Việc ổn định, an toàn thị trường chứng khoán vô cùng quan trọng

Sự cố VNDirect - Lời nhắc nhở về an toàn hệ thống cho cả thị trường

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngay khi sự cố xảy ra, các đơn vị từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, 2 sở giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán đã nhanh chóng có giải pháp đúng, trúng để giải quyết. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc ổn định, an toàn thị trường chứng khoán vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin rằng, ngay sau sự việc Công ty chứng khoán VNDirect bị tin tặc tấn công, Bộ Tài chính đã nhắc nhở các thành viên thị trường nâng cao ý thức về bảo mật thông tin. “Việc công ty chứng khoán bị tấn công là sự nhắc nhở cho cả thị trường cần tiếp tục giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống.”

Trả lời cụ thể hơn về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hệ thống của Công ty chứng khoán VNDirect bị hacker chuyên nghiệp tấn công. Ngay khi xảy ra, VNDirect đã báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn khẳng định, đây là sự cố của VNDirect, không ảnh hưởng đến hệ thống. Hai sở giao dịch chứng khoán đã ngay lập tức chủ động ngắt kết nối của VNDirect, tài sản của khách hàng được đảm bảo. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đặt yêu cầu rất cao trong công tác bảo mật, luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý khi xảy ra sự cố. Trong 24 năm hoạt động, thị trường chứng khoán chưa xảy ra vấn đề lớn, bản thân VNDirect cũng đầu tư số tiền lớn cho bảo mật thông tin.

“Chúng tôi đã mời cơ quan công an vào cuộc điều tra sự cố VNDirect bị tấn công. Việc này không ảnh hưởng tới khả năng nâng hạng thị trường trong thời gian tới”, ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ. VNDirect cũng cho biết đang hoàn tất các thủ tục với cơ quan quản lý an toàn an ninh thông tin để có thể chính thức kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán.

Cùng với việc khôi phục hệ thống, VNDirect cũng đang dự thảo các chính sách mới để chia sẻ và bù đắp với những bất tiện mà khách hàng gặp phải trong những ngày không thể giao dịch.

Nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý tài sản mã hóa, tài sản ảo

Liên quan đến vấn đề tài sản mã hoá, tài sản ảo, tiền ảo được các phóng viên đề cập tại buổi họp báo, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động, phối hợp triển khai công tác nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất phương án quản lý, xử lý thích hợp với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo. Sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn phát biểu tại buổi họp báo. 
Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn phát biểu tại buổi họp báo. 

Tuy nhiên, Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm đa dạng các sản phẩm, được sử ụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các nước vẫn đang có cách cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này. Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Cùng với đó, việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số; công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn