Trình Quốc hội Dự án 25.540 tỷ đồng; cấp chủ trương đầu tư Nhà máy điện gió 3.500 tỷ đồng

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất ngưng 38 dự án, tổng vốn đầu tư 11.544 tỷ đồng tại TP.HCM 

Ban Quản lý Dự ánđầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban quản lý) vừa có văn bản số 659/BHTĐT-KHĐT đề xuất UBND TP.HCM ngưng thực hiện 38 dự án hạ tầng đô thị.

Lý do đề xuất ngưng vì sau khi rà soát, một số dự án trùng lặp với dự án của các địa phương và quy mô mục tiêu không còn phù hợp thực tế cũng như không đảm bảo hiệu quả đầu tư và công nghệ đã lỗi thời. Tổng mức đầu tư của 38 dự án đề xuất ngưng thực hiện là 11.544 tỷ đồng.

Nhiều dự án cải tạo hệ thống thoát nước đề xuất ngưng thực hiện. Trong ảnh là một điểm ngập trên quốc lộ 13 đoạn qua TP. Thủ Đức.

Đa phần là những dự án đề xuất ngưng thực hiện là các dự án cải tạo hệ thống thoát nước và dự án vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố.

Một số dự án có mức đầu tư lớn như: Dự án đầu tư hệ thống quan trắc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và các kênh rạch trên địa bàn Thành phố (1.484 tỷ đồng); Dự án xây dựng Trung tâm Điều hành phòng chống ngập TP.HCM vốn đầu tư 1.498 tỷ đồng, Ban Quản lý  cho rằng chưa cần đầu tư do nhiệm vụ chưa cấp bách và nguồn vốn lớn Thành phố chưa cân đối được.

Trong số 38 dự án đề xuất ngưng thực hiện thì có 36 dự án chưa được giao vốn trung hạn và chỉ có 2 dự án đã được giao vốn trung hạn.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị là một trong các Ban được giao thực hiện nhiều dự án với số vốn đầu tư khá lớn. Năm 2024, Ban được giao 12.918 tỷ đồng vốn đầu tư công, dự kiến đến hết quý I Ban giải ngân được 1.584 tỷ đồng (đạt 12%).

Hơn 8,4 tỷ USD và 1.700 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào tỉnh Đắk Nông

Chiều 23/3, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư, tỉnh Đắk Nông đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và Bản ghi nhớ đầu tư cho 8 Dự án đầu tư trong các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế và bất động sản.

Theo đó, tỉnh Đắk Nông cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Tỉnh Đắk Nông đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và Bản ghi nhớ đầu tư cho 8 dự án.

Cụ thể, Dự án Tổ hợp khách sạn - Thương mại Cao Nguyên của Công ty cổ phần Cà phê ARABICA Việt Nam (thuộc Tập đoàn TH) với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng.

Dự án Khu dân cư tổ 5, phường Nghĩa Trung của Công ty cổ phần Bất động sản Gia Nghĩa với tổng mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Gia Nghĩa của Công ty cổ phần Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có Dự án Nhà máy chế biến khoai lang cắt lát đông lạnh của Công ty SEJIN F&S INC tại Khu công nghiệp Tâm Thắng với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.

Tỉnh Đắk Nông cũng trao 4 Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký 8,4 tỷ USD.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn TH hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến 3,6 tỷ USD.

Công ty cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,3 tỷ USD.

Công ty cổ phần Đầu tư Việt Phương hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD.

Công ty TNHH Khai khoáng Việt Nam hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD.

Như vậy, Tập đoàn TH là doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất vào Đắk Nông, lên tới 3,6 tỷ USD.

Tập đoàn TH sẽ áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững, đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông để triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực tỉnh có lợi thế như nông, lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Tập đoàn TH có kế hoạch chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Đak Nông, đưa vùng này trở thành thủ phủ bò sữa chăn nuôi tập trung thứ 2 của tập đoàn, sau Nghệ An.

Phú Yên và Lâm Đồng đẩy mạnh hợp tác đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa chuẩn bị nội dung làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.

UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa 2 tỉnh Phú Yên và Lâm Đồng
Tháng 6/2016, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa 2 tỉnh Phú Yên và Lâm Đồng.

Theo đó, về kết quả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa 2 tỉnh, năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Biên bản hợp tác hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Phú yên, trong đó tập trung hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết thúc thời gian hợp tác, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện các hoạt động trao đổi, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tuy nhiên, chưa ký kết các chương trình hợp tác mới.

Ngày 18/6/2016, UBND tỉnh Phú Yên và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa 2 tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/1/2018 triển khai liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao của 2 tỉnh. Đến nay, tỉnh Phú Yên đã thực hiện du nhập 220 cây và nghiên cứu nuôi cấy mô, trồng khảo nghiệm đối với 3 giống sung (Magic, Camy và Pháp); phối hợp trồng thử nghiệm các giống rau củ quả, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất rau thủy canh trong nhà màng, nhà lưới đối với 4 giống rau các loại; thường xuyên cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn tại Lâm Đồng.

Tháng 5/2022, UBND huyện Tuy An tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công tác xây dựng nông thôn mới, tham quan các mô hình dịch vụ du lịch, các sản phẩm OCOP… tại huyện Lâm Hà. Kết thúc chuyến đi, địa phương đã chuyển giao một số cây giống mắc ca để trồng thử nghiệm tại huyện Tuy An.

Tháng 9/2023, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn công tác thực hiện khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về mô hình liên kết sản xuất xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng. Tại chuyến công tác bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, UBND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú yên và UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã ký kết ghi nhớ liên kết sản xuất một số mô hình trồng cây ăn quả (cam Úc), mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau chương trình, tỉnh Phú yên đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cam Úc tại địa phương.

Về đặc điểm nông nghiệp, Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác như: cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, dâu tằm…), bò sữa, cá nước lạnh, rau, hoa, trái cây (sầu riêng, bơ, chuối, chanh dây, măng cụt…) cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. là tỉnh đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Nông nghiệp của tỉnh được định hướng phát triển nền nông nghiệp đa giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao; thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó tập trung các giải pháp chính như: cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường, từng bước nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên cơ sở phát triển các chuỗi liên kết bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Trong khi đó, Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa lý, tài nguyên đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi tạo cho tỉnh nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư. Nông nghiệp, du lịch, vận tải biển và logistics được xem là những mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nông sản thế mạnh tỉnh là lúa, bắp sinh khối, mía, rau, nấm, hoa, cây cảnh, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu; các vùng chăn nuôi bò sữa, nuôi bò thịt, nuôi lợn, nuôi tôm thẻ, tôm hùm, nuôi thủy sản trên cạn. Tỉnh Phú Yên đang thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, thu hút đầu tư các Dự án có chất lượng để khai thác tối đa tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp của 2 tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất hợp tác trong chuyển giao công nghệ, các quy trình kỹ thuật trong sản xuất rau, hoa công nghệ cao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh có điều kiện thích hợp tại Phú Yên; hợp tác trong trao đổi các giống cây trồng chất lượng cao để phát triển sản xuất nông nghiệp của cả 2 địa phương (đặc biệt là giống rau, cây ăn quả và cây dược liệu); hợp tác, chia sẻ thông tin, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, trong đó trọng tâm là các dự án xây dựng nhà máy chế biến nông lâm sản; chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái; phát triển kinh tế rừng, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP của 2 tỉnh thông qua các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản; phối hợp trưng bày sản phẩm của 2 tỉnh tại các điểm bày và bán nông sản, sản phẩm OCOP tại 2 địa phương; phối hợp cùng ngành du lịch, xây dựng các chương trình du lịch nông thôn gắn với phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của hai tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh xây dựng, ký kết và triển khai chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai địa phương trên cơ sở các nội dung trên.

Vĩnh Long trao 13 quyết định chủ trương đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư, vốn 19.600 tỷ đồng

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức sáng ngày 23/3, ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Biên bản ghi nhớ/thỏa thuận hợp tác đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư với 13 Dự án, có tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư.  Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam với dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thực phẩm, tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.079 tỷ đồng;

Công ty TNHH Tỷ Bách với dự án đầu tư giày xuất khẩu, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 736 tỷ đồng;

Công ty TNHH Hải Đại Vĩnh Long với dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thức ăn cho gia súc, thức ăn cho gia cầm và thủy sản Hải Đại Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 270 tỷ đồng;

Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam với dự án đầu tư Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam sản xuất bộ dây điện dùng cho xe ô tô, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 239 tỷ đồng;

Công ty cổ phần tiếp vận và kho cảng xăng dầu Miền Nam với dự án đầu tư Tổng kho xăng dầu Sài Gòn - Eco, tổng vốn đầu tư đăng ký là 184 tỷ đồng;

Công ty TNHH Kho lạnh Vĩnh Long với dự án đầu tư Kho lạnh Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư đăng ký là 120 tỷ đồng;

Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Phương Nam Đại Phát với dự án đầu tư Nhà máy chế biến gạo Tam Bình, tổng vốn đầu tư đăng ký là 112 tỷ đồng;

Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương với dự án đầu tư Nhà máy bê tông Hùng Vương, tổng vốn đầu tư đăng ký là 100 tỷ đồng;

Công ty TNHH Danny Việt Nam với dự án đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm và thức ăn nhanh Danny, tổng vốn đầu tư đăng ký là  90 tỷ đồng;

Công ty TNHH Nhựa Duy Tân với dự án đầu tư Cụm công nghiệp Tân Bình, tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng;

Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Vĩnh Long với dự án đầu tư Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng;

Công ty cổ phần HLK Việt Nam với dự án đầu tư chỉnh trang đô thị Trung tâm thương mại - Dịch vụ khóm 1, thị trấn Long Hồ, tổng vốn đầu tư khoảng 448 tỷ đồng;

Đặc biệt, dự án có quy mô vốn lớn trong số 13 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Biên bản ghi nhớ/thỏa thuận hợp tác đầu tư tại Hội nghị này là Dự án đầu tư Khu đô thị Trung tâm Hành chính tỉnh Vĩnh Long của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.099 tỷ đồng.

Cần 18.489 tỷ đồng xây cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đạt quy mô 6 làn xe

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn gửi Bộ GTVT phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh này, trong đó có Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài khoảng 60 km, gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km, quy mô quy hoạch 6 làn xe; đoạn tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, kết nối với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài khoảng 16,44 km, quy mô 4 làn xe.

Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang triển khai Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, trong đó giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường Bnền =17m (chưa có làn dừng khẩn cấp) đối với đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m (có làn dừng khẩn cấp).

Tổng mức đầu tư Dự án là 11.029 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn huy động khác) là khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư dự án); vốn nhà nước tham gia dự án PPP là 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng chiều dài khoảng 43,43 km đạt quy mô 6 làn xe tiêu chuẩn, nền đường 32,25m và mở rộng tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam chiều dài khoảng 16,44km đạt quy mô 4 làn xe, nền đường 22m cần 18.019,96 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).

Như vậy, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn thiếu khi xây dựng quy mô hoàn chỉnh theo phương án nói trên thiếu khoảng 7.315,59 tỷ đồng so với phương án đầu tư hiện hữu.

Điều đáng nói là Dự án BOT tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng không thuộc danh mục dự án tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư).  

Trường hợp sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn phân kỳ dự án xong, đưa vào vận hành khai thác sử dụng; sau đó lại tiếp tục đầu tư nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT sẽ vướng quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP:  “Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 91 Điều 3 của Luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, hằng năm nhận cân đối khoảng 80% từ ngân sách Trung ương. Hiện nay nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh mới cân đối bố trí được 1.500 tỷ đồng cho dự án, còn lại phải tiếp tục cân đối bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2026-2030.

Tỉnh Lạng Sơn đã tập trung rà soát nguồn lực, cắt giảm danh mục dự án đầu tư công để bố trí vốn cho Dự án nhưng do nguồn ngân sách tỉnh cũng như kế hoạch đầu tư công còn rất hạn hẹp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án do đó nếu bổ sung phần vốn ngân sách nhà nước còn thiếu khi nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, tỉnh Lạng Sơn sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện.

Để nâng cấp Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng T đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội, Thủ tưởng Chính phủ xem xét chấp thuận: + Được áp dụng được áp dụng cơ chế theo Nghị quyết số 106/2023/QH15: tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Do Dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2024 và tổ chức khởi công nên UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tưởng Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung đủ nguồn vốn còn thiếu khi đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương làm cơ sở để UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai các thủ tục điều chỉnh đầu tư.

“Trường hợp ngân sách nhà nước chưa bố trí kịp nguồn vốn còn thiếu để đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh. Đề nghị Bộ GTVT tải báo cáo Thủ tưởng Chính phủ, Quốc hội xem xét cho Dự án được áp dụng loại hợp đồng PPP thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất.

Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, TP.HCM vẫn bế tắc trong việc thanh toán quỹ đất

Công ty cổ phần Văn Phú - Bắc Ái, ngày 20/3 đã có văn bản số 05/2024/CV-VPBA gửi UBND TP.HCM kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc đối với Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1).

Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 đã dừng thi công từ năm 2020, hiện nay công trường là nơi chăn thả gia súc - Ảnh: Lê Quân

Phía doanh nghiệp cho biết, ngày 14/3, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã chủ trì cuộc họp nhóm công tác liên ngành với công ty để giải quyết các vướng mắc liên quan đến Dự án, song cuộc họp vẫn chưa thống nhất được các nội dung để đi đến ký kết phụ lục hợp đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, giảm tiền lãi phát sinh, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM giao các khu đất đối ứng thanh toán Hợp đồng BT cho doanh nghiệp vào quý III năm nay và điều chỉnh tổng mức đầu tư để đưa vào phụ lục Hợp đồng BT.

Đối với thời gian thực hiện Dự án, phía doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án là 18 tháng kể từ ngày hoàn thành bàn giao mặt bằng ( bàn giao mặt bằng không muộn hơn tháng 6/2025) thay vì để thời hạn thực hiện từ năm 2015 đến năm 2026.

Với nhiều nội dung còn vướng mắc, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện việc điều chỉnh các thủ tục chậm nhất vào tháng 6/2024 để tiếp tục triển khai dự án, đặc biệt là việc hoàn thành giải phóng mặt bằng tại TP. Thủ Đức.

Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã phản ánh trong các bài viết trước đây, Dự án Dự án đầu tư 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP.Thủ Đức) khởi công từ năm 2017, đến năm 2020 dự án tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng và do các quy định đầu tư theo hình thức BT thay đổi.

Đầu năm 2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, song đến nay Dự án vẫn chưa thể thi công trở lại do chưa làm xong các thủ tục.

Đến nay, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần Dự án. Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM phải chịu đến thời điểm cuối năm 2023 là 813 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng là 14,9 tỷ đồng.

Đầu tư 389 triệu USD nâng cấp 3 quốc lộ huyết mạch Đồng bằng sông Cửu Long 

Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 3089/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tưDự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay ngân hàng Thế giới (WB).

Tờ trình này được Bộ GTVT phát đi sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Một đoạn Quốc lộ 53 qua Trà Vinh.
Một đoạn Quốc lộ 53 qua Trà Vinh.

Cụ thể, các đoạn tuyến Quốc lộ 53 được đưa vào Dự án gồm: cầu Ngã Tư (dự kiến từ Km7+820 đến Km8+730); đoạn Long Hồ - Ba Si, điểm đầu tại Km11+295, điểm cuối dự kiến tại Km56+180. Chiều dài đầu tư khoảng 41 km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 2x3,50m, 2 làn xe thô sơ rộng 2x2 m và lề đường rộng 2x0,50m.

Đối với Quốc lộ 62, phạm vi Dự án có điểm đầu tại Km4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối dự kiến tại Km74, với ciều dài đầu tư khoảng 69km nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Long An.

Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 2x3,50m, 2 làn xe thô sơ rộng 2x2m và lề đường rộng 2x0,50m; nâng cấp, cải tạo mặt đường đối với một số đoạn qua đô thị đã đảm bảo chiều rộng mặt đường.

Đối với Quốc lộ 91B, phạm vi Dự án có điểm đầu dự kiến tại Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ), điểm cuối dự kiến tại Km143+480. Chiều dài đầu tư khoảng 141 km nằm trên địa bàn TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tuyến đường được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 2x3,50m, 2 làn xe thô sơ rộng 2x2m và lề đường rộng 2x0,50m; nâng cấp, cải tạo mặt đường đối với một số đoạn qua đô thị đã đảm bảo chiều rộng mặt đường.

Thời gian thực hiện Dự án là 4 năm kể từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn (dự kiến từ năm 2024 - 2027).

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 9.297,12 tỷ đồng, tương đương khoảng 389,39 triệu USD, trong đó chi phí đầu tư nâng cấp Quốc lộ 53 là 2.601 tỷ đồng; Quốc lộ 62 là 3.241,8 tỷ đồng và Quốc lộ 91B là 3.454 tỷ đồng.

Dự án sẽ vay vốncủa WB là khoảng 267,44 triệu USD (tương đương khoảng 6.385,41 tỷ đồng) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.

Vốn đối ứng trị giá khoảng 2.911,71 tỷ đồng (tương đương khoảng 121,95 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.

Theo Bộ GTVT, Quốc lộ 52, 62 và 91B nằm tại các khu vực khác nhau nên từng quốc lộ có thể đưa vào khai thác độc lập sau khi được nâng cấp, không phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành quốc lộ còn lại.

Do đó, để thuận lợi cho quá trình triển khai và sớm đưa vào khai thác, Bộ GTVT đề xuất phân chia Dự án thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1: Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53; Dự án thành phần 2: Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62; Dự án thành phần 3: Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91B.

Bộ GTVT cho biết, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản giữ nguyên phạm vi, quy mô, hướng tuyến như Đề xuất dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên sơ bộ tổng mức đầu tư tăng khoảng 2.139,06 tỷ đồng so với đề xuất dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Các nguyên nhân chính dẫn đến tăng tổng mức đầu tư là do tăng chi phí xây dựng (tăng 956,34 tỷ đồng) và tăng chi phí GPMB (tăng 840,89 tỷ đồng).

Cụ thể, trong bước đề xuất dự án, chi phí xây dựng được tính theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/1/2021. Tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi phí xây dựng được tính theo khối lượng thiết kế sơ bộ và đơn giá vật liệu, nhân công, máy tại thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, trong bước đề xuất dự án, chi phí GPMB được tính theo khung giá đất của các địa phương tại thời điểm năm 2021. Tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi phí GPMB được tính trên cơ sở các quyết định đơn giá đất, các hạng mục liên quan do địa phương mới ban hành và các văn bản kiến nghị đơn giá áp dụng cho Dự án của địa phương.

Được biết, sau khi hoàn thành, Dự án sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quảng Trị triển khai thi công Khu bến cảng Mỹ Thuỷ, trị giá 14.234 tỷ đồng

Ngày 25/3, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ (MTIP) tổ chức lễ triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy.

Dự ánđầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng, phục vụ cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kết hợp thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây; bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn.

Khu bến cảng Mỹ Thuỷ là Dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị
Khu bến cảng Mỹ Thuỷ là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.

Dự án có tổng quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 685 ha, gồm 10 bến, phát triển theo 3 giai đoạn (giai đoạn 1: 4 bến; giai đoạn 2: 3 bến; giai đoạn 3: 3 bến). Tổng vốn đầu tư dự án 14.234 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Về tiến độ thi công, dự kiến đến năm 2025, nhà đầu tư sẽ hoàn thành từ 2 đến 4 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, với tổng chiều dài tuyến mép bến 1.300m, tổng chiều dài cầu cảng 1.350m (bao gồm cả phần cầu đệm 50 m), chiều rộng 50m cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ đi kèm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Khu bến cảng Mỹ Thủy là dự án trọng điểm, sau khi hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh; là động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Theo ông Hưng, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, chồng lấn các quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng; việc tái tái cấu trúc năng lực nhà đầu tư mất nhiều thời gian…Tuy vậy, hiện nay, nhiều điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc của dự án đã được giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, năng lực nhà đầu tư đã được tái cấu trúc đảm bảo các điều kiện theo quy định để chính thức tổ chức triển khai thi công dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây qua cảng biển Quảng Trị và các cảng biển trong khu vực miền Trung ngày một tăng cao; hàng container, than đá, các loại khoáng sản, nông lâm sản với khối lượng lớn từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay của Việt Nam và hàng hóa từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, nên việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trở thành vấn đề rất cấp thiết.

"Dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ cùng với các dự án động lực khác như: Khu công nghiệp Quảng Trị đã khởi công vào ngày 15/12/2023, Cảng hàng không Quảng Trị dự kiến tổ chức khởi công trong quý II/2024; Trung tâm điện khí Hải Lăng sẽ triển khai vào Quý III/2024; dự án Quốc lộ 15D nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư... sẽ là những hạ tầng kỹ thuật quan trọng của tỉnh, là tiền đề để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một Khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở miền Trung, cũng như cả nước và khu vực ASEAN; là cửa ngõ giao thương của các nước trong khu vực ra biển Đông và quốc tế", ông Võ Văn Hưng nói.

Cũng tại buổi lễ, ông Dương Viết Roãn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ - chủ đầu tư dự án cam kết, nhà đầu tư sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo đến cuối năm 2025 sẽ đưa từ 2 đến 4 bến cảng đi vào hoạt động, khai thác, và tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các bến tiếp theo theo đúng chủ trương đầu tư đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu đưa bến cảng Mỹ Thuỷ thành bến cảng hiện đại, mang tầm khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Trị và Hành lang kinh tế Đông Tây. Góp phần tăng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Nhà thầu thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy là Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng.

Quảng Nam rà soát các vướng mắc tại dự án 4 tỷ USD

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về việc tham mưu báo cáo giải quyết vướng mắc dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục, đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình để hoàn chỉnh nội dung dự thảo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để xem xét giải quyết.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Trường Chín, Phó chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên cho hay, liên quan đến dự án này, xã Duy Hải đã quy hoạch được 379/531 ha, và bố trí tái định cư cho 380/1.525 hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đầu tư xây dựng các khu tái định cư phải tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguồn lực của nhà đầu tư.

Được biết, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD được triển khai năm 2015, do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư. Công ty Kỳ Hà Chu Lai là đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án. Ngoài ra, đơn vị này cũng thay mặt cho Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng 5 khu tái định cư và khu nghĩa trang vùng Đông 2 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình để tạo quỹ đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án.

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là 481,64 ha. Diện tích đất bàn giao cho nhà đầu tư: 389,74 ha. Diện tích đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao: 91,90 ha.

Quảng Nam kiến nghị gỡ khó cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp

UBND tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo, đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư các Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có một số nhà đầu tư có năng lực đang nghiên cứu, lập thủ tục đề xuất các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mới theo quy hoạch, trong đó có Khu công nghiệp cơ khí ô tô mở rộng Chu Lai - Trường Hải (115 ha); Khu công nghiệp Nam Thăng Bình - phân khu I (325 ha); Khu công nghiệp phía Tây cao tốc đoạn qua huyện Thăng Bình (400 ha).

Thủ tướng
Khu công nghiệp Tam Thăng, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu công nghiệp mới có vướng mắc về việc sử dụng chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh đã được phân bổ đến năm 2025.

Cụ thể, theo Phương án phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy hoạch phát triển 30 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch dự kiến là 10.165,8 ha.

Trong đó, hiện nay, 14 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền với tổng diện tích (theo Quy hoạch tỉnh được phê duyệt) là 3.310,67 ha.

Đến nay, các khu công nghiệp đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và được nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 1.690 ha; phần diện tích còn lại đã và đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến tiếp tục giao, cho thuê đất từ nay đến năm 2025 thêm được khoảng 795 ha; tổng cộng đến cuối năm 2025 diện tích đất giao, cho thuê tại 14 khu công nghiệp được khoảng 2.484,2 ha/3.310,67 ha (75%).

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng đang rà soát, loại bỏ phần diện tích quy hoạch không phù hợp (khu tập trung đông dân cư), điều chỉnh giảm quy mô diện tích của một số khu công nghiệp đang triển khai để tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư.

So với chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 và điều chỉnh tại Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 là 2.725 ha thì khả năng sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh Quảng Nam theo thực tế thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất đến năm 2025 khoảng 2.484,2 ha, phần chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp còn lại khoảng 240 ha có thể bố trí sử dụng cho các khu công nghiệp mở mới đến năm 2025.

Diện tích còn lại, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục bố trí sử dụng trong giai đoạn 2026-2030 theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Quảng Nam (2.725 ha), yêu cầu phải bố trí đủ cho các khu công nghiệp hiện nay đã có văn bản chủ trương đầu tư, sau đó mới xem xét, giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho các khu công nghiệp mới thì trong những năm đến, tỉnh Quảng Nam không thể đầu tư thêm các khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đối với 14 khu công nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích 3.310,67 ha thì chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ đến năm 2025 đã thiếu 585,67 ha (3.310,67 ha – 2.725 ha)). Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thống nhất chủ trương UBND tỉnh Quảng Nam chủ động sử dụng chỉ tiêu đất khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh đến năm 2025 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 để cân đối, ưu tiên bố trí kế hoạch sử dụng đất cho các khu công nghiệp đã được thành lập và phần còn lại bố trí cho các khu công nghiệp đề xuất đầu tư mới, đảm bảo phù hợp với khả năng thực tế thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh Quảng Nam căn cứ vào sự phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự đáp ứng về tiêu chí năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật để lựa chọn và hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mới, phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 được UBND tỉnh Quảng Nam chủ động bố trí cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (bao gồm các khu công nghiệp đã thành lập và các khu công nghiệp đề xuất đầu tư mới), đảm bảo không vượt chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh.

Báo cáo thường niên FDI: 4 đề xuất để thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn

Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa chính thức công bố Báo cáo thường niên FDI 2023. Đây là lần thứ ba, Báo cáo thường niên FDI được công bố.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với các báo cáo về FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo thường niên năm 2023 do VAFIE xây dựng và công bố sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VAFIE, Tổ trưởng Tổ biên tập, nói.

Báo cáo thường niên FDI 2023 chính thức được công bố

Tiếp tục đóng vai trò Chủ biên, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, năm nay, Tổ biên tập quyết định chọn chủ đề của Báo cáo là “Trước thách thức và cơ hội mới - Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn”.

“Thách thức và cơ hội luôn song hành, nếu biết cách thì thách thức có thể biến thành cơ hội, còn cơ hội nếu không biết tận dụng sẽ trở thành thách thức”, GS. Nguyễn Mại nói và cho biết, Báo cáo năm nay ra đời trong bối cảnh nhiều nước phát triển thực hiện chính sách sàng lọc, hạn chế FDI vào một số ngành, lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia, khuyến khích chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước, về quốc gia lân cận hoặc sang nước thứ ba.

Hơn thế, các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xanh, sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, điện tái tạo, bảo đảm quyền lợi của người lao động về tiền lương tương ứng với năng suất lao động của mỗi người, không sử dụng lao động trẻ em, không cưỡng bức lao động, có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng dân cư, giảm thiểu khí phát thải nhà kính, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu không tăng nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C vào năm 2050.

Đó chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam lựa chọn và thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn.

Một điểm đáng chú ý được nhấn mạnh trong Báo cáo, đó là dòng vốn FDI toàn cầu sau khi giảm 12% vào năm 2022 đã tăng 3% trong năm 2023, đạt mức 1.370 tỷ USD.

“FDI vào các nước đang phát triển tăng nhẹ, đáng lưu ý là FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022. Trên thị trường vốn toàn cầu, tài chính xanh tăng trưởng mạnh, trái phiếu bền vững tăng 5 lần trong 5 năm từ 2018 - 2023”, GS. Nguyễn Mại cho biết.

Tại Việt Nam, một con số cũng đáng ghi nhận, đó là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh.

Các thông tin khác được Báo cáo nhấn mạnh, đó là năm 2023 vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD.

Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này năm 2023 đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.

Một thông tin đáng chú ý, là lần đầu tiên, Tổ biên tập đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Jetro, Kotra, Amcham và Eurocham, Hiệp hội Điện tử, Hiệp hội Dệt may... để có được những kiến đánh giá khách quan về môi trường đầu tư Việt Nam, về thành quả, vấn đề, cơ hội và thách thức đối với nước ta trong quá trình thu hút FDI chất lượng cao.

Theo đó, các hiệp hội bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn, tận dụng Trụ cột 2 để tiến hành đánh giá toàn diện các ưu đãi thuế hiện hành, có giải pháp thiết thực và hiệu quả để khuyến khích đầu tư vào những Dự án trọng điểm và cần khuyến khích…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội mới đối với Việt Nam về thu hút FDI trong bối cảnh mới, Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường quán triệt và kịp thời hành động để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, cần đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI một cách chọn lọc, không những coi trọng quy mô mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả.

“Phải chủ động thu hút, hợp tác FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, GS. Nguyễn Mại bày tỏ và nhấn mạnh việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ của tương lai.

Định hướng như vậy, nhưng vấn đề của Việt Nam chính là chưa có thể chế, chính sách, cơ chế tương xứng… Thậm chí, môi trường đầu tư, các vấn đề về thủ tục hành chính cũng còn nhiều vấn đề.

Chính vì vậy, để có thể thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, GS. Nguyễn Mại đã nhấn mạnh 4 giải pháp.

Theo đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ hai, là nâng cao tiềm lực nội sinh để khu vực kinh tế FDI có tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, phương thức quản trị doanh nghiệp…; hoàn thành việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân trong nước…

Thứ 3, là hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng năng lượng sạch đáp ứng đòi hỏi của mục tiêu Net Zero. Đi cùng với đó là đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tất nhiên, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không đáp ứng đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội cũng là ưu tiên hàng đầu.

Và cuối cùng là thúc đẩy, cải cách nền hành chính quốc gia. Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm công bằng và liêm chính…

Đến năm 2025, nhiều quy hoạch xây dựng của Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ hoàn thành

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, trong đó giao Ban Quản lý triển khai lập các đồ án quy hoạch để kêu gọi đầu tư.

Bản đồ định hướng phát triển không gian Khu kinh tế Nam Phú Yên.Nguồn: Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên.
Bản đồ định hướng phát triển không gian Khu kinh tế Nam Phú Yên.Nguồn: Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên.

Trong đó đến năm 2025, Ban Quản lý được giao triển khai lập 9 đồ án quy với tổng diện tích khoảng 4.049 ha, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 18,611 tỷ đồng (cùng với 3 đồ án quy hoạch do UBND TP. Tuy Hòa, UBND thị xã Đông Hòa tổ chức lập).

Ngoài ra, Ban Quản lý triển khai lập 4 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 436 ha, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 7,263 tỷ đồng (còn có 9 đồ án quy hoạch chi tiết do UBND TP. Tuy Hòa, UBND thị xã Đông Hòa và nhà đầu tư tổ chức lập).

Riêng trong năm 2024, ngoài các đồ án chuyển tiếp từ năm 2023, Ban Quản lý tập trung lập mới 4 đồ án quy hoạch phân khu khu công nghiệp tại phân khu 1, phân khu 5, với diện tích khoảng 1.700 ha, kinh phí dự kiến khoảng 8,972 tỷ đồng để làm cơ sở thu hút các Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên trong thời gian đến.

Theo kế hoạch trên, đến năm 2025, đối với các khu công nghiệp, UBND tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) tỷ lệ 1/2.000 các khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Hòa Thành, KCN Hậu cần sân bay, KCN Hòa Tâm, KCN Hòa Xuân Đông, KCN Hòa Xuân Tây; Đồ án điều chỉnh QHPK tỷ lệ 1/2.000 KCN Hòa Hiệp 1.

Và hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) tỷ lệ 1/500 KCN Hòa Thành, KCN Hòa Xuân Đông; quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án trong KCN Hòa Tâm.

Đối với khu vực phát triển du lịch, dịch vụ, đến năm 2025, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lập Đồ án QHPK tỷ lệ 1/2.000 Tổ hợp du lịch vịnh Vũng Rô - đảo Hòn Nưa; tổ chức lập Đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 Khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia (giai đoạn 2), Tổ hợp du lịch vịnh Vũng Rô - đảo Hòn Nưa, Khu du lịch Rosa Varella, Khu vực hành chính cảng.

Riêng Ban Quản lý, UBND tỉnh Phú Yên giao cơ quan này thực hiện tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch một số khu dân cư, khu đô thị mới (đến năm 2025) gồm tổ chức lập hoàn thành Đồ án điều chỉnh QHPK tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa và Khu đô thị dịch vụ ven biển.

Ban Quản lý lập Đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 Khu đô thị dịch vụ ven biển thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên; khu vực 77,67 ha (trước đây là Khu Thương mại – tài chính) và Khu dân cư chỉnh trang (phía bắc đường Ngô Gia Tự) phường Phú Đông và Phú Thạnh.

Trình Quốc hội Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trị giá 25.540 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký Tờ trình số 112/TTr – CP Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự ánđầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại tờ trình này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Dự án có điểm đầu giao với đường đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tại Km1915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tổng chiều dài Dự án là khoảng 128,8 km, gồm đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước khoảng 99 km và khoảng 2 km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt, tuyến cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có quy mô 6 làn xe cao tốc.

Tuy nhiên, tại Tờ trình số 112, Chính phủ kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư Dự án, trong đó giai đoạn 1, chính tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h tùy thuộc vào điều kiện địa hình; bề rộng nền đường 24,75 m (riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m); giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25m).

Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ chính tuyến cao tốc có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045 - 2050.

Đối với đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài khoảng 2 km sẽ được đầu tư theo quy mô đường cấp III, bề rộng nền đường 12 m.

Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 25.540 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn do nhà đầu tư thu xếp, trong đó vốn ngân sách nhà nước 12.770 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương khoảng 10.536,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và thực tiễn triển khai một số dự án cao tốc quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian qua, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Cụ thể, Dự án thành phần 1 sẽ đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) (bao gồm cả đoạn tuyến kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) theo phương thức PPP, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.

Dự án thành phần 2 sẽ đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.

Dự án thành phần 3 sẽ đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.

Dự án thành phần 4 có mục tiêu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện. Dự án thành phần 5 có mục tiêu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.

Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026. Cụ thể: chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Cũng tại Tờ trình số 112, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án (8.770 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Chính phủ còn kiến nghị Quốc hội cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm kể từ ngày Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện Dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản…, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Quảng Trị gỡ khó cho các dự án điện gió

Ngày 27/3, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các ngành chức năng, địa phương, chủ đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các Dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Sở Công thương Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị được cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển điện gió với 31 dự án điện gió có tổng công suất 1.177,2 MW.

Một Dự án điện gió tại Hướng Hoá Quảng Trị
Một dự án điện gió tại Hướng Hoá Quảng Trị.

Đến nay, đã có 20 dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 742,2 MW; 1 dự án với công suất 30 MW đã hoàn thành công tác thi công, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa vào vận hành thương mại; 10 dự án với tổng công suất 394 MW đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư.

Trong số 10 dự án đang triển khai, có 6 dự án thực hiện theo cơ chế, chính sách về giá cho các dự án chuyển tiếp, 4 dự án thực hiện theo khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió và hiện khung giá này đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng trình Bộ Công thương xem xét phê duyệt.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải quyết các khó khăn, Sở Công thương Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm, tháo gỡ cho các nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, vận chuyển, lắp đặt thiết bị. Tăng cường công tác tuyên truyền với người dân về chủ trương dự án, chủ trương giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ theo đơn giá hiện hành của tỉnh. 

Xem xét, thành lập Tổ công tác chuyên trách về giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn tỉnh; xem xét gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư với các dự án điện gió gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng bởi cơ chế, chính sách về mua giá điện của Nhà nước…

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Công thương cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, chuyển tiếp các nội dung khó khăn lên cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết liên quan đến các nội dung về các dự án chuyển tiếp (không kịp vận hành theo cơ chế FIT) và các dự án không chuyển tiếp…

Kết luận tại cuộc họp, ông Hà Sỹ Đồng giao Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan về các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các ngành chức năng liên quan.

Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị huyện Hướng Hóa tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo về giá đất, tuyên truyền vận động người dân phối hợp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; Công an tỉnh phối hợp, nắm bắt xử lý các trường hợp vi phạm, cản trở quá trình thực hiện dự án nhằm có biện pháp răn đe, giáo dục và xử lý theo đúng quy định.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận ý kiến của các nhà đầu tư về nguyên nhân về điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện dự án, thay đổi hạng mục đầu tư… đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Các ngành chức năng liên quan quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư để có hướng dẫn cụ thể nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng đề nghị các nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tính toán, phân kỳ đầu tư, chủ động trong vấn đề đầu tư các dự án của mình theo đúng quy định pháp luật.

Hé lộ kế hoạch đầu tư hoàn thiện khu bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng

Khu bến cảng container Lạch Huyện - Hải Phòng đến năm 2027 sẽ có 8 bến (từ bến 1-8) với tổng chiều dài 3.300 m với năng lực thông qua hàng container đạt 6 triệu Teu.

Một góc khu bến số 1, số 2 Lạch Huyện - Hải Phòng.
Một góc khu bến số 1, số 2 Lạch Huyện - Hải Phòng.

Đây là một trong những thông tin vừa được Bộ GTVT gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng trả lời kiến nghị cử tri địa phương liên quan đến quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến còn lại của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện).

Theo Bộ GTVT, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu bến cảng Lạch Huyện có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, có các bến container cho tàu từ 6.000-18.000 TEU, bến tổng hợp, hàng rời cho tàu đến 100.000 tấn, bến hàng lỏng/khí cho tàu đến 150.000 tấn; bến khách cho tàu đến 225.000 GT.

Tại quy hoạch điều chỉnh chi tiết Khu bến cảng Lạch Huyện trong Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các bến cảng container thuộc Khu bến Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng) được quy hoạch giai đoạn đến 2025 có 6 bến với tổng chiều dài từ 2.250-2.400 m đáp ứng thông qua lượng hàng từ 2,2-2,7 triệu Teu, đến năm 2030 (bao gồm giai đoạn đến năm 2025) có 10-12 bến với tổng chiều dài từ 3.750-5.100 m đáp ứng thông qua lượng hàng từ 5,5-6,1 triệu Teu.

