Phiên giao dịch chiều 6/12: Sắc xanh bao trùm, thị trường bứt tốc

Trong phiên sáng, VN-Index đã 3 lần thất bại khi cố lấy lại mốc 1.120 điểm đã để mất trong phiên hôm qua, trong đó đã 2 lần vượt qua ngưỡng này, nhưng đều thất bại do lực cung lớn. Tuy nhiên, kết thúc phiên sáng, thị trường vẫn giữ được sắc xanh nhạt với thanh khoản tăng khá tốt so với phiên sáng qua.

Bước sang phiên chiều, quán tính từ nhịp bán cuối phiên sáng khiến VN-Index tiếp tục gặp khó, lình xình và có lúc thu hẹp đà tăng trong 45 phút đầu của phiên chiều, trước khi quay đầu bứt tốc sau đó.

Sau 45 phút giao dịch, dù dòng tiền không quá ồ ạt, nhưng lực cung giá thấp được tiết giảm ở hầu hết các mã giúp VN-Index bứt lên, một lần nữa vượt qua mốc 1.120 điểm. Tuy nhiên, cũng giống như phiên sáng, chỉ số này gặp chút rung lắc khi tới vùng kháng cự này, nên tạm dừng lại và lình xình trong hơn 20 phút. Đến nữa cuối phiên chiều, khi nhận thấy lực cung không lớn, bên mua đã tự tin hơn, giúp VN-Index không bị đẩy xuống như phiên sáng, mà bứt tốc đi lên trên mốc 1.125 điểm. Sau chút nghỉ ngơi cuối đợt khớp lệnh liên tục, nhân thêm động lực trong đợt ATC, VN-Index đã tiếp tục đi lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày với thanh khoản tăng không đáng kể so với phiên hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 10,46 điểm (+0,94%), lên 1.126,43 điểm với 359 mã tăng, trong khi chỉ có 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 854 triệu đơn vị, giá trị 18.029,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 77,2 triệu đơn vị, giá trị 2.153 tỷ đồng.

Số sắc tím từ DXS (7.740 đồng), ASM (9.890 đồng) phiên sáng đã lan tỏa ra thêm ở các mã khác như IDI (12.150 đồng), CRE (8.340 đồng), VHC (75.900 đồng), ELC (19.550 đồng)… với thanh khoản khá tốt. Trong đó, IDI, ASM, CRE có thanh khoản từ hơn 6 triệu đơn vị đến hơn 7 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn. Trong khi đó, DXS khớp 4,9 triệu đơn vị, nhưng còn dư mua trần tới hơn 3,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dù không thể có được sắc tím khi đóng cửa phiên, nhưng HAG vẫn duy trì được phong độ đỉnh cao khi có mức tăng 5,88% lên 12.600 đồng, khớp lớn nhất sàn với 34,47 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản ngoài DXS, CRE, nhiều mã khác cũng có mức tăng tốt và sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo trong nhóm này, ngay cả DXG, NVL, DIG cũng đảo chiều tăng trở lại. Trong đó, DXG tăng 0,95% lên 21.300 đồng, khớp 24,91 triệu đơn vị; NVL tăng 0,55% lên 18.300 đồng, khớp 24,85 triệu đơn vị; DIG tăng 2,83% lên 27.250 đồng, khớp 23,66 triệu đơn vị. Ngoài ra, PDR cũng tăng 3,04% lên 28.800 đồng, khớp 16,51 triệu đơn vị, ITA tăng 6,52% lên 7.350 đồng, khớp 14,43 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, EVG tăng 5,13% lên 5.740 đồng, FIR tăng 4,95% lên 21.200 đồng, hay BCM tăng sau thông tin chuyển nhượng dự án và có thể hạch toán lợi nhuận trong quý IV cũng tăng mạnh 4,27% lên 66.000 đồng, mức tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.

LDG cũng đã hồi sinh trở lại với mức 3,83% lên 3.250 đồng, khớp 6,21 triệu đơn vị sau 3 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm sàn sau tin Chủ tịch HĐQT bị bắt.

Tuy nhiên, dù sắc đỏ chỉ chiếm số ít và mức giảm không lớn, nhưng lại có sự có mặt của mã đầu ngành VHM, làm cản bước tiến của VN-Index.

