Nhìn lại hai đề xuất đường sắt cao tốc Bắc Nam của Vinspeed và Thaco
Ngành đường sắt đang chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt, nhất là khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và các dự án đường sắt đô thị.
Sự thay đổi còn đến từ cơ chế khi doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia. Nổi bật lên gần đây là đề xuất làm chủ đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam của Vinspeed (thuộc Vingroup) và Thaco.
Đây là hai tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, đã có năng lực triển khai nhiều dự án quy mô lớn cũng như tiềm lực tài chính, con người vững mạnh.
Những đề xuất 'phá rào'
Theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có tổng mức đầu tư (đã bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) hơn 1,71 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỷ USD.
Dự án này do Nhà nước làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Do vậy, đề xuất của VinSpeed và Thaco sẽ chuyển sang hình thức doanh nghiệp tư nhân đầu tư trực tiếp, nghĩa là trở thành chủ đầu tư.
Đường sắt cao tốc Bắc Nam là dự án đặc biệt quan trọng, công nghệ phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, nên việc chuyển hình thức đầu tư sẽ là một quyết định phá rào cho khối doanh nghiệp tư nhân, cần được Quốc hội cho phép.
Về hình thức đầu tư và cơ cấu vốn, hai tập đoàn đều cam kết sẽ thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD). Thaco làm rõ thêm sẽ huy động thêm vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.
Phần còn lại 80%, khoảng 49 tỷ USD, sẽ là vốn vay. Thaco muốn Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong 30 năm, được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ dự án. Còn Vinspeed đề nghị vay từ Nhà nước với lãi suất 0% trong thời hạn 35 năm.

Một số tiêu chí 2 tập đoàn tư nhân đề xuất. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Về tiến độ dự án, VinSpeed kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12 năm nay và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.
Thaco kiến nghị phân kỳ làm hai giai đoạn trong vòng 7 năm. Trong 5 năm đầu, tập đoàn sẽ xây dựng hai đoạn Hà Nội - Hà Tĩnh và TP HCM - Nha Trang, là những khu vực có nhu cầu vận tải lớn. Hai năm tiếp theo sẽ triển khai đoạn giữa từ Hà Tĩnh đến Nha Trang.
Về thời gian hoạt động, VinSpeed đã đề xuất xây dựng và khai thác trong 99 năm; trường hợp của Thaco được rút ngắn xuống còn 70 năm.
Về khai thác quỹ đất và công nghệ, hai tập đoàn này đều phát triển theo mô hình TOD, nhận chuyển giao công nghệ từ một số đối tác nước ngoài có uy tín và sẽ đạo tạo nhân lực bài bản để làm chủ kỹ thuật.
Thaco làm rõ một số vấn đề là sẽ thành lập công ty dự án và mời gọi các doanh nghiệp trong nước khác tham gia góp vốn (vẫn nắm chi phối). Điều kiện tiên quyết làkhông chuyển giao dự án và cổ phần cho nước ngoài.
Tỷ phú Trần Bá Dương muốn có thêm một số ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện trong nước chưa sản xuất được; hưởng toàn bộ cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.
Tập đoàn này nói rằng không chỉ hướng đến hoàn thiện tuyến vận tải tốc độ cao, mà còn kỳ vọng sẽ góp phần hình thành ngành công nghiệp đường sắt trong nước, thúc đẩy các ngành nền tảng như luyện kim, cơ khí, công nghiệp số.
Tương tự, VinSpeed cho biết sẽ hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng đồng thời toàn tuyến, cùng nhau phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần tạo niềm tự hào cho người Việt.
Tiềm lực hai hệ sinh thái Vingroup và Thaco
Về tiềm lực, VinSpeed có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là mũi nhọn tiếp theo trong hệ sinh thái do tỷ phú Phạm Nhật Vượng vươn tầm quốc tế, phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vingroup được thành lập từ năm 1993 bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đang là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Hệ sinh thái này có hàng trăm công ty con, nổi bật nhất là Vinpearl, Vinfast, Vinhomes, Vinmec, Vinschool... Số lượng nhân sự toàn hệ thống khoảng 67.300 người.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Tập đoàn Vingroup có tổng tài sản 823.270 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 157.500 tỷ đồng.
Vinspeed đề xuất tự thu xếp 20% vốn (tương đương 312.300 tỷ đồng), con số này gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu của Vingroup.
Ngoài tập đoàn mẹ Vingroup, hệ sinh thái còn các công ty thành viên chủ lực (Vinpearl, Vinfast, Vinhomes, Vincom Retail). NgoàiVinfast niêm yết tại Mỹ, ba công ty còn lại đều niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Trong đó, Vingroup, Vinhomes và Vinpearl nằm trong top10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Trong khi đó, quy mô của Thaco nhỏ hơn với vốn chủ sở hữu tính đến quý I/2025 là 57.861 tỷ đồng (chưa bằng 1/5 vốn đầu tư tự thu xếp). Tập đoàn dự kiến bổ sung vốn thông qua phát hành cổ phiếu, nhưng vẫn đảm bảo Chủ tịch Trần Bá Dương và gia đình nắm cổ phần chi phối.
Hiện ông Trần Bá Dương và gia đình sở hữu khoảng 72% vốn tập đoàn, Tập đoàn Jarrdin Matheson là cổ đông chiến lược nắm giữ 26,6% cổ phần và còn lại 1,4% vốn thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ khác. Theo một báo cáo tại tháng 6/2024, Thaco có quy mô tổng tài sản hơn 187.000 tỷ đồng.
Thaco được thành lập từ năm 1997 ở lĩnh vực lắp ráp ô tô, đến nay đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành trong 6 lĩnh vực, lượng nhân sự hơn 77.000 người.
Nhóm 6 công ty thành viên chủ lực là Thaco Auto (ô tô), Thaco Agri (nông nghiệp), Thaco Industries (cơ khí và công nghiệp hỗ trợ), Thilogi (giao nhận vận chuyển), Thadico Đại Quang Minh (đầu tư, xây dựng) và Thiso (thương mại bán lẻ). Ngoài công ty HAGL Agrico (Mã: HNG) mua lại từ HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), hệ sinh thái Thaco chưa có doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong văn bản đề xuất, Thaco Auto giới thiệu có 2.000 kỹ sư, từng nhận chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài và tự nghiên cứu nhiều chủng loại ô tô. Thaco Industries có 2.700 kỹ sư, đã nghiên cứu nhiều máy móc và công nghệ cao, siêu trường siêu trọng.
Thadico có 1.000 kỹ sư, kiến trúc sư và cán bộ quản lý dự án, đã có kinh nghiệm trong nhiều dự án trọng điểm quốc gia như sân bay, bến cảng, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị...
Tỷ phú Trần Bá Dương tiết lộ vai trò của Thaco Industries sẽ là đầu mối cùng các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao và sản xuất đầu máy, toa tàu, các linh kiện phụ tùng máy móc, thiết bị phục vụ dự án và các phương tiện vận tải kết nối.
Thành viên Thadico sẽ làm đầu mối nhận chuyển giao triển khai đầu tư - xây dựng, quản lý dự án, vận hành, bảo dưỡng, duy tu, bảo trì hạ tầng xây dựng; đồng thời khai thác quỹ đất phụ cận ga theo mô hình TOD.
Thành viên Thiso sẽ làm đầu mối đầu tư, quản lý và vận hành các hạ tầng xã hội (trung tâm thương mại, đại siêu thị Emart, trường học, bệnh viện, công viên...) phục vụ nhu cầu người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Xem thêm tại vietnambiz.vn