Sếp NVIDIA dồn dập thăm Indonesia rồi Việt Nam, các quốc gia bắt tay với tập đoàn chip 2.000 tỷ USD chuyển mình thế nào trong cơn sốt AI?

Các lãnh đạo NVIDIA đã có những chuyến thăm Indonesia và Việt Nam thời gian gần đây, với thông tin rót vốn dồn dập được công bố. Trung tuần tháng 4, NVIDIA công bố kế hoạch thành lập Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá 200 triệu USD tại Indonesia.

Cách đây ít ngày, FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA, dự kiến đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI.

Giữa tháng 12 năm ngoái, CEO – nhà đồng sáng lập NVIDIA Jensen Huang và các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này đã tới Việt Nam, bày tỏ mong muốn đặt nhà máy sản xuất và đưa nơi đây trở thành cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.

Việc hợp tác với hai quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á một lần nữa khẳng định về tiềm năng để phát triển AI vốn đã được những người điều hành của NVIDIA nhắc đến nhiều lần trước đó.

Nhìn một cách tổng quan, Châu Á là khu vực đóng góp trọng yếu trong cơ cấu doanh thu của NVIDIA. Doanh số tại Đài Loan và Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) tăng lần lượt 91,9% và 78,2% năm 2023, chiếm tỷ trọng lần lượt 22% và 16,9%.


Sếp NVIDIA dồn dập thăm Indonesia rồi Việt Nam, các quốc gia bắt tay với tập đoàn chip 2.000 tỷ USD chuyển mình thế nào trong cơn sốt AI?- Ảnh 1.

Năm 2020, tỷ trọng của thị trường là Đài Loan, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) và các quốc gia khác khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần lượt là 27,2%, 23,3% và 18,6%. Từ năm 2021, mặc dù NVIDIA không còn thuyết minh chi tiết về khoản doanh thu khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng dữ liệu quá khứ, xu hướng vận động của ngành công nghệ và động thái liên tục nhắc đến vẫn cho thấy châu Á vẫn giữ được vai trò trọng yếu trong mắt gã khổng lồ này.

Nhận định trên khẳng định bằng thông tin Singapore bất ngờ vươn lên vị trí thứ tư trong cơ cấu doanh thu của NVIDIA trong quý III/2023, đóng góp 2,7 tỷ USD (tương đương 15%). Tỷ trọng của Singapore xếp sau các thị trường lớn như Mỹ (34,8%), Đài Loan (23,91%) và Trung Quốc (gồm Hong Kong) (22,24%).

Giới phân tích và chuyên gia cho rằng Singapore có nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn chip để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy tính và xe điện. Sự vươn lên của Singapore trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, AI là xu hướng chung.

Xu hướng này phần nào phản chiếu trong kết quả kinh doanh của NVIDIA. Mảng trung tâm dữ liệu đem về hơn 47,5 tỷ USD cho NVIDIA trong năm 2023, vượt trội mảng truyền thống là game (gaming) đã thống lĩnh nhiều năm.

Sếp NVIDIA dồn dập thăm Indonesia rồi Việt Nam, các quốc gia bắt tay với tập đoàn chip 2.000 tỷ USD chuyển mình thế nào trong cơn sốt AI?- Ảnh 2.

Cấu trúc doanh thu theo mảng của NVIDIA.

Sự vươn lên được của "đảo quốc sư tử" gây bất ngờ khi quốc gia này chỉ mới bắt đầu thể hiện tham vọng mạnh mẽ trong lĩnh vực dữ liệu đầu năm 2022. Sau khi cho phép cấp đất để xây dựng trung tâm dữ liệu mới, Singapore sở hữu 70 trung tâm dữ liệu, chiếm 60% tổng công suất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.

Cushman & Wakefield nhận định Singapore có thể cạnh tranh với các đại bản doanh về trung tâm dữ liệu như Hong Kong, Sydney, Mumbai và Tokyo, đồng nghĩa rằng miếng bánh của NVIDIA tại khu vực này sẽ lớn hơn.

Đó là câu chuyện của Singapore, còn với Việt Nam và Indonesia, lãnh đạo của hai quốc gia này cũng đang có những quyết sách để đẩy mạnh lĩnh vực trung tâm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI). Đây có thể là "mỏ vàng" tiếp theo.

Ở chiều ngược lại, khi NVIDIA vẫn đang phải mở rộng mối quan hệ với nhà cung cấp để xây dựng khả năng dự phòng và phục hồi trong hoạt động để cung cấp năng lực sản xuất lâu dài phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng thì việc Việt Nam, Indonesia nằm trong chuỗi cung ứng tập trung của NVIDIA là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tạo cơ hội lớn cho những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tại hai quốc gia này.

Cuối tháng 4/2024, NVIDIA đã chính thức ký kết hợp tác toàn diện với FPT để xây dựng Nhà máy Trí tuệ nhân tạo (AI Factory) phục vụ nghiên cứu và phát triển AI tại khu vực, đồng thời nâng cao năng lực triển khai dịch vụ AI và Cloud trên toàn thế giới. Theo đó, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng Điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI có chủ quyền tại Việt Nam. Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA.

AI Factory sẽ cung cấp dịch vụ đám mây GPU giúp khách hàng doanh nghiệp của FPT trên toàn cầu tiếp cận với nguồn lực cốt lõi nhất để nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI), đạt được những đột phá trong nâng cao năng suất, trải nghiệm khách hàng. Đồng thời giúp FPT tăng tốc xây dựng, phát triển các nền tảng, ứng dụng AI có giá trị cao hơn cho khách hàng mọi ngành nghề.

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP FPT, NVIDIA đang là cái tên được nhiều doanh nghiệp, tổ chức mong muốn hợp tác. Cùng nhau, NVIDIA và FPT có thể xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho tương lai - nền tảng siêu điện toán, AI mà Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần để thúc đẩy sự tiến bộ của con người.


Xem thêm tại cafef.vn