Không chỉ nhóm bất động sản, các nhóm dẫn dắt khác, sắc xanh cũng chiếm thế chủ đạo. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất SSB đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng. Tăng mạnh nhất vẫn là LPB tăng 2,61% lên 15.750 đồng, tiếp đến là OCB tăng 2,56% lên 14.000 đồng, TPB tăng 2,35% lên 17.450 đồng, EIB tăng 1,89% lên 18.900 đồng, VPB tăng 1,31% lên 19.400 đồng, TCB tăng 1,16% lên 30.400 đồng, STB tăng 1,08% lên 28.100 đồng… Trong nhóm này, STB, EIB và SHB là 3 mã có thanh khoản tốt nhất đều trên 14 triệu đơn vị; EIB cũng được khớp trên 12 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng có phiên giao dịch tích cực khi toàn bộ đều tăng giá, trong đó HCM tăng mạnh nhất và cũng là mã duy nhất 2,44% và cũng là mã duy nhất tăng trên 2%, lên 31.500 đồng. Trong khi đó, VND và VIX là 2 mã có thanh khoản tốt nhất chỉ đứng sau HAG với 30,76 triệu đơn vị và 29,38 triệu đơn vị. SSI cũng có giao dịch sôi động với 17,9 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng có mức tăng trên 1%, trong đó HPG là mã có thanh khoản tốt nhất 18,65 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,28% lên 27.600 đồng…

Sàn HNX cũng có giao dịch tương đồng với sàn HOSE, giống như phiên sáng và HNX-Index cũng đóng cửa với mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,29 điểm (+0,99%), lên 233,63 điểm với 105 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,8 triệu đơn vị, giá trị 2.115 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng, nhưng chỉ tăng nhẹ 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Phiên hôm nay CEO vượt qua SHS trở thành mã có thanh khoản tốt nhất với 20,76 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,51% lên 23.600 đồng; SHS khớp 17,67 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,55% lên 19.700 đồng; tiếp đến là HUT khớp 10,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,93% lên 21.300 đồng; TIG khớp 5,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,61% lên 11.300 đồng.

Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên HNX hôm nay chỉ duy nhất MST đóng cửa ở tham chiếu, còn lại đều tăng. Trong đó, có LIG tăng kịch trần lên 4.500 đồng, khớp 4 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này gặp khó khăn hơn nhiều so với 2 sàn niêm yết khi chịu rung lắc mạnh quanh tham chiếu trước khi kịp bứt lên trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,34%), lên 86,31 điểm với 180 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,8 triệu đơn vị, giá trị 501 tỷ đồng, giảm so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR đã trở lại dẫn đầu về thanh khoản với 5,5 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,51% xuống 19.400 đồng. Ba mã có thanh khoản tiếp theo có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là SBS, C4G, VGI và đều đóng cửa tăng giá.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 12 tăng 12,1 điểm (+1,1%), lên 1.111,1 điểm với 185.625 hợp đồng được giao dịch, giá trị 20.527,4 tỷ đồng; khối lượng mở 59.871 hợp đồng.

Trên thị trường phái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có 70 mã được giao dịch với tổng khối lượng 17,51 triệu đơn vị, tổng giá trị 4.890,9 tỷ đồng. Trong đó, mã có giao dịch cao nhất là HQN12102 của Hưng Thịnh Quy Nhơn với 7,29 triệu đơn vị, giá trị 729,4 tỷ đồng; tiếp đến là CBG12101 của Crystal Bay với 3,51 triệu đơn vị, giá trị 354 tỷ đồng; VIF12110 của Vinfast với 1,9 triệu đơn vị, giá trị 195 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất CSTB2323 do HSC phát hành là đóng cửa giảm 16,95% xuống 490 đồng, còn lại đều tăng. Ngoài ra, có thêm một mã khác cũng là chứng quyền của STB đứng giá là CSTB2309 do KIS phát hành. Bảy mã còn lại đều do SSI phát hành, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là chứng quyền của VPB CVPB2308 với 4,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,11% lên 200 đồng.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn