Nhà đầu tư cần nâng cao kiến thức phòng tránh lừa đảo trong thị trường tài sản mã hoáThị trường hàng hóa: Trầm lắng trong ngày Mỹ và Anh nghỉ lễ |
Cổ phiếu lớn dẫn sóng
Theo nhận định từ các chuyên gia Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường tuần qua tiếp tục được ghi nhận là tuần giao dịch khởi sắc khi chỉ số VN-Index tăng thêm 1%, dù thanh khoản ghi nhận mức sụt giảm nhẹ so với tuần trước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là đà tăng này không diễn ra đồng đều mà chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi các nhóm còn lại vẫn tỏ ra phân hóa và thận trọng. Bên cạnh đó, những tín hiệu phân kỳ giảm giá đã bắt đầu xuất hiện trên chỉ số VN-Index - một yếu tố kỹ thuật tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn cho xu hướng chung của thị trường.
Đánh giá chi tiết hơn về diễn biến, ông Trần Trung Hiếu - chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường đang cho thấy tín hiệu hồi phục khá tích cực, thậm chí vượt kỳ vọng của phần đông nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index ngay trong phiên đầu tuần này đã tiến sát ngưỡng kháng cự quan trọng quanh 1.340 điểm, một mốc tâm lý có thể kích hoạt áp lực chốt lời trong các phiên tới.
![]() |
Diễn biến VN-Index trong phiên sáng nay ngày 27/5. |
“Không chỉ những nhóm ngành được xem là hưởng lợi trong chu kỳ tăng như tài chính, ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực, mà ngay cả những ngành được đánh giá chịu tác động do rủi ro từ chuỗi cung ứng toàn cầu như xuất khẩu hay khu công nghiệp cũng đang cho thấy những tín hiệu hồi phục đáng khích lệ, cả về thanh khoản lẫn mặt bằng giá” - ông Hiếu đánh giá.
Trong bối cảnh quốc tế, ông Hiếu cũng chỉ ra rằng, các chỉ số lớn như Dow Jones hay Nasdaq đang chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Thế nhưng, tại thị trường Việt Nam, lực cầu vẫn cho thấy độ nhạy và sức bền nhất định. Điển hình là trong các phiên thị trường điều chỉnh dưới mốc 1.300 điểm, dòng tiền bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt hoặc đang nằm ở vùng định giá hấp dẫn.
“Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng phục hồi chưa bị phá vỡ, thậm chí còn đang được củng cố nhờ sự lựa chọn có chọn lọc của dòng tiền”- ông Hiếu khẳng định.
Khi VN-Index tiệm cận vùng 1.340 điểm, vốn được kỳ vọng sẽ xuất hiện điều chỉnh kỹ thuật, áp lực bán thực tế đã xuất hiện, nhưng lực mua vẫn duy trì ổn định, giúp thị trường giữ được sự cân bằng. Nếu có điều chỉnh trong các phiên tới, khả năng cao sẽ chỉ mang tính kỹ thuật nhằm hấp thụ bớt lượng cung ngắn hạn, chứ chưa đủ để làm thay đổi xu hướng trung hạn. Vùng hỗ trợ quanh 1.290 - 1.270 điểm có thể đóng vai trò là vùng đệm quan trọng nếu xuất hiện các nhịp điều chỉnh.
Nội lực doanh nghiệp giữ nhịp tăng
Góc nhìn dài hạn hơn, theo bà Lê Thụy Tường Vy - chuyên gia từ VDSC, yếu tố nền tảng cốt lõi vẫn là nội lực doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động và yếu tố chu kỳ lẫn bất định đan xen, thì sự bền vững trong hoạt động kinh doanh là điểm tựa đáng tin cậy để nhà đầu tư đánh giá tiềm năng doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, VDSC đã tiến hành thống kê kết quả kinh doanh quý gần nhất của khối doanh nghiệp phi tài chính, nhóm thường ít được phân tích sâu so với nhóm tài chính, nhằm làm rõ hơn các động lực tăng trưởng thực chất đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
![]() |
Ảnh minh họa: Pekin Hardy. |
Khảo sát được thực hiện trên khoảng 25 nhóm ngành, đại diện cho hơn 55% vốn hóa của nhóm phi tài chính. Ở nhóm sản xuất thép, dù toàn ngành ghi nhận tăng trưởng, nhưng phần lớn đến từ Hòa Phát - doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Lĩnh vực phần mềm cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên động lực chính gần như chỉ đến từ FPT - doanh nghiệp đóng góp tới 98% doanh thu và lợi nhuận toàn ngành. Tương tự, nhóm thủy sản cũng có những điểm sáng nổi bật với sự dẫn dắt từ Nam Việt (mã Ck: ANV) và Thuỷ sản Cửu Long An Giang (mã Ck: ACL), trong đó Nam Việt ghi nhận lợi nhuận quý I tăng trưởng ấn tượng, một tín hiệu cho thấy tiềm năng hồi phục của ngành trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, một số ngành khác cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực như bất động sản, nơi các doanh nghiệp đầu ngành tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, hay thiết bị điện với đóng góp lớn từ các công ty con trong các tập đoàn quy mô lớn.
“Những nhóm ngành này được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới, nhất là khi dòng vốn bắt đầu dịch chuyển có chọn lọc theo hướng tìm kiếm giá trị thực và kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm” - chuyên gia từ VDSC nhận định.