Top 50 công ty đại chúng uy tín năm 2023: Sao đổi ngôi và những dự báo khó đoán định

Ngân hàng nỗ lực chống chịu trong biến động

Nếu như năm 2022, đứng đầu Top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả là những cái tên đình đám như Công ty Cổ phần Vinhomes, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Masan, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động... thì danh sách này năm 2023 đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc với thế thượng phong của ngành ngân hàng. Công ty Cổ phần Vinhomes đứng đầu danh sách năm 2022 đã bị đẩy xuống gần cuối bảng để nhường chỗ cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Đặc biệt, loạt doanh nghiệp đình đám như Hòa Phát, Masan, Thế giới Di động đã phải rời khỏi top 10 dù năm ngoái là những cái tên dẫn đầu để nhường chỗ cho Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP; Công ty Cổ phần FPT và một loạt cái tên ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân Đội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam; Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM; Ngân hàng TMCP Á Châu. Đa số các ngân hàng này vẫn trụ vững và được vinh danh qua mấy năm biến động vì dịch Covid-19.

Đây là điểm đáng mừng trong bối cảnh năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu sức ép mạnh từ địa chính trị, kinh tế vĩ mô bất ổn và chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, môi trường lãi suất cao, áp lực tỷ giá cùng với sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào kênh dẫn vốn này sau loạt vụ án tham nhũng kinh tế, thao túng TTCK. Chỉ số VN-Index đã lao dốc từ mức cao nhất mọi thời đại trên 1.500 điểm thiết lập vào ngày 6/1/2022 xuống mức thấp nhất là 874 điểm vào giữa tháng 11/2022. Tổng mức huy động vốn trên TTCK năm 2022 đạt 351.831 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước.

4 tháng đầu năm 2023, TTCK Việt Nam tiếp tục giằng co phân hóa, đan xen tăng, giảm liên tục. Tính đến cuối tháng 4, chỉ số VN-Index giảm so với tháng trước.

Những yếu tố làm nên giá trị

Trạng thái liên tục biến động của nền kinh tế và TTCK, đặc biệt, khi niềm tin thị trường ở mức thấp sau những sự kiện trong thời gian gần đây, uy tín và hiệu quả đóng vai trò cốt lõi đối với thành công của các doanh nghiệp đại chúng vì nó quyết định đến niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tác động đến định giá thị trường, mang lại lợi thế cạnh tranh và củng cố mối quan hệ với các bên liên quan.

Theo khảo sát của Vietjnam Report, thanh khoản và định giá doanh nghiệp đều góp mặt trong top 7 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng năm nay căn cứ theo điểm bình chọn trên thang điểm 5 của các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng. Đáng chú ý, chính sách cổ tức đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn thứ 6 trong năm 2023 (tăng từ 3,77 điểm lên 4,14 điểm). Đây là yếu tố gắn liền với quản trị doanh nghiệp. Tính nhất quán trong việc chi trả cổ tức và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính và sự ổn định của một doanh nghiệp theo thời gian.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến công tác truyền thông được ghi nhận có tác động mạnh đến mức độ uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, sau các sai phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng, làn sóng tin đồn thất thiệt... chỉ có 67,4% doanh nghiệp đạt ngưỡng “an toàn” truyền thông trong khi năm 2022 và 2021 lần lượt đạt 87,8% và 91,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đạt ngưỡng “tốt nhất” thậm chí còn co hẹp lại đáng kể so với 2 năm trước đó, chỉ đạt 54,7% so với mức 79,3% và 82,9% .

Trong bối cảnh đó, nhìn về tổng thể, nghiên cứu của Vietnam Report vẫn chỉ ra được top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất thực phẩm, Sản xuất và Phân phối Điện, Sản xuất Dầu khí, Du lịch và Giải trí, Dược phẩm, Xây dựng và Vật liệu.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng kịch bản về một sự đột phá của bất kỳ nhóm ngành nào trên toàn thị trường sẽ khó xảy ra. Top 6 kể trên là những ngành được đánh giá ổn định và có cơ hội có nhiều cổ phiếu khởi sắc hơn so với mặt bằng chung chưa tích cực của các ngành còn lại trong bối cảnh quý I/2023, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đại chúng giảm 26,3% so với cùng kỳ.

Hiện tại, phần lớn đều kỳ vọng nhiều vào loạt chính sách hỗ trợ từ các bộ, ban ngành, từ các chính sách tài chính cho đến tiền tệ dần thẩm thấu và phát huy hiệu quả để tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên từ những quý sau của năm.

M.Dung

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn