Thép HRC Trung Quốc lách đòn thuế của Bộ Công Thương tràn vào Việt Nam, nhóm doanh nghiệp nội địa đề nghị làm mạnh tay

Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC), giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, riêng thép HRC nhập từ Trung Quốc lại chiếm tới 62% tổng lượng, tương đương 1,9 triệu tấn.

Điểm đáng chú ý là lượng thép HRC có khổ rộng từ 1.880mm trở lên nhập từ Trung Quốc tăng đột biến. Chỉ riêng tháng 4/2025, Việt Nam nhập khẩu tới 214.000 tấn loại thép này, tăng tới 81% so với tổng lượng nhập cả quý I/2025 (118.000 tấn). Lũy kế 4 tháng, lượng thép khổ rộng nhập từ Trung Quốc đạt 335.000 tấn, gấp 4,6 lần so với 6 tháng cuối năm 2024 (71.200 tấn) và gấp 25 lần so với 6 tháng đầu năm 2024.

Diễn biến bất thường này dấy lên lo ngại về hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được Bộ Công Thương áp tạm thời từ ngày 21/2 ở mức 19,38% - 27,83%. Theo quy định hiện hành, thép HRC có xuất xứ Trung Quốc sẽ bị áp thuế tạm thời nếu có các đặc tính: độ dày từ 1,2 - 25,4mm và chiều rộng không quá 1.880mm.

Ngay sau đó, thị trường ghi nhận xu hướng gia tăng nhập khẩu loại thép HRC có chiều rộng trên 1.880mm, vượt nhẹ so với ngưỡng quy định. Một số doanh nghiệp cho rằng, về bản chất, những sản phẩm này không khác biệt đáng kể so với hàng hóa bị điều tra về mặt kỹ thuật, công năng sử dụng, kênh phân phối và có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Một doanh nghiệp trong ngành thép cảnh báo: “Nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm, xu hướng lách thuế sẽ không chỉ dừng lại ở khổ 1.900 - 2.000mm mà còn lan sang các loại khổ lớn hơn để sử dụng như thép cán nóng thông thường”.

Thép HRC Trung Quốc lách đòn thuế của Bộ Công Thương tràn vào Việt Nam, nhóm doanh nghiệp nội địa đề nghị làm mạnh tay
Thép HRC khổ rộng trên 1.800mm tràn vào Việt Nam sau đòn thuế của Bộ Công Thương

Mở rộng phạm vi điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu

Ngày 3/4, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức tham vấn công khai với các bên liên quan trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại buổi tham vấn, các bên liên quan đã trình bày quan điểm về phạm vi sản phẩm nằm trong diện điều tra. Các ý kiến hiện được phân hóa thành hai nhóm chính.

Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị loại trừ một số sản phẩm thép HRC đặc thù, bao gồm: thép cường độ cao dùng cho sản xuất linh kiện ô tô; thép phục vụ sản xuất sơ mi rơ moóc, thiết bị đặc chủng. Các loại thép có yêu cầu kỹ thuật chuyên biệt như chống ăn mòn, chịu mặn, chịu lạnh sâu, cường độ kéo cao, chịu lực tốt phục vụ cho các ngành đóng tàu, ô tô, sơ mi rơ moóc, khai thác dầu khí, kết cấu siêu trường siêu trọng... cũng được đề xuất loại trừ khỏi phạm vi điều tra.

Ở chiều ngược lại, Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận cả ý kiến đề xuất xem xét mở rộng phạm vi điều tra, cụ thể là áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép HRC khổ rộng trên 1.880mm.

Thời hạn lấy ý kiến muộn nhất là ngày 20/5. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ ban hành kết luận điều tra cuối cùng.

Hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa là hai doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất thép HRC. Ngay sau quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc, thị phần của Hòa Phát đã tăng vọt, bù đắp phần sụt giảm từ thị trường xuất khẩu, chịu hàng loạt rào cản thuế quan mới được dựng lên.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn