Thị trường hồi phục, Habeco lãi hơn 200 tỷ đồng trong quý 3

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với lãi ròng 205 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Habeco thu về 475 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 115% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Thị trường hồi phục, Habeco lãi hơn 200 tỷ đồng trong quý 3

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với lãi ròng 205 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Habeco thu về 475 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 115% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Habeco ghi nhận quý phục hồi thứ 4 liên tiếp. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Lãi ròng quý 3 tăng 61% so với cùng kỳ

Quý 3/2022, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 2,440 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng hơn 2,400 tỷ đồng (+44%), doanh thu cung cấp dịch vụ gần 40 tỷ đồng (+70%).

Song song đó, tốc độ tăng giá vốn chậm hơn giúp Công ty thu về lãi gộp gần 710 tỷ đồng, tăng 61%. Biên lãi gộp cải thiện từ 26% lên 29%.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2022 của BHN. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 16%, lên hơn 33.5 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi và cho vay hơn 33 tỷ đồng (+22%). Ngược lại, chi phí tài chính giảm 33%, còn gần 2.4 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay hơn 2 tỷ đồng.

Các chi phí hoạt động của doanh nghiệp như chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 76% (hơn 353 tỷ đồng) và 10% (gần 124 tỷ đồng).

Ngoài ra, Habeco ghi nhận lãi trong công ty liên doanh, liên kết gần 3.6 tỷ đồng, gấp gần 13 lần cùng kỳ.

Kết quả, Công ty lãi ròng gần 205 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Habeco mang về gần 5,930 tỷ đồng doanh thu thuần và 475 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 29% so với cùng kỳ. Lãi ròng của Công ty tăng 28%, lên hơn 433 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận sau thuế cải thiện và tăng trưởng so cùng kỳ đến từ việc cả nước đã mở cửa trở lại tất cả hoạt động kinh tế - xã hội - du lịch trong nước và đón du khách nước ngoài, nhu cầu tiêu dùng cũng dần phục hồi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty không còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Habeco đã và đang thực hiện đồng thời các giải pháp tiết chế chi phí hoạt động và tăng cường công tác bán hàng thông qua các chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng; chính sách bán hàng hấp dẫn cho nhà phân phối, đại lý.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu đạt 6,605 tỷ đồng doanh thu và 221 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 13% và 32% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng, Habeco thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và vượt 115% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trả hết khoản vay dài hạn 48.5 tỷ đồng từ Ngân hàng VIB

Tại cuối tháng 9/2022, quy mô tài sản của Habeco hơn 7,200 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 23% (lên hơn 890 tỷ đồng); đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 8% (gần 2,630 tỷ đồng) do Công ty gửi mới 50 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 12 tháng.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 25% (hơn 471 tỷ đồng), chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng với gần 335 tỷ đồng (+16%) và phải thu ngắn hạn khác gần 112 tỷ đồng (+77%).

Hàng tồn kho hơn 543 tỷ đồng, giảm gần 2%. Trong đó, nguyên vật liệu chiếm 41% tổng giá trị hàng tồn kho, đạt gần 228 tỷ đồng; công cụ, dụng cụ gần 123 tỷ đồng (chiếm 22%). Song song đó, Công ty dự phòng hơn 16 tỷ đồng (đi ngang so với đầu năm).

Hàng tồn kho của Habeco tại thời điểm cuối tháng 9/2022
Nguồn: BHN

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 18 tỷ đồng, giảm một nửa so với đầu năm, nguyên nhân do khoản 20 tỷ đồng cho Nhà máy làm việc khối kỹ thuật tại Mê Linh không còn được ghi nhận tại cuối kỳ.

Đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 313 tỷ đồng (+17%), tăng do phát sinh mới 50 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Ngoài ra, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn hơn 2.2 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối kỳ gần 1,895 tỷ đồng, giảm 16%, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 1,178 tỷ đồng. Mức giảm đến từ phải trả người bán ngắn hạn giảm 21% (gần 317 tỷ đồng); vay nợ thuê ngắn hạn giảm 43% (gần 114 tỷ đồng); phải trả ngắn hạn khác giảm 65% (hơn 267 tỷ đồng).

Ngược lại, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng 75% (gần 597 tỷ đồng); chi phí phải trả ngắn hạn gấp 2.3 lần đầu năm (239 tỷ đồng), chủ yếu do tăng chi phí bán hàng (hơn 211 tỷ đồng).

Cuối kỳ, nợ dài hạn giảm 23% so với đầu năm, còn gần 114 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là phải trả dài hạn gần 112.6 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty không còn ghi nợ vay thuê tài chính dài hạn 48.5 tỷ đồng, đây là khoản vay từ Ngân hàng VIB. Tuy nhiên, tại cuối tháng 9, Habeco vẫn còn ghi nợ vay ngắn hạn của Ngân hàng VIB 17 tỷ đồng (giảm 73% so với đầu năm).

Mặt khác, vốn chủ sở hữu của Habeco đạt gần 5,304 tỷ đồng, tăng 10%, bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 760 tỷ đồng, gấp hơn 2.3 lần đầu năm.

Thế Mạnh

FILI