Thuế quan - từ khóa tác động chứng khoán

Thị trường hưng phấn khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thuế quan. Trong đó, Anh là quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng vào đầu tháng 4. Mỹ và Trung Quốc cũng có bước tiến lớn sau 2 ngày đàm phán…

Thị trường tài chính toàn cầu đã phản ánh tích cực trước các thông tin này. Theo số liệu của Bloomberg, các quỹ đầu tư toàn cầu đã mua ròng 9,64 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường mới nổi châu Á (ngoài Trung Quốc) trong ba tuần qua, tạo nên chuỗi dòng vốn vào dài nhất kể từ tháng 3/2024.

Tâm lý thị trường chứng khoán trong nước có dấu hiệu cải thiện khi dòng tiền đã quay trở lại, đặc biệt thể hiện ở cả những nhóm cổ phiếu từng chịu áp lực mạnh từ biến động thuế quan như xuất khẩu, cảng biển và bất động sản công nghiệp. Thanh khoản sàn HOSE đã trở lại mức trên 1 tỷ USD trong phiên 14/5, phiên chỉ số vượt ngưỡng cản 1.300 điểm.

Có ba yếu tố chính hỗ trợ cho xu hướng hồi phục này, như phân tích của ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán HSC:

Thứ nhất, định giá các cổ phiếu đã “mềm” hơn. Sau giai đoạn bán tháo, định giá của các nhóm ngành trên đã giảm sâu, với P/E hiện thấp hơn mức trung bình 5 năm và đang giao dịch quanh mức -1 độ lệch chuẩn, một mức hấp dẫn để xem xét giải ngân;

Thứ hai, căng thẳng thuế quan “hạ nhiệt”, điều này giúp tâm lý nhà đầu tư bớt lo ngại hơn về rủi ro hàng hóa Việt Nam bị áp thuế cao như trước. Việt Nam cũng là nước ASEAN đầu tiên đàm phán tích cực với phía Mỹ;

Thứ ba, ngành xuất khẩu chủ lực được kỳ vọng sẽ ít bị ảnh hưởng. Các ngành như thủy sản, may mặc, gỗ, nội thất và đá, vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, ít có khả năng nằm trong nhóm bị Mỹ áp thuế, nên khi thỏa thuận thương mại được hình thành, các cổ phiếu đầu ngành thủy sản hay dệt may sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ.

Nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn bán tháo đã quay trở lại mua ròng cùng với vận động tăng giá của các nhóm cổ phiếu lớn như họ VIC, ngân hàng... Giá trị mua ròng của khối ngoại trong nửa đầu tháng 5 đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Thuế quan vẫn là yếu tố chi phối lớn

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, sự xuống thang của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đã khiến các định chế tài chính lớn đồng loạt giảm xác suất rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ. Dù vậy, quá trình đàm phán thương mại của Mỹ với các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ trong gần 2 tháng tới cũng không dễ dàng khi Chính phủ Mỹ vẫn đưa ra thông điệp cứng rắn với ngành hàng dược phẩm, bán dẫn và một số ngành công nghiệp chiến lược. Thuế quan là đòn bẩy để Mỹ kéo các lĩnh vực này về sản xuất trong nước.

Ông Khoa cũng lưu ý, mức thuế đối ứng 10% là mức thuế sàn Mỹ áp dụng cho tất cả các quốc gia trong thời gian 90 ngày đàm phán, có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ so với trước đây. Ngoài ra, bên cạnh nỗ lực đàm phán mức thuế hợp lý từ phía Chính phủ, còn phải xem xét mức chênh lệch về thuế quan với một số nước có tính cạnh tranh cao như Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ… để có thể đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Trong khi đó, từ góc nhìn của bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), câu chuyện thuế đối ứng có thể nói đang “chuyển pha” sang giai đoạn đi vào thực tiễn, chứ không phải “đe dọa” để gây sức ép, với trọng tâm là đạt được “mức thuế hợp lý” để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia với Mỹ. Tuy nhiên, các tiến trình đàm phán để đi đến con số cuối cùng này vẫn sẽ là thách thức.

Theo bà Liên, nhà đầu tư cần nhìn nhận mức thuế cơ bản 10% mà Mỹ đang áp dụng sẽ khó có xu hướng giảm, bởi khả năng đây là mức sàn. Với mức thuế suất này, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ gặp áp lực nhất định.

Chuyên gia PHS cho rằng, thuế quan của Mỹ vẫn là yếu tố chi phối lớn xu hướng vận động của thị trường chứng khoán. Đà tăng của thị trường gần đây được thúc đẩy nhờ sự lạc quan về các tiến trình đàm phán. Dẫu vậy, mức phục hồi gần như đã đạt đến ngưỡng bão hòa, khi còn nhiều biến số chưa rõ ràng. Nếu các kết quả đàm phán diễn ra theo hướng thuận lợi sẽ tiếp tục là chất xúc tác tích cực cho thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam - vốn đang được định giá rẻ sau đợt chiết khấu. Trường hợp kết quả đàm phán diễn biến theo chiều hướng bất lợi, áp lực bán khả năng quay lại.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh nếu diễn ra sẽ không khốc liệt như giai đoạn đầu tháng 4. Tâm lý giao dịch đã ổn định hơn và tôi kỳ vọng, thị trường sẽ đánh giá thông tin một cách khách quan”, bà Liên nhìn nhận.

Chỉ số VN-Index đã có nhiều phiên tăng điểm liên tục, trở lại vùng đỉnh trước thời điểm công bố thuế quan, trong khi các cuộc đàm phán thuế quan vẫn ở phía trước. Điều này tiếp tục đặt nhà đầu tư vào những lựa chọn khó khăn trong việc tái cơ cấu danh mục.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, “đây là thời điểm cần cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng các cổ phiếu bị ảnh hưởng ít bởi chính sách thuế quan như ngân hàng, tiêu dùng, hạ tầng”. Nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc tăng tỷ trọng tiền mặt khi VN-Index tiến đến vùng đỉnh ngắn hạn tại 1.320 - 1.340 điểm để có thể chủ động trước biến động lớn sau nhịp tăng giá hiện tại.

Khuyến nghị được bà Nguyễn Thị Mỹ Liên đưa ra, thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn đánh giá thông tin nhiều hơn là sợ hãi. Theo đó, những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng, hoặc hưởng lợi từ căng thẳng thương mại sẽ được dòng tiền chú ý. Nổi bật là những nhóm cổ phiếu có thị trường tiêu thụ nội địa mạnh, không phụ thuộc quá nhiều vào thương mại quốc tế, hoặc các ngành kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để bù đắp cho tổn thất từ thuế quan. Từ các lập trường đó, nhà đầu tư có thể ưu tiên nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, tiện ích, đầu tư công và tiêu dùng.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho xu hướng mua ròng của khối ngoại trong thời gian tới:

Thứ nhất, dòng tiền đầu tư trên thế giới đang có xu hướng rời khỏi thị trường Mỹ, hướng đến thị trường châu Á trước những bất ổn do các chính sách thương mại mới dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Thứ hai, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, với P/E 2025 ở mức 11 lần, thấp hơn 17% so với mức bình quân 3 năm ở mức 13,3 lần.

Thứ ba, hệ thống giao dịch mới KRX đã vận hành thành công, tạo điều kiện cho việc triển khai một số sản phẩm đầu tư mới và mang lại khả năng nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn