Thông tin mới nhất đóng cửa sân bay quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên

Theo báo Lao Động, ngày 20/5, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) dự kiến sẽ được khởi công vào quý IV/2025, sau 18 năm khai thác liên tục. Dự án do ACV làm chủ đầu tư, với mục tiêu không chỉ bảo trì công trình mà còn chiến lược nâng cao năng lực khai thác và thu hút thêm các hãng hàng không, đặc biệt là quốc tế.

Tuy nhiên, thời điểm triển khai cụ thể vẫn đang chờ sự thống nhất giữa ACV và UBND tỉnh Lâm Đồng. Địa phương đề nghị lựa chọn thời điểm đóng cửa sân bay phù hợp, tránh mùa cao điểm du lịch để giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu rút ngắn thời gian thi công từ 8 tháng xuống còn 6 tháng.

Theo kế hoạch, toàn bộ đường băng hiện hữu sẽ được cải tạo toàn diện. Cụ thể, đường cất hạ cánh 09-27 dài 3.250m, rộng 45m sẽ được cải tạo mặt đường và hệ thống lề vật liệu hai bên. Các hạng mục như sân quay đầu, dải hãm đầu, khu vực an toàn cuối đường băng cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ.

Hệ thống đường lăn E1, E2 và đường lăn song song nằm trong diện cải tạo, bao gồm cả mặt đường, lề đường và các đoạn vuốt nối từ đường lăn về đường băng và sân đỗ. Một hạng mục trọng yếu khác là hệ thống thoát nước – toàn bộ cống, mương sẽ được xây mới hoặc thay thế, bổ sung thêm tại khu vực đường công vụ để đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả trong mùa mưa.

> > Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có KCN công nghệ cao 470ha, 29.000 người nhận cơ hội lớn

Dự kiến 4 tháng nữa, sân bay lớn nhất vùng Tây Nguyên sẽ đóng cửa- Ảnh 1.
Dự án sửa chữa sân bay Liên Khương dự kiến khởi công vào quý IV/2025. Ảnh: Internet

Hệ thống sơn kẻ tín hiệu sẽ được làm mới theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Đồng thời, ACV sẽ thay thế và bổ sung hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không và thiết bị cấp nguồn. Đặc biệt, hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác (ILS) sẽ được tháo dỡ tạm thời trong thời gian thi công và lắp đặt lại sau đó, kèm thay thế các vật tư thiết bị đã cũ.

Theo ACV, việc nâng cấp lần này sẽ tạo điều kiện tăng tần suất khai thác cho các hãng hàng không, đồng thời mở rộng mạng lưới bay đến Lâm Đồng – trung tâm du lịch lớn của Tây Nguyên. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng để đón đầu quy hoạch phát triển của cảng hàng không Liên Khương.

Trước đó, ngày 23/6/2024, sân bay Liên Khương đã chính thức được công bố là cảng hàng không quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên, đồng thời cũng là sân bay lớn nhất vùng. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng không chỉ với tỉnh Lâm Đồng mà còn với toàn vùng, mở ra kỳ vọng kết nối Tây Nguyên với du khách và thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Liên Khương sẽ đạt cấp 4E – đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350, với công suất 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Sau năm 2030, đường băng sẽ được kéo dài lên 3.600m, công suất nâng lên 7 triệu hành khách/năm.

Hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư đồng bộ gồm: nhà ga T2, nhà ga hàng hóa, khu bảo dưỡng tàu bay, trạm cấp nhiên liệu, hệ thống xử lý nước thải và các hạng mục phụ trợ khác. Tổng diện tích quy hoạch sân bay đến năm 2050 vào khoảng 340ha.

Sân bay Liên Khương hiện tọa lạc tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, cách TP. Đà Lạt khoảng 28km. Được xây dựng từ năm 1933, sân bay từng được nâng cấp trong giai đoạn 2003–2007 để có thể đón các dòng máy bay như Airbus A320, A321.

Việc tiếp tục đầu tư hạ tầng vào Liên Khương là bước đi tất yếu trong chiến lược phát triển của Lâm Đồng, góp phần đưa nơi đây trở thành cửa ngõ hàng không trọng điểm của Tây Nguyên, kết nối Đà Lạt với các trung tâm kinh tế – du lịch lớn trong và ngoài nước.

> > Sắp tái khởi động nút giao kết nối khu kinh tế Dung Quất với cao tốc 34.500 tỷ sau nhiều năm 'đắp chiếu'

Xem thêm tại nguoiquansat.vn