PVD và PVS: Tiêu điểm nhóm dầu khí

Nhìn lại năm 2013 - 2014, thị trường chứng khoán có xu hướng chủ đạo là đi ngang, nhưng đây là giai đoạn rực rỡ của ngành dầu khí khi giá cổ phiếu có mức tăng gấp đôi, gấp ba. Hiện tại, ngành dầu khí mang dáng dấp của 10 năm về trước, với triển vọng từ chính sách cũng như nhu cầu hồi phục sau dịch Covid-19.

Một số cổ phiếu đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như PVD, PVS, PLC, CNG, giúp giá có diễn biến tăng.

PVD: Khối lượng công việc dồi dào

Trong quý I/2023, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) đạt doanh thu 1.226,6 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận sau thuế 65,8 tỷ đồng, tăng 217,2 % so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn ghi nhận lợi nhuận suy giảm.

Nói về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023, PVD cho biết, tất cả các giàn khoan tự nâng đều hoạt động, khối lượng công việc dồi dào hơn nhiều so với hiệu suất chỉ đạt 55% của cùng kỳ. Ngoài ra, đơn giá thuê giàn tự nâng tăng 20%, giúp biên lợi nhuận cải thiện mạnh.

Nhiều khả năng, quý II/2023 sẽ tiếp tục chứng kiến tiếp sự bùng nổ của PVD khi nền kinh doanh quý II năm ngoái rất thấp, lợi nhuận âm gần 60 tỷ đồng.

Những biến chuyển hậu Covid-19 khi nhu cầu năng lượng toàn cầu hồi phục là điều đã được dự báo, kéo theo lĩnh vực giàn khoan tự nâng (JU) trên toàn cầu hướng tới đỉnh mới sau 8 năm của một chu kỳ đi xuống nhờ nhu cầu tăng cao tại Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo S&P Global, nhu cầu giàn JU tại Đông Nam Á dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2023, đẩy giá thuê giàn JU lên ngưỡng 130.000 USD, mức cao mới kể từ năm 2015.

Thực tế, hiệu suất sử dụng giàn JU trên thị trường hiện đạt 91% và nhiều nhà khai thác đang đối mặt tình trạng khan hiếm giàn JU, trong khi giá thuê ngày đang được chào ở mức cao trong các cuộc đấu thầu.

Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ nhu cầu giàn khoan gia tăng mạnh mẽ tại Trung Đông, nơi đã huy động thêm khoảng 50 giàn khoan từ các khu vực khác và một số trong đó đến từ Đông Nam Á. Nhu cầu giàn JU tại Trung Đông được dự báo sẽ tăng từ mức trung bình 125 giàn năm 2022 lên 169 giàn năm 2023 và 183 giàn năm 2024.

Năm 2023, tất cả các giàn JU của PVD đều đã có hợp đồng khoan, trong đó giàn PVD II và PVD III sẽ lần lượt phục vụ các hợp đồng dài hạn tại Indonesia và Malaysia.

Đại dự án dầu khí Lô B - Ô Môn với vốn đầu tư cơ bản dự kiến 10 tỷ USD được kỳ vọng sẽ đem đến sức sống mới cho ngành dầu khí. Với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, dự án có thể mang lại cơ hội việc làm lớn cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan như PVD.

PVS: Triển vọng từ Quy hoạch Điện VIII

Tuần qua, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVS) đã tổ chức cuộc họp với chuyên viên phân tích để cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2023 cũng như các chiến lược chính của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Tổng công ty đạt 3.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất (tương đương cùng kỳ) và 266 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất (giảm 14% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ khoản lãi bất thường từ việc thanh lý tài sản trong quý I/2022, thì lợi nhuận cốt lõi của PVD trong quý đầu năm 2023 đạt mức tăng 5%. Các mảng hoạt động cải thiện chính bao gồm cơ khí dầu khí (M&C), kho nổi chứa, xử lý, xuất dầu thô (FPSO) và tàu chuyên dụng, trong khi các cảng và cơ sở cung ứng ghi nhận kết quả suy giảm so với cùng kỳ.

