Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không như kỳ vọng

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, tính đến tháng 3/2024, đã có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, gồm 14 doanh nghiệp thuộc Trung ương và 63 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trong đó, 14 doanh nghiệp thuộc Trung ương gồm: 9 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Mobifone); 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng (Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị) và 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt); 1 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel).

Về công tác cổ phần hóa, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2022 – 2025 cả nước sẽ cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam... Tuy nhiên, trong năm 2023 và tháng 3/2024, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, như vậy, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang “dậm chân tại chỗ”.

Kết quả thoái vốn cũng không mấy khả quan. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, Nhà nước sẽ thoái vốn đầu tư tại 141 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp có phần vốn nhà nước cần phải thoái lớn như Tổng Công ty cơ khí xây dựng, Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab)...

Mặc dù vậy, trong 3 tháng đầu năm 2024, chỉ có UBND TP. Hải Phòng đã triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp, nhưng vẫn đang trong quá trình thực hiện công tác quyết toán thoái vốn. Các đơn vị còn lại tiếp tục triển khai các công tác phục vụ thoái vốn theo kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022- 2025.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm làm ảnh hưởng tới tiến độ thu theo kế hoạch đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Theo Nghị quyết số 23/2021/QH15, giai đoạn 2021-2025 thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước dự kiến đạt 248.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương thu 200.000 tỷ đồng và ngân sách địa phương 48.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý cụ thể từng năm: Năm 2021 là 40.000 tỷ đồng; năm 2022 là 20.000 tỷ đồng; năm 2023 là 3.000 tỷ đồng và năm 2024 là 4.000 tỷ đồng.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp đã được ban hành đầy đủ và đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Việc này đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót như kết quả kiểm toán đã chỉ ra thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu, một số dự án lớn còn vướng mắc, chưa thể “hồi sinh”… đang cản trở bước tiến của nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn