Thu hồi nợ đã xoá sổ là điểm sáng hiếm hoi của ngành ngân hàng quý I
Kết quả kinh doanh quý I/2025 của các ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy bức tranh phân hóa và không quá tích cực. Trong khi tín dụng tăng trưởng trở lại, biên lãi ròng (NIM) tiếp tục suy giảm mạnh, thu nhập từ dịch vụ sụt giảm và nợ xấu có dấu hiệu gia tăng.
Trong bối cảnh đó, khoản mục "thu nhập khác", chủ yếu từ thu hồi các khoản nợ đã xóa sổ, trở thành điểm sáng hiếm hoi, đặc biệt tại các ngân hàng quốc doanh.
Tăng trưởng tín dụng cải thiện nhưng NIM bị bào mòn
Theo báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán VPBankS cho biết tăng trưởng tín dụng của 11 ngân hàng (trong phạm vi phân tích) đạt 3,3% trong quý I/2025, cao hơn mức 2,1% cùng kỳ năm trước, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,5% của quý I/2023.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại khiến lợi suất tài sản sinh lãi (IEA yield) giảm trung bình 0,68% so với cùng kỳ, trong khi chi phí vốn (COF) chỉ giảm 0,2%, khiến NIM toàn ngành chịu áp lực rõ rệt.
Tác động này thể hiện rõ tại nhóm ngân hàng quốc doanh, khi Vietcombank ghi nhận NIM năm chỉ còn 2,6%. Trong khối ngân hàng tư nhân, kết quả phân hóa mạnh ACB và Techcombank lần lượt ghi nhận mức NIM bình quân quý thấp nhất kể từ năm 2017, trong khi MB giữ nguyên NIM ở mức 4,2%, còn TPBank tăng thêm 0,3 điểm % lên 3,5%.
VPBank ghi nhận mức giảm NIM 0,25 điểm % theo quý, nhưng nếu tăng trưởng huy động tương ứng với cho vay thì mức giảm sẽ chỉ là 0,15 điểm %. Thực tế tiền gửi VPBank tăng 14,1% trong khi cho vay chỉ tăng 6,3%.

Thu nhập khác – điểm sáng từ thu hồi nợ đã xóa sổ
Tổng thu nhập lãi thuần (NII) tăng 5,3% so với cùng kỳ, trong khi thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 13,9% so với cùng kỳ, nhưng phần lớn đến từ các khoản thu không phải phí dịch vụ. Theo đó, phí dịch vụ ghi nhận kết quả không mấy khả quan khi giảm 7,6% so với cùng kỳ, chỉ chiếm 40,9% trong cơ cấu thu nhập ngoài lãi.
Trong bức tranh kém tích cực này, khoản mục thu nhập khác, chủ yếu là thu hồi các khoản nợ đã xóa sổ, trở thành điểm sáng, đặc biệt tại nhóm ngân hàng quốc doanh.
Trong quý I/2025, thu nhập khác của ba ngân hàng quốc doanh niêm yết (Vietcombank, BIDV, VietinBank) tăng 51% so với cùng kỳ, và tăng 0,02% tính trên tổng dư nợ cho vay. Trước đó, trong năm 2024, thu nhập từ xử lý nợ xấu chiếm đến 84% thu nhập khác của Vietcombank, 88% của BIDV và 79% của VietinBank.

(Nguồn: VPBankS)
Theo VPBankS, lịch sử cho thấy khoản thu nhập từ xử lý nợ xấu thường phản ánh với sức khỏe thị trường bất động sản.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 11 ngân hàng trong phạm vi phân tích tăng 0,2% so với quý trước, tương đương với mức tăng ghi nhận trong quý I/2024. Trong khi đó, nợ nhóm 2 gần như đi ngang.
Chi phí dự phòng trong quý I/2025 giảm đáng kể, đạt mức 0,24% dư nợ cho vay, thấp hơn mức 0,3% của cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất gồm Vietcombank, Sacombank, TPBank và VIB.
"Tuy nhiên, việc giảm chi phí dự phòng chủ yếu nhằm 'bù đắp' cho mức tăng trưởng yếu kém của tổng thu nhập hoạt động", báo cáo VPBankS cho hay.
Theo VPBankS, điều này phù hợp với quan điểm phân tích trước đó, rằng ngân hàng Việt Nam đang trích lập dự phòng ở mức thấp so với rủi ro tiềm ẩn, dù việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS chỉ còn là vấn đề thời gian.
Dù lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng tăng 9,1% so với cùng kỳ, chỉ tiêu TOI phản ánh thực chất hoạt động cốt lõi lại cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng TOI hai chữ số trong quý I/2025 gồm HDBank (riêng lẻ), VPBank (riêng lẻ), MB và Sacombank.
Xem thêm tại vietnambiz.vn