Về Block B, PVS đã đấu thầu xong các hạng mục chính của dự án và đang chờ chủ đầu tư xét thầu, cũng như chờ Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư cuối cùng của dự án. Ban lãnh đạo PVS cho biết, Block B là dự án có quy mô hàng tỷ USD nên đây sẽ là một trong những dự án trọng điểm cho mảng M&C thời gian tới. Khí tự nhiên vẫn là nguồn chủ lực tạo ra điện của Việt Nam, do tính chất thiếu ổn định của các nguồn năng lượng tái tạo, trong khi nguồn điện than sẽ giảm dần theo cam kết về bảo vệ môi trường.

Xu hướng điện khí tự nhiên sẽ trở thành một trong những nguồn điện cơ bản quan trọng cùng với thủy điện và điện khí LNG trong dài hạn, như đã nêu trong Quy hoạch Điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, Quy hoạch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các nguồn năng lượng trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dự báo, quyết định đầu tư cuối cùng của dự án Block B có thể được phê duyệt trong năm 2023, khởi công xây dựng năm 2024 và khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026. Công ty Chứng khoán SSI giả định, PVS có thể giành được 900 triệu USD giá trị tổng thầu EPC trong giai đoạn 2024 - 2027 của dự án này.

Ban lãnh đạo PVS cho biết thêm, điện gió ngoài khơi sẽ là một hướng phát triển chiến lược mới của doanh nghiệp, bên cạnh các hoạt động dầu khí truyền thống. Mới đây, PVS đã ký hợp đồng xây dựng 33 chân đế điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) cho Orsted, công ty hàng đầu của Đan Mạch về năng lượng tái tạo, với tổng khối lượng EPC là 70.000 tấn thép (giá trị hợp đồng ước đạt 300 triệu USD), dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2025.

PVS kỳ vọng, Việt Nam cùng các nước trong khu vực đã có kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với việc xây dựng các trang trại gió ngoài khơi, phù hợp với chuyên môn hiện tại của doanh nghiệp. Do đó, Tổng công ty sẽ đầu tư để mở rộng năng lực trong lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời hợp tác với các công ty khác để xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng trong lĩnh vực kinh doanh trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nhằm phục vụ cho các dự án lớn hơn trong thời gian tới. Trong dài hạn, PVS có thể tham gia kinh doanh, trực tiếp với tư cách là nhà đầu tư.

Về tỷ suất lợi nhuận, PVS chia sẻ, dự án trang trại điện gió có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với dự án dầu khí truyền thống, nhưng do quy mô lớn nên lợi nhuận tính theo số tuyệt đối vẫn ở mức tích cực.

Ngày 25/5/2023, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lợi nhuận ròng của PVS sẽ tăng trưởng kép 16,7%/năm trong giai đoạn 2023 - 2025.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán BSC giữ quan điểm khả quan đối với ngành dầu khí, với 2 mã cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm thượng nguồn là PVD do giá dịch vụ dàn khoan ký mới/gia hạn cùng hiệu suất được cải thiện và PVS do tiềm năng từ các dự án mới trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn; đối với nhóm trung nguồn, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVT được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ giá cước vận tải ký mới tăng; còn trong nhóm hạ nguồn, doanh nghiệp phân phối xăng dầu là PLX có thể ghi nhận lợi nhuận năm 2023 tăng mạnh do mức nền thấp của năm 2022 và đầu tháng 4/2023 đã thoái vốn tại PGBank, mang lại khoản lợi nhuận đột biến. Một mã cổ phiếu dầu khí khác kỳ vọng lãi cao trong năm nay là PLC.

Trên sàn chứng khoán, trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu PVD, PVS, PLC tăng khoảng 20%; CNG, PVG tăng khoảng 10%; BSR, PLX, GAS, PGS, PGC, ASP có diễn biến đi ngang; MTG giảm hơn 10%.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn