'Tin vui' của các ngân hàng yếu kém: 2 ngân hàng tự tin thoát lỗ trong năm 2025
Tính đến nay, bốn ngân hàng yếu kém đã chính thức bước vào giai đoạn mới sau khi được chuyển giao bắt buộc. Trong đó, CBBank và OceanBank (nay là VCBNeo và MBV) là hai ngân hàng được chuyển giao sớm nhất, đã trải qua hơn 6 tháng dưới sự tiếp quản của ngân hàng nhận chuyển giao. GPBank và DongA Bank được chuyển giao muộn hơn, mới hoàn tất thủ tục hơn 3 tháng qua.
Do đang trong quá trình tái cơ cấu và thuộc diện kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng này không công bố báo cáo tài chính định kỳ như thông lệ. Thông tin về tình hình hoạt động của các ngân hàng trên chỉ được tiết lộ phần nào thông qua chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng nhận chuyển giao trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025. Đây cũng là dịp hiếm hoi để nhà đầu tư và thị trường có được cái nhìn sơ bộ về quá trình tiếp quản và định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, đã chia sẻ những bước đi đầu tiên trong quá trình tiếp nhận và tái cơ cấu ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc CBBank (nay là VCBNeo).
Theo ông Tùng, ngay sau khi tiếp quản, Vietcombank đã tiến hành rà soát toàn diện hoạt động của VCBNeo, nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, điểm yếu, đồng thời xây dựng lộ trình hành động nhằm phục hồi hoạt động ngân hàng một cách an toàn và hiệu quả.

Đáng chú ý, đến ngày 26/4, Vietcombank đã hoàn tất việc chuyển đổi hệ thống core banking cho VCBNeo, đảm bảo an toàn công nghệ thông tin - nền tảng cốt lõi trong vận hành ngân hàng hiện đại. Trong thời gian tới, nhiều hệ thống công nghệ khác cũng sẽ được Vietcombank chuyển giao, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn vận hành của ngân hàng mẹ.
Về nguồn nhân lực, Vietcombank đã tiến hành đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ VCBNeo và tổ chức đào tạo phù hợp, nhằm bảo đảm năng lực triển khai hoạt động kinh doanh. Theo định hướng, VCBNeo sẽ phát triển theo mô hình ngân hàng số có tính tự chủ cao, tối ưu hóa chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục hồi hiệu quả và bền vững.
"Vietcombank đang từng bước hoàn thiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện cho VCBNeo, và tin tưởng lộ trình này sẽ đi đến thành công", lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.
Tương tự như Vietcombank, HDBank cũng đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc toàn diện đối với ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc DongA Bank, hiện đã đổi tên thành Vikki Bank.
Theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, kể từ thời điểm tiếp nhận, HDBank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tái cấu trúc toàn diện ngân hàng này, từ tổ chức nhân sự, quản trị điều hành đến tài chính, nguồn vốn. Đặc biệt, một trong những trọng tâm là chuyển đổi mô hình hoạt động từ một ngân hàng truyền thống từng bị kiểm soát đặc biệt sang ngân hàng số. Hiện nay, thương hiệu Vikki Digital Bank đã hiện diện tại hơn 200 điểm giao dịch.
Về định hướng phát triển, Vikki Digital Bank tập trung chiến lược kinh doanh trên nền tảng số, hướng đến phục vụ phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây cũng là bước đi phù hợp với chiến lược tích hợp, tận dụng sức mạnh hợp lực trong hệ sinh thái tài chính HDBank, với hai trụ cột là ngân hàng đa năng HDBank và ngân hàng số Vikki.
“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nguồn lực nội tại của HDBank cùng sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi tin tưởng quá trình tái cấu trúc và triển khai chiến lược phát triển của Vikki Digital Bank sẽ đạt kết quả khả quan trong thời gian tới”, ông Thanh chia sẻ.
Lạc quan về kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, VPBank và MB đều tự tin khẳng định sẽ đưa GPBank và OceanBank có lãi trở lại trong năm nay.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết ban điều hành đã chuẩn bị rất kỹ đề án tái cơ cấu GPBank.
“VPBank nhận chuyển giao từ tháng 1 và chúng tôi đã và đang xây dựng các phương án để khôi phục hoạt động của GPBank. Hiện VPBank đã sắp kết thúc giai đoạn xây dựng chiến lược cho GPBank từ đối tác Mc Kensey. Đồng thời, ngân hàng cũng chuẩn bị cử người của VPBank sang GPBank. Chúng tôi tin tưởng là sẽ tái cơ cấu GPBank thành công”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Ngô Chí Dũng cũng cho biết thêm, trước khi chuyển giao GPBank lỗ bình quân năm khoảng 1.000 tỷ trở lên. Song, với những kế hoạch đã đề ra, trong năm nay, thay vì lỗ thì GPBank sẽ đạt mức lợi nhuận 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, MB cũng đang tích cực triển khai kế hoạch tái cơ cấu OceanBank (MBV) theo phương án đã được phê duyệt và đặt mục tiêu đưa ngân hàng này có lãi trở lại ngay trong năm 2025.
Theo kế hoạch, MB sẽ góp vốn tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV. Trên cơ sở đó, MBV có thể được chuyển đổi sang nhiều mô hình tổ chức phù hợp với quy định pháp luật như ngân hàng trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, hoặc có thể sáp nhập vào MB.
Ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch MBV cho biết, đề án tái cơ cấu có sự hỗ trợ của Chính phủ nhưng do tính bảo mật nên không thể công bố chi tiết. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Với những hỗ trợ này, chúng tôi hoàn toàn có thể triển khai đề án theo đúng kế hoạch 10 năm”.
Để đạt được mục tiêu có lãi ngay trong năm đầu, MB sẽ duy trì phương án kinh doanh đã được chuẩn bị kỹ trong đề án ba năm dành riêng cho MBV. Một trong những trụ cột chính là chuyển giao công nghệ và giải pháp số từ MB sang MBV.
“Chỉ thông qua ứng dụng công nghệ số, MBV mới có thể đạt được doanh số như kỳ vọng. Với quy mô nhỏ và mới, MBV sẽ ưu tiên tập trung phục vụ tốt khách hàng hiện hữu, từ đó xây dựng nền tảng phát triển bền vững”, ông Trung nhấn mạnh.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn