Sacombank miễn nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo miễn nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, MCK: STB) vừa có văn bản gửi UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE và HNX thông báo về việc thay đổi nhân sự.
Cụ thể, theo quyết định của HĐQT, Sacombank tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khu vực Miền Bắc đối với ông Hoàng Thanh Hải; đồng thời chuyển sang làm Phó Giám đốc Khu vực Miền Bắc. Ngày bắt đầu có hiệu lực là 27/5/2025.
Cũng kể từ ngày 27/5/2025, HĐQT Sacombank quyết định cho thôi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Nguyễn Bá Trị - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khu vực TP.HCM.
Lý do là để Sacombank đề cử ông Nguyễn Bá Trị vào HĐTV Công ty TNH Cho thuê tài chính Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.
Thời gian ông Trị làm việc tại ngân hàng là từ ngày 12/04/1996 đến hết ngày 26/5/2025.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã rời cương vị Tổng Giám đốc Sacombank sau gần 8 năm điều hành. Bà Diễm sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022-2026.
Ở chiều ngược lại, Sacombank tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nhung, giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc Sacombank kể từ ngày 27/5/2025.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, sinh năm 1968, tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính - Ngân hàng, Cử nhân Luật. Được biết, ông Nhung từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) giai đoạn 2014-2016.
Như vậy, với việc bổ nhiệm này, Ban điều hành Sacombank hiện có 10 người gồm tân Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nhung và 9 Phó Tổng Giám đốc gồm: ông Hà Văn Trung, ông Nguyễn Minh Tâm, bà Quách Thanh Ngọc Thuỷ, ông Lê Đức Thịnh, ông Hoàng Thanh Hải, ông Đào Nguyên Vũ, ông Nguyễn Bá Trị, ông Hồ Doãn Cường, bà Nguyễn Thị Kim Oanh.
Mối liên hệ tín dụng giữa Sacombank và “hệ sinh thái” Him Lam
Thời gian qua, câu hỏi Sacombank có mối liên hệ tín dụng ra sao với “hệ sinh thái” Him Lam do chính Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh sáng lập đã được nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu STB đặt ra khi tham gia thị trường chứng khoán.
Theo đó, trong hệ sinh thái của Him Lam Group, bất động sản là lĩnh vực nổi bật với những doanh nghiệp như Công ty CP bất động sản Trường Sơn - Trường Sơn Land (tiền thân là Him Lam Land); Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP Him Lam;….
Theo ghi nhận của MarketTimes cho thấy, ít nhất có 2 doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Him Lam là Trường Sơn Land và Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng là các doanh nghiệp có phát sinh hợp đồng thế chấp nhiều tài sản, quyền tài sản cho nhà băng này.
Cụ thể, tại Trường Sơn Land, gần nhất vào ngày 28/06/2024, doanh nghiệp này đã thế chấp cho Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) tài sản bảo đảm là các quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán công trình xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 152/1A đường D1 (nay là đường Nguyễn Văn Thương), Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. HCM với giá trị tài sản là 138 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, gần nhất ngày 11/07/2024, doanh nghiệp này đã thế chấp cho Sacombank tài sản bảo đảm là các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai trên 24.167,1m2 đất thuộc Dự án Khu nhà ở thương mại tại thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng theo Hợp đồng hợp tác ngày 11/06/2024 ký giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Bàng và Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Nhân Hòa với trị giá hơn 350,1 tỷ đồng.
Bên cạnh quan hệ tín dụng với Sacombank, các doanh nghiệp bất động sản trong hệ sinh thái Him Lam cũng có nhiều quan hệ tín dụng với LPBank, nhà băng từng gắn nhiều với tên tuổi ông Minh.
Sacombank đang kinh doanh ra sao?
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý I/2025, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng 15% so với cùng kỳ, ở mức 6.863 tỷ đồng.
Tương tự, lãi thuần từ dịch vụ tăng 26% lên gần 728 tỷ đồng trong khi một số mảng thu ngoài lãi khác đều sụt giảm. Trong đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 94% xuống còn hơn 1,3 tỷ đồng, hoạt động khác lỗ 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được tiết giảm 3,5 lần so với cùng kỳ xuống 195 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trưởng 38% so với cùng kỳ lên 3.674 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Sacombank ghi nhận ở mức 757.093 tỷ đồng, tăng 1% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 5% lên 564.327 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 585.569 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 3/2025 là 14.151 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm nhẹ; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 4,8% lên gần 2.755 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 12,2% lên hơn 9.958 tỷ đồng. Qua đó, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,4% lên 2,51% sau ba tháng đầu năm.
Tính đến hết quý I/2025, Sacombank ghi nhận 17.118 nhân viên, giảm 970 người so với cuối năm 2024. Trong bối cảnh cắt giảm nhân sự nhưng, Sacombank tăng chi phí cho nhân viên thêm 6% so với cùng kỳ lên 2.078 tỷ đồng.
Chi lương và phụ cấp đã giảm 26% xuống còn 1.761 tỷ đồng. Như vậy, mỗi nhân viên ngân hàng này nhận lương và phụ cấp bình quân 34,3 triệu đồng/tháng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết, năm 2024 Sacombank đã giảm gần 500 nhân sự và trong giai đoạn 2025 - 2026 sẽ tiếp tục cắt giảm, đồng thời đẩy mạnh giao dịch số.
Xem thêm tại markettimes.vn