Tuyến đường cao tốc dài 49km, trị giá 7.600 tỷ tiên phong làm điều chưa từng có ở Việt Nam

Theo thông tin từ Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc Tập đoàn Sơn Hải, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là tuyến đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn. 

Xe không phải dừng khi thu phí giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, việc giảm bớt vách ngăn, cabin thu phí và barie giúp tiết kiệm diện tích và nhân lực vận hành trạm thu phí.

Dự kiến đến ngày 30/12, toàn bộ hệ thống ETC mới hoàn thành công tác xây dựng, triển khai thu phí từ ngày 31/12.

Tuyến cao tốc dài 49km, trị giá 7.600 tỷ tiên phong làm điều chưa từng có ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trạm thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đang được lắp đặt thiết bị. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Trước đó, cao tốc được thiết kế 4 trạm thu phí gồm trạm đầu tuyến kết nối Quốc lộ 27C (huyện Diên Khánh), trạm Suối Dầu, trạm Cam Lâm và trạm cuối tuyến kết nối Quốc lộ 27B (thành phố Cam Ranh). Nhà điều hành trung tâm đặt tại Suối Dầu.

Sau khi điều chỉnh, lối vào trạm của tuyến được bố trí 1 làn ETC và làn dừng khẩn cấp, không có barie và cabin thu phí. Thiết bị camera gắn trên giá long môn sẽ tự động quét và đọc thẻ ETC dán trên ô tô qua trạm để trừ tiền. Tại trung tâm điều hành, nhân viên sẽ giám sát đường cao tốc thông qua hệ thống camera an ninh được lắp đặt dọc tuyến.

Ở lối ra được điều chỉnh 2 làn ETC và 1 cabin thu phí, 1 barie tự động. Xe đi qua khu vực barie với tốc độ 60km/h, thay vì 40 km/h như trước.

"Các trạm thu phí gồm nhiều linh kiện và thiết bị không có sẵn trên thị trường mà phải đặt hàng như: giá long môn, camera, biển báo, đèn...", lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thông tin với TTXVN.

Tuyến cao tốc dài 49km, trị giá 7.600 tỷ tiên phong làm điều chưa từng có ở Việt Nam - Ảnh 2.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Tổ quốc

Hệ thống trạm thu phí trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm do Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) lập tư vấn thiết kế và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2020.

Việc tinh giản thiết kế trạm thu phí theo hướng chỉ còn giá long môn là xu thế tương lai đã được Bộ GTVT đặt mục tiêu.

Liên quan đến lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC hoàn toàn, Bộ Giao thông vận tải dự kiến xây dựng qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn có barie và nhân viên ngồi trong cabin. Chỉ khi xác nhận tài xế có đủ số dư tài khoản thu phí thì barie mới mở. Nếu tài khoản không đủ số dư, nhân viên thu phí sẽ thu tiền mặt.

Giai đoạn 2, các trạm thu phí không còn barie, chỉ duy trì dải phân cách giữa các làn. Phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí.

Giai đoạn 3, tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí.

Thiết kế của trạm BOT cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đang tiệm cận tới giai đoạn 2, khi xóa bỏ barie ở lối vào nhưng vẫn duy trì ở lối ra cao tốc.

Tuyến cao tốc dài 49km, trị giá 7.600 tỷ tiên phong làm điều chưa từng có ở Việt Nam - Ảnh 3.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Tổ quốc

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 49,11km. Công trình thiết kế giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc loại A, vận tốc 100 - 120km/ giờ, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, vận tốc khai thác 80km/ giờ, bề rộng nền đường 17m.

Dự án có 8 km qua huyện Diên Khánh, 30,5 km qua huyện Cam Lâm và 10 km qua thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được khởi công vào tháng 9/2021 và kế hoạch hoàn thành vào tháng 9/2023. Dự án do Tập đoàn Sơn Hải xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra, khai thác tạm từ 10h ngày 19/5.

Việc thông xe tuyến Nha Trang – Cam Lâm sớm đã góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp.

Xem thêm tại cafef.vn