Thị trường chứng khoán tháng 5 qua lăng kính các công ty chứng khoán
Dự báo VN-Index: Hướng lên 1.300 điểm
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bước vào tháng 5 với tâm thế thận trọng sau khi trải qua những biến động đáng kể trong tháng trước. Những lo ngại xoay quanh chính sách thuế từ Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam đã tạo ra cú sốc tâm lý vào đầu tháng 4, đẩy chỉ số VN-Index về vùng đáy gần 1.150 điểm.
Tuy nhiên, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh, thị trường đang dần hồi phục, với thanh khoản cải thiện và niềm tin nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu quay trở lại.
Trong các báo cáo chiến lược tháng 5, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng xu hướng phục hồi ngắn hạn đã hình thành, nhưng thị trường sẽ vận động theo hướng giằng co và phân hóa cao do chưa có động lực rõ ràng để bứt phá.
Cụ thể, Chứng khoán VNDirect đánh giá tháng 5 có thể là giai đoạn tích lũy cân bằng, với vùng dao động chủ yếu từ 1.200 đến 1.280 điểm. CTCK này ghi nhận động lực tích cực từ dòng tiền nội, trong khi khối ngoại vẫn bán ròng đều đặn.

(Nguồn: VNDirect).
Trong khi đó, Chứng khoán SSI cho rằng VN-Index đang trong quá trình tích lũy và có thể kiểm định lại vùng 1.280 – 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhóm phân tích lưu ý đây vẫn là sóng hồi trong xu hướng trung tính giảm, do các yếu tố bất định từ chính sách thuế của Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lại nhìn nhận thị trường đang trong trạng thái chiết khấu đủ lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trung hạn tham gia. Dự báo của SHS cho rằng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.150 – 1.270 điểm.
Một cách tiếp cận trung dung được đưa ra bởi Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), khi cho rằng dù tín hiệu kỹ thuật đã cải thiện, nhưng các yếu tố như dòng vốn ngoại và biến động kinh tế toàn cầu khiến thị trường khó có thể bứt phá ngay. Vùng kỳ vọng dao động từ 1.280 – 1.300 điểm.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh rủi ro điều chỉnh kỹ thuật khi thị trường tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, nhất là khi tâm lý chưa hoàn toàn ổn định và thiếu động lực từ nhóm nhà đầu tư tổ chức.
Ngoài ra, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) và Chứng khoán An Bình (ABS) nghiêng về dự báo VN-Index sẽ hướng lên 1.300, thậm chí 1.313 điểm, với yếu tố hỗ trợ đến từ kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp, cũng như kỳ vọng vào chính sách tiền tệ ổn định và câu chuyện nâng hạng thị trường.
Tổng thể, các CTCK đồng thuận rằng thị trường tháng 5 sẽ thiên về trạng thái tích lũy, chưa hình thành xu hướng rõ ràng. Kỳ vọng vào các yếu tố hỗ trợ như nâng hạng thị trường, lãi suất thấp, giải ngân đầu tư công và cải cách thể chế là có cơ sở, song áp lực từ khối ngoại và rủi ro địa chính trị toàn cầu vẫn là những biến số đáng lưu tâm.

(Nguòn: X.N tổng hợp).
Phòng thủ chủ động, cơ hội từ nhóm ngành chọn lọc
Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự ổn định và các yếu tố ngoại lực còn nhiều bất định, bộ phận phân tích khuyến nghị nhà đầu tư duy trì chiến lược phòng thủ, phân bổ vốn thận trọng và tập trung vào nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ.
Theo VNDIRECT, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, hạn chế sử dụng đòn bẩy và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường.
Nếu chỉ số điều chỉnh về vùng 1.200–1.220 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Những cổ phiếu được VNDirect ưu tiên lựa chọn trong tháng 5 bao gồm TCB, MBB và CTD.
SSI Research nhận định các ngành bất động sản, khu công nghiệp, hóa chất, dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng (bao gồm dệt may), chứng khoán, ngân hàng, xây dựng & vật liệu xây dựng, thực phẩm đồ uống (bao gồm thủy sản), đặc biệt là các cổ phiếu trong rổ vốn hóa trung bình (VNMidcap) sẽ cho nhiều cơ hội khi quá trình đàm phán thuế quan cho các tín hiệu tích cực.
Ngược lại, các biến động điều chỉnh trở lại khi đàm phán thuế quan không tích cực như kỳ vọng tiếp tục là cơ hội tốt để tích lũy dần các cổ phiếu trong các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp.

MASVN giữ quan điểm lạc quan về TTCK Việt Nam nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách hỗ trợ tăng trưởng và dòng tiền nội mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên duy trì chiến lược đầu tư thận trọng, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ các xu hướng lớn như đầu tư công, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi năng lượng.
Theo Agriseco, các cơ hội đầu tư tháng 5 do bộ phân phân tích lựa chọn tập trung vào nhóm VN30 và cổ phiếu đầu ngành đã có mặt bằng định giá an toàn đồng thời kỳ vọng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới. Danh mục khuyến nghị cụ thể gồm: HDG, HPG, MBB, MWG, VCG và VPB.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng về tổng thể, mức định giá hiện tại của thị trường là phù hợp để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn. Tuy nhiên, nhằm đối phó với sự bất định gia tăng và rủi ro kinh tế tiềm ẩn, chiến lược phân bổ danh mục có xu hướng phòng thủ sẽ phù hợp trong giai đoạn hiện tại.
Về ý tưởng đầu tư, danh mục chiến lược lần này tiếp tục cũng cố vị thế phòng thủ bằng những cổ phiếu có yếu tố hưởng lợi từ xu hướng của nền kinh tế, có tình hình tài chính lành mạnh và mức độ tác động của thuế quan là hạn chế.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định dòng tiền đang xoay vòng giữa các nhóm ngành, trong đó nhóm Midcap có nhiều cơ hội. Các chủ đề đầu tư của TPS gồm: Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thực sự vượt trội; doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi sau giai đoạn suy giảm; doanh nghiệp đang tích lũy tài sản để phục vụ tăng trưởng.
Các nhóm ngành kể đến gồm phân bón, cảng biển và vận tải biển, bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng không, bất động sản, khu công nghiệp...
Trong kịch bản tích cực, Chứng khoán An Bình (ABS) tập trung vào các nhóm ngành chính: hàng xuất khẩu (dệt may, thủy sản…), ngân hàng, chứng khoán, phân phối khí LNG, đầu tư công, thực phẩm, phân bón…
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) chỉ báo tâm lý giảm về vùng bi quan cho thấy các nhà đầu tư đang thận trọng hơn với triển vọng dài hạn của thị trường và các nhóm cổ phiếu có thể sẽ có diễn biến phân hóa.
Xu hướng dài hạn (5–12 tháng) của thị trường vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, tập trung vào các nhóm điện tử và thiết bị điện; bất động sản; du lịch và giải trí; ngân hàng; xây dựng và vật liệu xây dựng; vận tải; sản xuất thực phẩm; khai khoáng.
Ngoài ra, các chủ đề đầu tư theo xu hướng như nâng hạng thị trường, cải cách thể chế và chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng được nhắc tới như cơ hội trung hạn cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hơn.
Tóm lại, chiến lược đầu tư tháng 5 cần kết hợp giữa thận trọng trong ngắn hạn và lựa chọn cơ hội có tiềm năng trung dài hạn. Với thị trường chưa có xu hướng rõ ràng, việc giữ nhịp đầu tư ổn định, bám sát tín hiệu kỹ thuật và dòng tiền là yếu tố then chốt để kiểm soát rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.
Xem thêm tại vietnambiz.vn