Nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng vọt, có TCTD lên tới 3,8%

Nợ xấu tăng trở lại

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI cho biết, trong quý I/2025, tỷ lệ hình thành nợ xấu của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu tăng lên 2,46% (so với 0,55% trong quý IV/2024) và gần về mức đỉnh 2,58% trong quý I/2023.

Đồng thời, các khoản vay quá hạn tăng 11,6% so với quý trước, đến từ cả nợ Nhóm 2 (tăng 2,8% so với quý trước) và nợ xấu (tăng 20,4% so với quý trước).

Còn theo thống kê từ Wichart, đến hết ngày 31/3/2025, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng niêm yết đạt 2,16%. Trong đó, VPBank dẫn đầu với tỷ lệ 4,74%, tăng so với mức 4,2% hồi đầu năm. Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu chú ý gồm OCB (4,56%), ABBank (3,8%), VIB (3,79%), BVBank (3,43%) và SaigonBank (3,28%).

Ở chiều tích cực, 10 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, bao gồm cả các “ông lớn” quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân như MB (1,89%), SeABank (1,84%), LPBank (1,73%), ACB (1,48%), BacA Bank (1,26%), Techcombank (1,17%) và VietA Bank (0,63%).

Về quy mô tuyệt đối, phần lớn ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trong ba tháng đầu năm. Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết tăng gần 17% so với cuối năm ngoái, lên mức kỷ lục 265.549 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất, lên tới 39.909 tỷ đồng, tăng mạnh 37,45% chỉ trong một quý. VietinBank cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, gần 30,3%. Một số ngân hàng như SeABank và VietABank lại có diễn biến trái chiều với số dư nợ xấu giảm nhẹ.

Mặc dù chất lượng tài sản suy giảm song trong quý I/2025, các ngân hàng lại không quá tích cực trong việc trích lập dự phòng nợ xấu. Theo SSI, điều này được thể hiện ở việc chi phí tín dụng không tăng đồng bộ với tốc độ hình thành nợ xấu.

Tính đến cuối quý I/2025, tổng dự phòng rủi ro của nhóm ngân hàng niêm yết chỉ tăng 2,33% so với cuối năm 2024, đạt 212.460 tỷ đồng – mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng nợ xấu gần 17%.

Kết quả là tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn hệ thống đã giảm mạnh trong quý I, từ 91,4% xuống còn 80%.

Trong số 27 ngân hàng niêm yết, có tới 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn so với cùng kỳ. Hiện chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được mức bao phủ trên 100%, gồm Vietcombank, VietA Bank, VietinBank và Techcombank. Đáng chú ý, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về chỉ số an toàn này với tỷ lệ bao phủ lên tới 216,11%.

Nợ xấu đến từ đâu?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Tổng giám đốc VPBank ông Nguyễn Đức Vinh nhận định rằng bức tranh nợ xấu của ngân hàng sẽ rõ nét hơn trong nửa đầu năm. Nguyên nhân là do các khoản nợ đã được cơ cấu lại trong năm 2024 – đặc biệt là các khoản liên quan đến lĩnh vực bất động sản – sẽ được điều chỉnh và ghi nhận trở lại theo hướng phản ánh đúng chất lượng tài sản.

Một yếu tố rủi ro khác đang được các ngân hàng theo dõi sát sao là chính sách thuế quan. Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú, cho biết chất lượng tài sản tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025, trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp xuất khẩu. Khi nguồn thu của doanh nghiệp bị gián đoạn, khả năng trả nợ ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Theo đánh giá từ các chuyên gia Chứng khoán MBS, rủi ro nợ xấu trong năm 2025 có thể phát sinh nhiều hơn từ mảng ngân hàng bán lẻ – vốn đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng – so với tín dụng doanh nghiệp.

MBS dự báo, chi phí dự phòng của nhóm ngân hàng mà họ theo dõi sẽ tăng bình quân 16,9% so với cùng kỳ trong năm nay. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có mức tăng dự kiến thấp hơn, khoảng 12,6%, do danh mục cho vay chủ yếu vẫn tập trung vào khách hàng doanh nghiệp – vốn có rủi ro tín dụng chuyển biến chậm hơn. Ngược lại, các ngân hàng tư nhân với chiến lược mở rộng vào lĩnh vực bán lẻ và khách hàng SME – phân khúc có rủi ro cao hơn và ít lợi thế cạnh tranh – nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận chi phí dự phòng sớm hơn.

Còn theo FiinRatings, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro và nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cao hơn mức trung bình ngành sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn về kiểm soát rủi ro tín dụng. Áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời mà còn đòi hỏi các ngân hàng phải củng cố dự phòng và tăng cường năng lực quản trị rủi ro để bảo vệ bảng cân đối kế toán.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn