Tự doanh công ty chứng khoán tăng nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu
Danh mục tự doanh các công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục xu hướng mở rộng sau 3 tháng đầu năm. Xét 10 đơn vị nắm giữ danh mục lớn nhất, tổng giá trị đầu tư (giá trị thị trường) cuối kỳ đạt hơn 154.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 61% toàn ngành, cao hơn 6% so với đầu năm (tương đương tăng hơn 9.200 tỷ đồng).
Theo phân bổ tài sản, cả cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, trái phiếu, tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi/khác đều gia tăng giá trị. Tuy nhiên, cơ cấu giữa 3 loại tài sản tài chính đã có sự chuyển biến.
Giá trị đầu tư cổ phiếu/chứng chỉ quỹ (không bao gồm cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) tăng 11% lên gần 22.500 tỷ đồng, tỷ trọng tăng từ 13,9% lên 14,6%. Giá trị đầu tư trái phiếu tăng 14% lên gần 55.700 tỷ đồng, tỷ trọng tăng từ 33,8% lên 36,1%. Trong khi đó, giá trị tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi/khác tăng không đáng kể, đạt hơn 75.900 tỷ đồng tại cuối quý I, dẫn đến tỷ trọng thu hẹp 52,3% về 49,3%.
Ở nhóm cổ phiếu, giá trị đầu tư tăng chủ yếu đến từ Vietcap (Mã: VCI). Vietcap đã gia tăng 21% giá trị đầu tư cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, tương đương tăng 1.400 tỷ đồng, lên 8.100 tỷ đồng sau 3 tháng. Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cũng tăng hơn 500 tỷ đồng vào loại tài sản này, đạt 2.860 tỷ đồng cuối kỳ.
Bên cạnh đó, loạt CTCK đã gia tăng đầu tư trái phiếu trong quý I, gồm TCBS, SHS, VPS, Vietcap, ACBS, VPBankS, VNDirect, SSI. Mức tăng tuyệt đối đáng kể đến từ TCBS (khoảng 3.800 tỷ đồng), VPBankS (702 tỷ đồng), ACBS (824 tỷ đồng), Vietcap (426 tỷ đồng)... ACBS và Vietcap mới phát sinh đầu tư trái phiếu.
Lựa chọn phân bổ bao nhiêu vào từng loại tài sản tài chính là chiến lược riêng, khẩu vị đầu tư của mỗi thành viên ngành chứng khoán. Điều này giúp các CTCK đa dạng hóa và giảm rủi ro trong danh mục.
Đa phần các công ty vẫn chuộng phân bổ vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fix-income) là trái phiếu và tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi. Việc phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến đảm bảo thanh khoản của CTCK đó.
Tại cuối tháng 3, hơn phân nửa tài sản tự doanh (không bao gồm cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) của Chứng khoán SSI, VNDirect, ACBS, VCBS, TVS, VPS là tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, tỷ trọng cao nhất ghi nhận tại VPS (91%), ACBS (82%) và TVS (80%). Xét về số tuyệt đối, SSI (hợp nhất) vẫn dẫn đầu với hơn 28.600 tỷ đồng, dù đã giảm 18% so với đầu năm.
Trong khi đó, ACBS đã gấp đôi khoản tiền gửi, từ hơn 5.119 tỷ đồng lên 10.230 tỷ đồng. Đây là động lực đẩy giá trị mảng tự doanh của ACBS lên gần 12.500 tỷ đồng, xếp thứ 5 toàn ngành sau 3 tháng đầu năm (Sau SSI, VNDirect, TCBS, VPBankS).
Những đơn vị có khẩu vị đầu tư nhiều trái phiếu gồm VPBankS hay TCBS, với tỷ trọng lần lượt 74% và 81% mảng tự doanh. TCBS đồng thời là đơn vị đầu tư trái phiếu nhiều nhất với gần 17.400 tỷ đồng, cách biệt 35% so với SSI ở vị trí kế tiếp (hơn 12.900 tỷ đồng).
Tự doanh SHS và Vietcap duy trì đầu tư nhiều nhất tại cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, với tỷ trọng lần lượt 74% và 91%. Đây đồng thời là 2 đơn vị dẫn đầu về con số tuyệt đối vào loại tài sản này, với hơn 4.400 tỷ đồng và 8.100 tỷ đồng cuối quý I.
Trong quý I, SHS đã hạ tỷ trọng đầu tư (giá gốc) tại cổ phiếu chưa niêm yết thuộc tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) 28%, tương đương với 175 tỷ đồng. Tuy vậy, giá trị thị trường của cả nhóm cổ phiếu gần như không đổi so đầu năm nhờ diễn biến tăng giá.
So với giá gốc, khoản cổ phiếu đang ước lãi 10,6%, tương đương với 359 tỷ đồng. Các mã đang nắm giữ tại FVTPL kể đến VPB, MWG, FRT... Trong đó, FRT đóng góp lớn nhất với mức lãi 86%, tương đương với 241 tỷ đồng.
Tại tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), SHS duy trì nắm giữ SHB và TCD. Với đà tăng giá khoảng 10-11% trong quý I của các mã này, ước tính lãi đầu tư AFS gia tăng lên 48%, tương đương với lãi 227 tỷ đồng (so với giá gốc).
Vietcap gia tăng đầu tư chứng khoán đáng kể tại FVTPL trong quý I. Giá trị FVTPL gấp 6,7 lần đầu năm đạt 839 tỷ đồng, bao gồm 413 tỷ đồng chứng khoán niêm yết, 426 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. Trong đó, khoản trái phiếu mới phát sinh. Công ty chỉ thuyết minh 2 khoản đầu tư cổ phiếu HPG (gần 18 tỷ đồng) và CTG (gần 5 tỷ đồng).
Mặt khác, giá trị AFS đạt 7.687 tỷ đồng tại cuối quý I, tăng 16% so với đầu năm. So với giá gốc, AFS đang ước lãi 56%, tương đương với 2.770 tỷ đồng, trong đó 2/3 đến từ khoản đầu tư chiến lược IDP (ước lãi gần 1.800 tỷ đồng). Cùng với IDP, hầu hết các khoản đầu tư cổ phiếu tại AFS đều đang lãi, gồm KDH, PNJ, MSN, MBB, STB, TDM...
Xem thêm tại vietnambiz.vn