Khu bến cảng container tại Lạch Huyện hiện đang được khai thác và triển khai đầu tư xây dựng 08 bến, trong đó đã khai thác từ năm 2018 bến số 1, số 2 với tổng chiều dài 750 m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,5 triệu Teu/năm; đang thi công xây dựng 4 bến số 3, số 4 và số 5, số 6 với tổng chiều dài 1.650 m, năng lực thông qua đạt khoảng 3 triệu Teu/năm; đang triển khai thủ tục thi công bến số 7, số 8 với tổng chiều dài 900 m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,5 triệu Teu/năm. Các bến cảng từ bến số 3-8 sẽ lần lượt đưa vào khai thác từ năm 2024-20272 .

Như vậy, Khu bến cảng container Lạch Huyện đến năm 2027 sẽ có 8 bến (từ bến 1-8) với tổng chiều dài 3.300 m và năng lực thông qua hàng container đạt 6 triệu Teu được đầu tư, đưa vào khai thác theo đúng lộ trình quy hoạch được duyệt, đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa hiện nay và trong thời gian tới tại khu vực.

Hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Sau khi điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm Khu bến Lạch Huyện). Lộ trình đầu tư các bến tiếp theo thuộc Khu bến container Lạch Huyện sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoạch định cụ thể trong Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư khai thác cảng biển.

Đối với sự cần thiết có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng (trong đó có khu vực đảo Cát Hải) và hỗ trợ doanh nghiệptrong nước đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics để có thể canh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng.

Theo đó, thực hiện một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thời gian qua Bộ GTVT đã chú trọng tập trung triển khai thực hiện các Dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các vùng, miền, giữa địa bàn tiêu thụ và đầu mối giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đến nay, mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với tổng chiều dài 1.900 km và đang tiếp tục được triển khai thi công, góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng; hệ thống quốc lộ đã và đang được đầu tư theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đường sắt được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo; đường thủy nội địa đã cải tạo, đưa vào khai thác 17 tuyến vận tải, đã và đang đầu tư nâng tĩnh không cầu trên các tuyến vận tải thủy quan trọng; hệ thống cảng hàng không đã cải tạo và đưa vào khai thác 22 cảng, cơ bản đáp ứng nhu cầu hành khách.

Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương đầu tư, đưa vào khai thác 296 bến cảng biển, đặc biệt các bến thuộc khu bến Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng), luồng hàng hải vào khu bến Lạch Huyện được chú trọng đầu tư phát triển; các luồng hàng hải khác được đầu tư đồng bộ với các bến cảng biển, cơ bản đáp ứng năng lực vận tải, xuất khẩu hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.

Đối với hoạt động logistics lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam và ban hành Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hải Phòng: Dự án xây dựng đường nối tỉnh lộ 354 đang chậm tiến độ

Dự ánđầu tư xây dựng đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) có tổng mức đầu tư là 924,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2019 - 2024. Dự án xây dựng tuyến đường kết nối với đường bộ ven biển, khu công nghiệp Kiến Thụy và ĐT.354 nhằm thu hút đầu tư trong khu vực, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường bộ ven biển, giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ vào trung tâm thành phố từ phía Tây và Tây Nam.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu huyện An Lão phối hợp với huyện Kiến Thụy tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Dự án có quy mô xây dựng tuyến đường có chiều dài 14,8 km, theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng 4 làn xe cơ giới. Địa điểm xây dựng tại các xã: Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào, Đại Hà, Ngũ Đoan, Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) và xã An Thọ, Mỹ Đức (huyện An Lão).

Đến nay, huyện An Lão đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng, huyện Kiến Thụy còn 01 hộ tại xã Tân Trào chưa bàn giao mặt bằng.

Theo báo cáo của UBND huyện Kiến Thụy, về tiến độ thi công các hạng mục, gồm: đào bóc hữu cơ, đắp cát tôn nền đường, đắp cát gia tải xử lý nền đất yếu, thi công các hạng mục cầu cống... đến nay trên toàn tuyến tiến độ mới đạt trên 52%. Hiện, các nhà thầuđang khó khăn trong việc nhập cát, cùng với đó tiến độ thi công hạng mục cầu cống chưa đảm bảo theo cam kết.

Qua cuộc kiểm tra thực địa toàn tuyến và nghe các đơn vị báo cáo vào chiều ngày 27/3, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận công tác giải phóng mặt bằng dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ thi công xây dựng Dự án hiện đang rất chậm so với kế hoạch, nhất là có 2/4 nhà thầu bị chậm nhiều ngày so với kế hoạch.

Để đảm bảo tiến độ chung của dự án, ông Nguyễn Đức Thọ đề nghị huyện Kiến Thụy tiếp tục tập trung tuyên truyền vận động, thuyết phục hộ dân còn lại đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công dự án. Trường hợp không đồng thuận, huyện khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức cưỡng chế theo quy định. Chủ đầu tư, lãnh đạo huyện được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy nếu không bảo đảm tiến độ dự án.

Đây là dự án quan trọng trong việc kết nối vùng, chủ đầu tư là huyện Kiến Thụy cần rà soát yêu cầu các nhà thầu phải có các biện pháp bù tiến độ. Nếu có nhà thầu không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng, đề nghị báo cáo UBND thành phố, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, công khai trên phạm vi toàn quốc để đánh giá năng lực nhà thầu, ông Thọ nhấn mạnh.

Kon Tum cấp chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông 3.500 tỷ đồng

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Kon Tum vừa báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về tình hình triển khai Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông. Theo báo cáo, Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng gió Kon Plong, địa điểm thực hiện tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tổng diện tích của dự án dự kiến sử dụng 66,04 ha (trong đó, diện tích chiếm đất có thời hạn 36,04 ha; diện tích chiếm đất tạm thời 30 ha) với tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.500 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum nghe Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo về tình hình thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông. Ảnh: V.H

Về tiến độ thực hiện, Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, tiến hành thẩm tra thiết kế cơ sở. Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông có quy mô công suất 103,5 MW là công trình năng lượng cấp I, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công Thương thẩm định.

Đến nay, hồ sơ thiết kế cơ sở dự án đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên để đảm bảo điều kiện trình Bộ Công Thương thẩm định, nhà đầu tư phải hoàn thành các thủ tục có liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang mong muốn của tỉnh Kon Tum sẽ có 2 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, trong đó có Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông, để góp phần thu ngân sách cho tỉnh. Ông Trang đề nghị các đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư để dự án sớm hoàn thành dự án nhưng phải đúng quy định của pháp luật.

Ông Trang cũng đề nghị các ngành, đơn vị có liên quan và nhà đầu tư đi thực địa khảo sát, cắm mốc từng trụ điện gió, khảo sát xác định đường dây để lập dự án trình UBND tỉnh để báo báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Măng Đen có dự án điện gió thì tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

3 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI, tăng 500%

Theo UBND TP. Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.013 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán; thu từ dầu thô 1.167 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán; thu nội địa 140.698 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán.

Chi ngân sách địa phương thực hiện 3 tháng đầu năm là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển 9.500 tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán; chi thường xuyên là 12.069 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán.

GRDP quý 1/2024 tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (GRDP quý 1/2023 tăng 5,81%), các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ.

Cụ thể, dịch vụ tăng 5,84% (cùng kỳ tăng 7,66%); công nghiệp và xây dựng tăng 4,77% (cùng kỳ tăng 2,39%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76% (cùng kỳ tăng 2,14%); thuế sản phẩm tăng 4,94% (cùng kỳ tăng 1,44%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2024 ước đạt 1.254 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 6,2%). Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 giảm 4,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,6%. 4/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là hàng nông sản 49,8%; xăng dầu 18,7%; ,máy móc thiết bị phụ tùng 4,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng 33,2%;…

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 2.754 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 17,6%). Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 giảm 12%); trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,4%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ có hàng điện gia dụng và linh kiện 15,5%; sắt thép 27,9%; kim loại khác 5%; ngô 17,5%; hàng hóa khác 10,1%;...

