Thị trường Việt Nam chiếm 20% doanh thu toàn cầu của Central Retail

Tập đoàn bán lẻ Central Retail (Thái Lan) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu hợp nhất đạt 69,28 tỷ baht (tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận ròng đạt 2,337 tỷ baht, tăng 8%.

Tại thị trường Việt Nam, Central Retail ghi nhận doanh thu 14,16 tỷ baht (tương đương khoảng 9.900 tỷ đồng) trong 3 tháng đầu năm, đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tiếp tục là mảng kinh doanh chủ lực, mang về 12,77 tỷ baht (8.900 tỷ đồng). Doanh thu từ nhóm hàng công nghệ và gia dụng đạt 1,38 tỷ baht (952 tỷ đồng), còn mảng thời trang đạt 4 triệu baht (2,8 tỷ đồng).

Theo ông Panet Mahankanurak, Giám đốc Tài chính của Central Retail, tập đoàn hiện đang vận hành 42 trung tâm thương mại GO! Mall, 41 siêu thị GO! Hypermarket và 14 cửa hàng mini go! tại Việt Nam. Hai trung tâm GO! Mall mới tại Bạc Liêu và Ninh Thuận, khai trương vào quý IV/2024, đã ghi nhận phản hồi tích cực từ thị trường với lưu lượng khách hàng tăng trưởng ổn định.

Trong năm 2025, Central Retail dự kiến tiếp tục mở rộng hệ thống với hai trung tâm GO! Mall mới tại Hưng Yên và Yên Bái, dự kiến khai trương trong nửa cuối năm.

Dù đạt doanh thu đáng kể, Central Retail vẫn xếp sau một số chuỗi nội địa về quy mô bán lẻ tại Việt Nam. Cụ thể, chuỗi Bách Hoá Xanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng trong quý I, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đem lại doanh thu trên 61 triệu đồng/ngày, với hệ thống hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước.

Một đối thủ đáng chú ý khác là WinCommerce – đơn vị vận hành hệ thống WinMart và WinMart+. Trong quý I/2025, chuỗi này ghi nhận doanh thu 8.785 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) đạt 58 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng doanh thu cùng cửa hàng (LFL), mở rộng mạng lưới và lưu lượng khách hàng tăng. Tính đến cuối tháng 4, WinCommerce vận hành 4.035 cửa hàng trên toàn quốc.

Giới phân tích cho rằng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các chuỗi bán lẻ nội địa và nước ngoài đang tạo nên một sân chơi sôi động, đặc biệt ở các mảng như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và mô hình cửa hàng tiện lợi. Các doanh nghiệp lớn không chỉ đẩy mạnh mở rộng hệ thống, mà còn đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, cải thiện trải nghiệm mua sắm và mở rộng hình thức bán hàng đa kênh (omnichannel).

Theo Euromonitor, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng nổi bật và có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, với đỉnh tăng trưởng dự báo rơi vào giai đoạn 2026–2027. Sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu hộ gia đình đang phản ánh xu hướng chuyển dịch từ nhu cầu cơ bản (nhu yếu phẩm) sang tiêu dùng nâng cao như giải trí, công nghệ và các sản phẩm phong cách sống – biểu hiện rõ nét của mức thu nhập tăng, kinh tế phục hồi và tầng lớp trung lưu mở rộng.

Bên cạnh đó, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đang tạo tiền đề cho sự bùng nổ của các kênh bán lẻ hiện đại, bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nền tảng thương mại điện tử và trung tâm thương mại. Khi thu nhập khả dụng tăng lên, các lĩnh vực như y tế và giáo dục tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, khi các hộ gia đình ngày càng ưu tiên dịch vụ chất lượng cao.

Những yếu tố này đang góp phần định hình Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước, mà còn là thị trường chiến lược cho các tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, F&B, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và các dịch vụ tiêu dùng khác.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn