Nội lực kinh tế: “Bệ phóng” hỗ trợ VN-Index chinh phục mốc 1.450 điểm

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thể hiện sức bật đáng kể với mức tăng trưởng vượt trội so với hầu hết các thị trường trong khu vực ASEAN giữa bối cảnh thách thức từ kinh tế toàn cầu và áp lực chính sách thương mại.

Để có cái nhìn chuyên sâu, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đã chia sẻ những đánh giá phân tích về thị trường và triển vọng trong sáu tháng cuối của năm 2025.

- Thưa ông,thị trường chứng khoánđi qua nửa đầu năm với mức tăng trưởng rất ấn tượng của VN-Index 6,7%, ghi nhận sự vượt trội so với các thị trường lớn trong khu vực. Tuy nhiên, đà tăng này dường như chưa lan tỏa đồng đều, ông lý giải thế nào về sự bứt phá này và liệu động lực tăng trưởng có thực sự bền vững?

Ông Đinh Quang Hinh: Đúng vậy, thị trường đã chứng kiến đà tăng trưởng xuất sắc của VN-Index trong 6 tháng đầu năm. Mức tăng 6,7% không chỉ là một con số tích cực mà còn đặc biệt có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh khu vực, khi các chỉ số SET của Thái Lan giảm sâu 23,7%, FBMKLCI của Malaysia giảm 8,6%, PCOMP của Philippines và JCI của Indonesia cũng đều ghi nhận mức giảm.

Sự vượt trội này diễn ra ngay cả khi Việt Nam đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đề xuất mức thuế đối ứng từ Mỹ thuộc hàng cao nhất khu vực, có thể lên đến 46%. Điều này cho thấy hai yếu tố cốt lõi, thứ nhất là phản ánh niềm tin vững chắc của thị trường vào nền tảng kinh tế vĩ mô nội tại. Thứ hai, nhà đầu tư đang “đặt cược” lớn vào các yếu tố hỗ trợ mang tính bước ngoặt sắp tới, bao gồm kết quả tích cực từ đàm phán giảm thuế với Mỹ và đặc biệt là câu chuyện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Tuy nhiên, đà tăng chưa thực sự lan tỏa và đây là một điểm cần lưu tâm. Cụ thể, nhóm cổ phiếu bất động sản dẫn dầu thị trường với mức tăng đột phá lên tới 66,8% kể từ đầu năm, chủ yếu được dẫn dắt bởi hai cổ phiếu trụ cột là VHM và VIC. Sự phục hồi của nhóm này đến từ kỳ vọng vào các chính sách tháo gỡ pháp lý quyết liệt của Chính phủ. Trong khi đó, nhóm Ngân hàng (chiếm tỷ trọng lớn) lại chỉ tăng khiêm tốn 5,3% và đà tăng cũng chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu có “câu chuyện” riêng.

Sự phân hóa này cho thấy thị trường vẫn đang vận động theo những nhóm và mã riêng lẻ thay vì một xu hướng tăng trưởng đồng thuận. Dù vậy, động lực tăng trưởng vẫn khá bền vững khi các chính sách hỗ trợ kinh tế thẩm thấu sâu hơn và vấn đề nâng hạng thị trường đang trở nên rõ ràng hơn. Trên nền tảng đó, dòng tiền sẽ có xu hướng lan tỏa sang các nhóm ngành khác, tạo ra một mặt bằng giá mới cân bằng và vững chắc hơn.

dinh-quang-hinh.jpg
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đã chia sẻ những đánh giá phân tích về thị trường và triển vọng trong sáu tháng cuối của năm. (Ảnh: Vietnam+)

- Một điểm đáng chú ý là dòng vốn ngoại, mặc dù áp lực bán ròng đã hạ nhiệt đáng kể trong quý 2 song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rút ròng gần 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Theo ông, đâu là nguyên nhân của xu hướng này và thị trường có thể kỳ vọng vào sự trở lại của dòng vốn ngoại trong thời gian tới để hỗ trợ mục tiêu 1.450 điểm của VN-Index?

Ông Đinh Quang Hinh: Dòng vốn ngoại là một câu chuyện phức tạp nhưng đang có những tín hiệu rất đáng mừng. Con số bán ròng 39,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm quả thực là một áp lực. Tuy nhiên, bức tranh tổng quan cho thấy con số này đã giảm so với mức 45,5 nghìn tỷ đồng (1,7 tỷ USD) của cùng kỳ năm 2024, trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu khi VND mất giá 2,1% so với đầu năm.

Hơn nữa, điểm sáng quan trọng nhất thể hiện xu hướng đã đảo chiều rõ rệt của khối ngoại trong quý 2. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 25,9 nghìn tỷ đồng trong quý 1 và con số này rút ngắn còn 13,9 nghìn tỷ đồng ở quý 2. Đặc biệt, tháng Năm đã chứng kiến khối ngoại quay trở lại mua ròng. Sự thay đổi này đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Cụ thể là tâm lý toàn cầu được cải thiện và các nỗ lực đàm phán thương mại Việt-Mỹ được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô trong nước được củng cố bởi các chính sách điều hành quyết liệt, tiêu biểu là Nghị quyết 68/NQ-TW về thúc đẩy kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng đã tăng lên 11,9% tổng thanh khoản thị trường, so với mức 9,5% của cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy họ vẫn đang quan tâm và tham gia tích cực.

Dựa trên những phân tích này, VNDIRECT điều chỉnh tăng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên mức 1.450 điểm, tương đương mức tăng 14% so với cuối năm 2024. Kịch bản cơ sở của chúng tôi dựa trên các giả định Việt Nam đàm phán thành công, đưa mức thuế đối ứng bình quân của Mỹ xuống khoảng 16–22%; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm, giúp chỉ số DXY hạ nhiệt. Nền tảng vĩ mô trong nước tiếp tục là trụ đỡ vững chắc với tăng trưởng GDP dự báo đạt 7,3% và tăng trưởng tín dụng 16%.

Những yếu tố này sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 14–15% trong năm nay, qua đó củng cố định giá VN-Index ở mức P/E dự phóng 13,5 lần vào cuối năm, đây là mức định giá hấp dẫn và hoàn toàn khả thi để chinh phục mốc 1.450 điểm.

- Ông vừa nhấn mạnh nền tảng vĩ mô là chỗ dựa chính cho thị trường. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị gia tăng, đâu là những trụ cột cụ thể đang và sẽ dẫn dắt tăng trưởng GDP 7,3% của Việt Nam trong năm 2025, thưa ông?

Ông Đinh Quang Hinh: Sức chống chịu của kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 thực sự rất đáng ghi nhận. Động lực tăng trưởng GDP 7,3% đến từ một tổ hợp các trụ cột nội tại được kích hoạt mạnh mẽ bởi sự điều hành chủ động của Chính phủ.

Cụ thể, trụ cột thứ nhất và quan trọng nhất là chính sách tài khóa mở rộng với đầu tàu là đầu tư công. Tính đến hết tháng Năm, giải ngân vốn đầu tư công đã đạt 199,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 24,1% kế hoạch năm, cao hơn mức 21,6% của cùng kỳ năm ngoái. Với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu giải ngân 100% trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn này sẽ là cú hích cực lớn cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (tương đương giá trị 122 nghìn tỷ đồng) và chính sách giảm chi phí sử dụng đất đang trực tiếp hỗ trợ “sức khỏe” tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Trụ cột thứ hai là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Sau một thời gian dài trầm lắng, lĩnh vực này đang lấy lại vai trò động lực tăng trưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ đang hành động rất quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho những dự án bị đình trệ. Tín hiệu rõ nét nhất là số thu thuế từ nhà, đất trong Năm tháng đầu năm tăng vọt 105% so với cùng kỳ. Con số này không chỉ mang ý nghĩa về ngân sách, mà nó cho thấy các chủ đầu tư đang chủ động hoàn thành nghĩa vụ tài chính để đẩy nhanh tiến độ dự án. Sự ấm lên của thị trường bất động sản sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực sang các ngành liên quan (như ngân hàng, vật liệu xây dựng, và bán lẻ).

Cuối cùng, không thể không nhắc đến sức mạnh của khu vực sản xuất công nghiệp và thương mại. Mặc dù có yếu tố mùa vụ từ việc các đối tác tăng hoạt động nhập khẩu trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày của Mỹ, song điều này cũng cho thấy năng lực sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn rất tốt. Các chính sách định hướng tăng trưởng này sẽ là động lực chính giúp kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng cao trong nửa cuối năm.

anh-mpi.jpg
Năng lực sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn rất tốt. (Ảnh: Vietnam+)

- Bên cạnh những điểm sáng, thương mại và lạm phát vẫn là hai yếu tố tiềm ẩn rủi ro. Với kịch bản Mỹ áp thuế, ông dự báo bức tranh xuất khẩu và áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ diễn biến ra sao trong những tháng tới?

Ông Đinh Quang Hinh: Đây là những rủi ro hiện hữu cần theo dõi chặt chẽ. Thương mại trong 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả rất khả quan với xuất khẩu tăng 14,0% (đạt 180,2 tỷ USD) và nhập khẩu tăng 17,5% (đạt 175,6 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 5 tháng tăng mạnh 27,4%. Tuy nhiên, đà tăng này có thể sẽ chững lại trong nửa cuối năm khi kinh tế Mỹ hạ nhiệt và tác động từ thuế quan phản ánh rõ nét hơn. Theo đó, kịch bản cơ sở của VNDIRECT là Việt Nam có thể đàm phán để đưa mức thuế đối ứng bình quân về khoảng 16–22%. Một điểm đáng chú ý là biểu thuế có thể được áp dụng theo xuất xứ sản phẩm. Nếu điều này xảy ra, các mặt hàng có thế mạnh và nguồn gốc thuần Việt Nam (như thủy sản, nông sản) có thể được hưởng mức thuế ưu đãi hơn và giúp quốc gái duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường chiến lược này.

Về lạm phát, dự báo lạm phát bình quân cả năm 2025 sẽ nâng lên mức 3,3% (từ mức 3,2% trước đó). Nguyên nhân chính đến từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng trở lại. Cụ thể, xung đột tiếp tục kéo dài sẽ khiến chỉ số giá của nhóm giao thông trong quý 3 có thể chịu thêm áp lực. Dù vậy, mức lạm phát dự báo 3,3% vẫn thấp hơn con số 3,6% của năm 2024 và nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Như vậy, sự ổn định này là một lợi thế lớn của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác.

Rõ ràng dù phải đối mặt với không ít thách thức từ bên ngoài, nhưng với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và sức mạnh nội tại ngày càng được củng cố, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực. Nền tảng vĩ mô vững chắc này chính là “bệ phóng” đáng tin cậy nhất cho sự bứt phá của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Đảng bộ Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nâng tầm tham mưu hoạch định chính sách, tránh bị động,  trước yêu cầu rất cấp bách tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Xem thêm tại vietnamplus.vn