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 ước tăng 17,4% so với tháng 2/2024 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,9%). Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 tăng 0,8%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 14,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%; khai khoáng giảm 12,6%. 

Trong tháng 3/2024, TP. Hà Nội thu hút 53,88 triệu USD vốn FDI. Trong đó có 20 Dự ánmới với tổng vốn đầu tư đạt 33,41 triệu USD; 14 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 12,49 triệu USD và 12 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 7,98 triệu USD. 

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/3/2024), TP. Hà Nội thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.

Tháng 3/2024, có 2.925  doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 24.364 tỷ đồng (giảm 11% về số lượng doanh nghiệp và giảm 22% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 3 tháng đầu năm, có 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng (giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), 1.121 doanh nghiệp giải thể (tăng 23% so với cùng kỳ), 12.367 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 25% so với cùng kỳ).

Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 3.748 doanh nghiệp (tăng 10% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn TP. Hà Nội là 384.299 doanh nghiệp.

Tổng vốn đầu tư xã hội quý 1/2024 ước đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 tăng 8,6%), trong đó vốn nhà nước tăng 10%; Vốn ngoài nhà nước tăng 8,2%; Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 4,4%.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD dự kiến đạt 5.337 nghìn tỷ đồng, tương đương so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 2,6%, tiền gửi thanh toán giảm 1,3% so với 31/12/2023. Tổng dư nợ của các TCTD đến 31/3/2023 ước đạt 1.509 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2023; dư nợ ngắn hạn tăng 0,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,2%; dư nợ VND tăng 0,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 2,0% so với 31/12/2023.

Thủ tướng đốc thúc báo cáo việc nghiên cứu đầu tư "nâng đời" các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc nghiên cứu đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ... ngay trong tháng 3/2024.

Đây là một trong những nội dung tại Công điện số 27/CĐ-TTg ngày 28/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và báo cáo kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

Thủ tướng Chính phủ điện Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nêu rõ:

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhất là Công điện số 794/CĐ-TTg ngày 12/9/2023 về việc xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư đạt quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Việc sớm hoàn thành, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc là rất cần thiết và cấp bách. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các Dự án đường bộ cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ (nhất là các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu công trình phụ trợ, trạm dừng nghỉ, các nút giao chưa phù hợp…).

Để kịp thời khắc phục các tồn tại, bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, trong đó lưu ý rà soát kỹ, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc như: (1) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với các điều kiện thực tế của Việt Nam; (2) Quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ,…; (3) Nguyên tắc bố trí, thiết kế, tổ chức các nút giao, phù hợp với yêu cầu khai thác thực tế, khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao cho phù hợp với tốc độ của đường cao tốc.

Tổ chức, quản lý khai thác vận hành các tuyến cao tốc bảo đảm thuận lợi, an toàn, hiệu quả… phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực. Hoàn thành trước ngày 05 tháng 4 năm 2024.

b) Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ chủ động tích cực với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.

2. Về nghiên cứu, triển khai đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đạt quy mô đường cao tốc hoàn thành.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương gửi phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đến Bộ Giao thông vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024.

b) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, nhu cầu vận tải, trong đó có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ...; Thời hạn hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 (tức là ngay trong tháng 3/2024).

3. Giao Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Công điện này.

Đồng Tháp thu hút 3 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký 4.621 tỷ đồng

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư tư nhân, tiếp và làm việc với nhiều đoàn đến thăm, làm việc và tìm hiểu đầu tư tại tỉnh như: Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM; Công ty TNHH Môi trường Darco Việt Nam; Tập đoàn Yamar - Nhật Bản...

Tính từ đầu năm nay đến ngày 20/3/2024, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút được 3 Dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.621 tỷ đồng, gồm: Dự án Khu đô thị Bốn mùa tại TP. Sa Đéc, Khu dân cư Hòa Thành tại huyện Lai Vung, Nhà máy cấp nước Phú Thành tại huyện Tam Nông.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ hai từ phải qua) trao đổi với doanh nghiệpNhật Bản bên lề Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Ánh

Về phát triển doanh nghiệp, tính từ đầu năm nay đến ngày 19/3/2024, trên địa bàn tỉnh có 158 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 857 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch (kế hoạch thành lập mới là 650 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, có 31doanh nghiệp giải thể, 212 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 68 doanh nghiệp tái hoạt động.

Lũy kế đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ước khoảng hơn 5.284 doanh nghiệp.

Tập đoàn Đèo Cả hợp tác với VDB triển khai đầu tư các dự án PPP giao thông

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).

“Chúng tôi đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa VDB và Tập đoàn Đèo Cả. Đây là một mô hình hợp tác mới, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích giữa đơn vị tín dụng phát triển hàng đầu với nhà đầu tư lớn bậc nhất Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Ông Tuấn cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong vòng 10 – 15 năm tới cần tới khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong khi đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể cân đối tối đa khoảng 30%, tương đương 600.000 tỷ đồng; phần vốn còn lại sẽ phải huy động vốn đầu tư tư nhân dưới hình thức PPP.

Lãnh đạo Bộ GTVT, mong muốn với vai trò tiên phong trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình huy động vốn mới, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, trong đó có VDB.

Được biết, với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tếđạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, VDB đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước.

“VDB hy vọng thông qua Tập đoàn Đèo Cả, nguồn vốn tín dụng phát triển sẽ sớm được đầu tư vào một dự án PPP hạ tầng giao thông để có được các sản phẩm hợp tác cụ thể”, ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc VDB cho biết.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, tính đến nay, đơn vị này đã tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng qua đó tích luỹ được nhiều kinh nghiệm triển khai đầu tư các dự án PPP lớn và mở rộng quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng lớn trong nước.

“Chúng tôi nhận thức rằng ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn từ các ngân hàng thương mại đã khó, giải ngân vốn tín dụng phát triển từ một định chế tài chính nhà nước lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng từ bước khởi đầu hôm nay, với thiện chí và quyết tâm của 2 bên, VDB và Tập đoàn Đèo Cả sẽ sớm chốt được một số dự án cụ thể để cùng triển khai trong thời gian tới”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.

Được biết, theo thoả thuận vừa ký kết, hai bên thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các Dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn từ năm 2024 - 2027 mà VDB dành cho Tập đoàn Đèo Cả là khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024: 1.400 tỷ đồng, năm 2025: 3.500 tỷ đồng, năm 2026: 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng.

Nhu cầu vay vốn thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng ngay sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

VDB giao Chi nhánh VDB Lâm Đồng, thực hiện trách nhiệm thu xếp và đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với các dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư; cung cấp cam kết tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng dự án; phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả báo cáo VDB tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thẩm định cho vay, giải ngân và thu nợ các dự án của Tập đoàn Đèo Cả.

Tập đoàn Đèo Cả sẽ thực hiện cung cấp cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng danh mục dự án đầu tư, nhu cầu vốn vay dự kiến, tình hình và tiến độ triển khai của các dự án đầu tư ngay khi Dự án có chủ trương đầu tư được phê duyệt; thực hiện đầy đủ các quy định về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; thực hiện đầu tư và quản lý khai thác dự án có hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn: gốc, lãi, phí (nếu có)…

Hiện nay, để thực hiện dự án PPP các Nhà đầu tư phải huy động vốn từ các Ngân hàng thương mại với thời hạn ngắn, lãi suất cao. Ngân hàng thường không mặn mà với lĩnh vực này do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông đã triển khai gặp vướng mắc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Hợp tác giữa hai đơn vị sẽ giải quyết một số khó khăn trong việc triển khai các dự án PPP, việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư và nhà thầu tham gia dự án. Điều này tạo ra niềm tin đến các bên liên quan, thúc đẩy quá trình phê duyệt và triển khai dự án, đồng thời, mở ra cơ hội mới cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án PPP khác trong tương lai.

Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị hàng đầu Việt Nam và định hướng vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông Việt Nam. Đến nay Tập đoàn Đèo Cả hoàn thành hơn 30km hầm đường bộ, hơn 400km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.

Trong đó, Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện sẽ được khánh thành trước ngày 30/4/2024. Đây là công trình khó khăn bậc nhất khi Đèo Cả tham gia đấu thầu giảm giá gần 1.000 tỷ đồng, dự án có địa hình, địa chất phức tạp, đường tiếp cận rất khó khăn, tình trạng khan hiếm vật liệu, dịch bệnh Covid xảy ra nhưng nay cũng đang băng băng về đích.

Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai từ các dự án tiêu biểu như là cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP.HCM – Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. HCM- Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.

Từ mô hình PPP, Tập đoàn Đèo Cả đã tiên phong áp dụng mô hình PPP++ với mục đích tối ưu hóa việc huy động vốn cho dự án bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, tín dụng, lợi nhuận xây dựng, trái phiếu, cổ phiếu và hợp đồng BCC nhằm nâng cao hiệu quả huy động và giảm thiểu rủi ro thực hiện.

Giá trị thực hiện Dự án thành phần 1, Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đạt 16,3%

Thông tin về tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, Dự án thành phần 1, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng, đã phê duyệt phương án bồi thường được 101,14 ha, bàn giao mặt bằng 100,78 ha, đạt 99,63%.

Đến nay, đã hoàn thành 7/16 gói thầu; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và đang thực hiện theo hợp đồng 7/16 gói thầu; chuẩn bị lựa chọn nhà thầu 2/16 gói thầu (Tư vấn xây dựng định mức và Tư vấn kiểm định chất lượng công trình).

Thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Hiện nay, nhà thầu đang triển khai thi công phần đường: đắp cát hoàn trả tuyến chính đạt 1/14,6 km, đắp cát hoàn trả đường công vụ đạt 8,3/20,3 km; phần dầm sàn liên tục: đóng cọc bê tông dự ứng lực 1.002/1.157 tim. Đối với phần cầu, tổ chức thi công tại 16/19 cầu, lao dầm 4 nhịp. Giá trị thực hiện  414,1/2.540 tỷ đồng, đạt 16,3%.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 27,43 km, được chia thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km16+000) chiều dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tưkhoảng 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản thực hiện. Dự án đã khởi công ngày 25/6/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025.

Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) chiều dài khoảng 11,43 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện.

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành quyết định số 677/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tưDự án đầu tư xây dựng Khu dân cư Đồng Cơ Điện, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh. 

Quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Đồng Cơ Điện.

Dự án có quy mô xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích 30.648,6 m2 đã giảm trừ diện tích đã đầu tư xây dựng mặt đường, vỉa hè, thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh,... của đường Trần Bình Trọng và đường Nguyễn Thái Học là 656,7m2. Cụ thể, dự án sẽ xây dựng 39 căn nhà ở (xây thô và hoàn thiện mặt ngoài), trong đó gồm: 24 căn nhà liền kề và 15 căn nhà biệt thự.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 136 đồng, trong đó: chi phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật hơn 28 tỷ đồng; chi phí xây dựng công trình nhà ở (xây thô) hơn 89 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 18 tỷ đồng.

Theo quyết định, việc hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho nhà đầu tư được lựa chọn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư (hoặc quyết định chấp thuận Nhà đầu tư thực hiện dự án).

Đối với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình nhà ở (xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 39 căn) của dự án hoàn thành trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được bàn giao đất.

Thời hạn hoạt động của dự án là 05 năm, kể từ ngày quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn Nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận Nhà đầu tư thực hiện dự án.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án và báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Đồng thời hướng dẫn, giám sát UBND TP Chí Linh và các đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; hướng dẫn nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,… trong quá trình thực hiện dự án.

Còn đối với UBND TP Chí Linh thực hiện các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; tổ chức thực hiện các thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định. Cùng với đó, quản lý và giám sát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện xây dựng, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng của dự án theo quy định.

Đến năm 2030, Phú Yên cần 6.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng

Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, trong giai đoạn 2024 – 2030, dự kiến địa phương thực hiện 6 dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách với tổng vốn đầu tư là 6.000 tỷ đồng.

4 dự án được thực hiện tại thị xã Đông Hòa gồm Dự án Tuyến giao thông quan trọng (trục Đông - Tây 5) kết nối Khu kinh tế Nam Phú Yên - Cao tốc Bắc Nam - Vùng Kinh tế Tây Nguyên (phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Vinh, xã Hòa Tân Đông) với chiều dài 7,7 km, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng Thiết chế công đoàn tại Khu kinh tế Nam Phú Yên (phường Hòa Hiệp Nam) với diện tích khoảng 4,1 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Dự án Tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) - Giai đoạn 2 (xã Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông) với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên (phường Hòa Hiệp Nam) diện tích 42,7 ha, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Tại phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa, Dự án Khu xử lý nước thải thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa với công suất khoảng 10.000 m3/ ngày đêm, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

Tại TP. Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa, Dự án Tuyến đường từ tuyến tránh Quốc lộ 1 (nút giao phía Nam TP. Tuy Hòa) đến tuyến đường bộ ven biển (cầu Đà Nông) dài 15 km, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên thông tin, hiện nay, Ban Quản lý đang tập trung các nguồn lực để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trước mắt ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đối ngoại quan trọng, các khu đô thị trung tâm, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. 

Ban Quản lý tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công 5 dự án chuyển tiếp còn lại (tổng vốn đầu tư 3.129 tỷ đồng).

Được biết, 5 dự án này gồm Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua nhà máy lọc dầu Vũng Rô (dài 3,694 km, 533 tỷ đồng); Dự án Tuyến nối Quốc lộ 1A đến khu xử lý rác thải, nước thải và chất thải nguy hại của Khu kinh tế Nam Phú Yên (7 km, 360 tỷ đồng); Dự án Tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) (dài 7,72 km, 1.407 tỷ đồng).

Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa (47,42 ha, 594 tỷ đồng); Dự án Khu công viên trung tâm thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa (31,2 ha, 197 tỷ đồng); Dự án Trụ sở làm việc mới của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên thuộc Khu dân cư phía Nam của Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hoà (0,57 ha, 38 tỷ đồng).

Trường 61 tỷ đồng ở Quảng Nam xây hơn 4 năm không xong: Điều chỉnh thời gian thực hiện

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết UBND tỉnh vừa quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Quế Sơn, từ 2019 - 2024.

Dự ánđầu tư xây dựng mới Trường THPT Trần Đại Nghĩa thi công dang dở.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Quế Sơn tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; triển khai hoàn thành các nội dung công việc, khối lượng còn lại của dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng để nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện.

Được biết, vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng mới Trường THPT Trần Đại Nghĩa, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn với tổng kinh phí khoảng 61,1 tỷ đồng.

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023. Đây là công trình dân dụng cấp 3, diện tích khoảng 2,7 ha, bao gồm các hạng mục: Khối nhà lớp học 3 tầng, khối nhà bộ môn 3 tầng, khối nhà hiệu bộ 3 tầng, nhà đa năng, nhà bảo vệ, nhà xe...

Tuy nhiên, đã hơn 4 năm kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, công trình này chỉ mới xong phần thô của hạng mục khối nhà lớp học 3 tầng. Các hạng mục còn lại vẫn trong tình trạng dang dở hoặc chưa thể triển khai do vướng mặt bằng.

Một lãnh đạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, trường cũ được xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện trường đang dạy cho hơn 500 học sinh.

"Nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn để phục vụ việc dạy và học. Đơn cử, dãy nhà ngang đang đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào", vị này chia sẻ.

Xem thêm tại baodautu.vn