sau nhiều quý phục hồi mạnh từ nền thấp.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 20,5%/quý trong năm 2024. Tuy vậy, đây được xem là mức tăng trưởng thực chất và ổn định hơn khi không còn phụ thuộc lớn vào các khoản thu nhập tài chính đột biến như trước đó.
Động lực chính cho đà tăng này tiếp tục đến từ khối doanh nghiệp tài chính, đặc biệt là ngành ngân hàng, với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 15,3% so với cùng kỳ.
![]() |
Theo FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2025 ngành ngân hàng đạt 15,3% so với cùng kỳ và 3,5% so với quý trước, đánh dấu sự chững lại so với quý IV/2024 - thời điểm ngành này ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 19,2% và 14,1%.
Trong bối cảnh biên lãi thuần (NIM) tiếp tục thu hẹp và chất lượng tài sản suy giảm, kết quả lợi nhuận tích cực trong quý I chủ yếu được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính: gia tăng tín dụng tại các ngân hàng tư nhân, cắt giảm mạnh chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí nhân sự và tiếp tục giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi vẫn duy trì ổn định, góp phần giữ vững hiệu quả hoạt động của toàn ngành.
Bức tranh phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Khối ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 22,6% so với quý trước. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng quốc doanh lại sụt giảm mạnh, tới 23,6% so với quý IV/2024.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong quý I đạt 4,3%, vượt trội so với mức 2,7% cùng kỳ năm trước và chủ yếu đến từ các ngân hàng tư nhân. Trong khi đó, các ngân hàng có thế mạnh bán lẻ, nhóm quốc doanh và nhóm có dư nợ cho vay bất động sản cao ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn đáng kể.
Kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng
Đi kèm với sự phục hồi tín dụng là xu hướng thu hẹp NIM - hiện đã giảm quý thứ 3 liên tiếp, xuống còn 3% trong quý I/2025, mức thấp nhất kể từ quý IV/2018. Nguyên nhân đến từ áp lực kép khi chi phí huy động vốn tăng nhẹ (+0,1 điểm phần trăm so với quý trước), trong khi lãi suất cho vay sụt giảm do tín dụng bán lẻ chậm và nhiều ngân hàng quốc doanh chủ động giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Xu hướng thu hẹp biên lãi được ghi nhận đồng đều ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh và tư nhân, khiến triển vọng cải thiện lợi nhuận trong các quý tới gặp nhiều thách thức – đặc biệt là với những ngân hàng có tỷ trọng cao trong cho vay cá nhân hoặc triển khai các gói tín dụng ưu đãi.
![]() |
Nguồn: FiinGroup. |
Một vấn đề khác là chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu xấu đi. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành đều gia tăng, nổi bật ở các nhóm nợ dưới chuẩn và nợ có khả năng mất vốn. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn hệ thống giảm mạnh về còn 80,4% - mức thấp nhất kể từ quý II/2018, từ mức 90,6% trong quý IV/2024. Tỷ lệ bao phủ giảm ở cả 2 khối ngân hàng quốc doanh và tư nhân, trong khi chỉ một số ngân hàng khác ghi nhận mức tăng.
Mặc dù yếu tố thời vụ có thể giải thích phần nào việc gia tăng nợ xấu trong quý đầu năm, xu hướng này vẫn đặt ra yêu cầu thận trọng hơn trong chính sách tín dụng và sẽ tạo áp lực lên chi phí dự phòng trong các quý tới. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.
Về diễn biến cổ phiếu, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI nhận định rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường nhờ quy mô vốn hóa và mức đóng góp lợi nhuận lớn. Trong quý I/2025, nhóm này chiếm khoảng 45% tổng lợi nhuận toàn thị trường.
Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận của 12 ngân hàng lớn nhất có thể tăng khoảng 13% trong năm nay – tương đương với mức tăng trưởng của năm 2024. Triển vọng tích cực này được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 16% như mục tiêu Chính phủ đặt ra, cũng như các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp cải thiện khả năng xử lý tài sản và thu hồi nợ.
“Ngoài ra, một số ngân hàng đang mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực như chứng khoán và bảo hiểm, góp phần đa dạng hóa nguồn thu và củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn” - chuyên gia từ SSI cho biết.