Ông lớn kết cấu thép chơi lớn cùng Vingroup, ACV, Hòa Phát, rục rịch IPO với tham vọng tỷ USD

Ông lớn kết cấu thép chơi lớn cùng Vingroup, ACV, Hòa Phát, rục rịch IPO với tham vọng tỷ USD
Nguồn: Website Đại Dũng

Thành lập từ năm 1995, Tập đoàn Cơ khí – Kết cấu thép Đại Dũng là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực kết cấu thép và cơ khí chế tạo. Dù chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, cái tên Đại Dũng đã gắn liền với nhiều công trình quy mô quốc tế và quốc nội, trở thành đối tác kỹ thuật tin cậy của các tập đoàn hàng đầu.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, dấu ấn của Đại Dũng từng ghi nhận tại hai sân vận động nổi tiếng phục vụ World Cup 2022 tại Qatar – Lusail và sân 974 – nơi doanh nghiệp này trực tiếp cung cấp và thi công các cấu kiện thép phức tạp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Việt Nam, Đại Dũng hiện diện trong nhiều dự án hạ tầng và công nghiệp lớn, nổi bật là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh (Hà Nội) – một trong 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới đang được xây dựng bởi CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF – thành viên Vingroup). Tại đây, Đại Dũng đảm nhận 70% khối lượng kết cấu thép phần khung chính, sử dụng hơn 10.000 tấn thép do Tập đoàn Hòa Phát cung cấp.

Ông lớn kết cấu thép chơi lớn cùng Vingroup, ACV, Hòa Phát, rục rịch IPO với tham vọng tỷ USD
Nhà ga chính sân bay Long Thành nhìn từ trên cao

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng là nhà thầu kết cấu thép chính cho các công trình trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất (mở rộng), các nhà máy công nghiệp quy mô lớn và hệ thống hạ tầng khu công nghiệp trên cả nước.

Không dừng ở đó, Đại Dũng đang từng bước mở rộng vai trò sang lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị. Doanh nghiệp đã cùng Tổng CTCP Xây dựng Số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát thành lập liên danh DCH, đề xuất làm tổng thầu EPC cho tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tại TP. HCM. Với chiều dài hơn 11 km và tổng vốn đầu tư hơn 47.900 tỷ đồng, đây là một trong những dự án đường sắt đô thị trọng điểm của cả nước. Nếu được lựa chọn, DCH sẽ đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC trong lĩnh vực metro đô thị.

Ông Trịnh Văn Huyên – Phó Tổng Giám đốc Đại Dũng Group – cho biết: “Mục tiêu dài hạn của Đại Dũng là tập trung phát triển xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường chiến lược như Trung Đông và Nhật Bản. Chúng tôi đã có nền tảng vững chắc tại Trung Đông, với đội ngũ nhân sự quốc tế sẵn sàng triển khai các dự án quy mô lớn. Mục tiêu đến năm 2028 là nâng công suất sản xuất lên 500.000 tấn/năm”.

Tại Đại hội cổ đông thường niên mới đây, Đại Dũng đã thông qua hàng loạt quyết sách quan trọng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chuyển mình trước thềm IPO, trong đó có kế hoạch phát hành cổ phần để chi trả cổ tức, thu hút dòng vốn quốc tế và đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD trước năm 2030.

Ông lớn kết cấu thép chơi lớn cùng Vingroup, ACV, Hòa Phát, rục rịch IPO với tham vọng tỷ USD
Nguồn ảnh: Đại Dũng Group

Báo cáo tài chính cho thấy năm tài khóa 2023–2024, doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh với hợp đồng ký mới tăng 65%, doanh thu tăng 28% và sản lượng tăng 26% so với cùng kỳ. Bước sang năm tài khóa 2024–2025, mục tiêu đề ra là doanh thu 9.000 tỷ đồng (tăng 30%) và sản lượng đạt 200.000 tấn (tăng 56%).

Từ vai trò nhà sản xuất thép đến vị thế tổng thầu tại những công trình quy mô quốc gia, Đại Dũng đang dần dịch chuyển sang một mô hình doanh nghiệp tích hợp – vừa sản xuất, vừa thi công – với năng lực đáp ứng các dự án công nghiệp nặng và hạ tầng hiện đại. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và thu hút FDI chất lượng cao, hành trình IPO sắp tới được xem là bàn đạp quan trọng giúp Đại Dũng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn