Tín dụng tăng cao kéo mặt bằng lãi suất huy động đi lên

Trong tháng 4 và tháng 5, một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa đã phải tăng lãi suất đầu vào trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi. Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nên mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại vẫn giữ nguyên trong ngắn hạn, dư địa giảm không còn lớn.

Lãi suất huy động đã hết dư địa giảm?

Thông tin về diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng trong tháng 4/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2-4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đang neo ở mức 4,5-5,5%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 4,8-6,0%/năm; kỳ hạn trên 24 tháng ở mức 6,9-7,1%/năm.

Như vậy, so với tháng 3, lãi suất huy động gần như giữ nguyên, chỉ tăng nhẹ khoảng 0,1%/năm ở kỳ hạn 6 – 12 tháng. Điều này cho thấy dư địa giảm lãi suất huy động tại các nhà băng đã phần nào hạn hẹp.

Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng đi xuống nhưng đã chậm lại, trong khi số lượng nhà băng nâng lãi suất đang tăng.

-3390-1748251629.jpg

Từ đầu tháng 5 đến nay có 4 ngân hàng giảm lãi suất huy động và 3 ngân hàng tăng lãi suất

Khảo sát của VnBusiness, trong tháng 5 có 4 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: MB, GPBank, Eximbank và VPBank (VPBank, MB và Eximbank có 2 lần giảm lãi suất). Ngược lại, có 3 nhà băng tăng lãi suất gồm: Techcombank, Bac A Bank và Eximbank (Eximbank có 3 lần tăng lãi suất).

Gần đây nhất, ngày 22/5, Eximbank tăng lãi suất huy động trực tuyến ở kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, với mức tăng thêm 0,2%/năm. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng áp dụng mức lãi suất lên đến 4,3%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 4,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên: kỳ hạn 6-9 tháng là 4,9%/năm; kỳ hạn 12-15 tháng là 5,1%/năm và kỳ hạn 18-36 tháng là 5,6%/năm.

Eximbank không chỉ tăng lãi suất đối với huy động trực tuyến, mà lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng đối với sản phẩm tiền gửi “Tiết kiệm thịnh vượng 50+” dành cho khách hàng trên 50 tuổi gửi tiết kiệm tại quầy cũng tăng 0,1%/năm ở kỳ hạn 1-2 tháng và tăng 0,2%/năm ở kỳ hạn 3-5 tháng, lần lượt là 4,1% và 4,3%/năm.

Đối với sản phẩm tiết kiệm “Combo Casa”, Eximbank tăng 0,1-0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1-5 tháng.

Trước đó, trong tháng 4, số lượng ngân hàng giảm lãi suất huy động đã thu hẹp còn 10 đơn vị, trong tháng 3 là hơn 20 đơn vị. Tuy nhiên, một vài ngân hàng tư nhân có quy mô vừa và nhỏ lại tăng lãi suất đầu vào trong bối cảnh nhu cầu tín dụng có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Nhu cầu vốn tăng mạnh

Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất, các chuyên gia cho hay lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%.

“Dựa vào các yếu tố trên, dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5,5 - 6%/năm trong năm 2025”, bà Đinh Hà Anh, chuyên gia công ty chứng khoán MB (MBS) nói.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/4/2025 đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 – tương đương khoảng 640.000 tỷ đồng tăng thêm chỉ trong vòng hơn 3 tháng.

Vì thế, các chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất đầu vào dao động ở mức 5,5-6% vào cuối năm 2025, tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17-18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa, và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian qua, nguồn vốn đẩy mạnh ra nền kinh tế nhờ lãi suất huy động giảm hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp. NHNN cho biết, trong tháng 4, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6-8,9%/năm - giảm nhẹ so với mức 6,6-9,0%/năm trong tháng 3/2025.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm) và tương đương với báo cáo tháng trước.

Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,2-5,0%/năm.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo dư địa giảm lãi suất không còn lớn, bởi trong bối cảnh hiện tại buộc phải lựa chọn một trong hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế hoặc ổn định tỷ giá. Bởi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 16% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%, việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một công cụ quan trọng, dù không phải duy nhất. Lãi suất thấp giúp kích thích nhu cầu vay vốn, qua đó tăng cường dòng tiền chảy vào khu vực kinh tế thực.

Tuy nhiên, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất cho vay và huy động đang dần thu hẹp trong bối cảnh Mỹ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do kim ngạch xuất khẩu suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ có thể vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá và đẩy đồng USD tăng giá so với VND.

Theo giới phân tích, trong giai đoạn phục hồi hiện nay, ngân hàng không chỉ đơn thuần là người cung ứng vốn, mà còn là người đồng hành cùng nền kinh tế vượt qua thách thức. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng việc lãi suất huy động tăng không đồng nghĩa với lãi vay sẽ tăng ngay lập tức và đồng loạt. Bởi, ngân hàng thương mại vẫn phải cân đối các yếu tố như rủi ro tín dụng, áp lực dự phòng nợ xấu, biên độ lợi nhuận và mức độ giảm của lãi suất.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi nhận định, 6 tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay có thể duy trì xu hướng giảm nhẹ, song sẽ diễn biến linh hoạt, có chọn lọc.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn