VinSpeed xin vay 49 tỷ USD lãi suất 0% để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam của Công ty Vinspeed.
“
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam trị giá khoảng 67 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua theo hình thức đầu tư công, do Nhà nước làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, VinSpeed - công ty mới thành lập thuộc Vingroup và gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ đề xuất chuyển sang mô hình đầu tư tư nhân trực tiếp.
Theo đề xuất, VinSpeed cam kết rút ngắn thời gian thi công còn 5 năm và giảm tổng vốn đầu tư xuống 61 tỷ USD (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Trong đó, doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cho vay hơn 49 tỷ USD với lãi suất 0% trong 35 năm; phần còn lại hơn 12 tỷ USD sẽ tự thu xếp, dù vốn điều lệ hiện tại chỉ 6.000 tỷ đồng.
Kế hoạch huy động vốn chưa cụ thể
Cơ quan này cho rằng hồ sơ đề xuất chưa nêu rõ nhu cầu vốn, kế hoạch huy động cụ thể (vay tổ chức tín dụng, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu...), cũng như chưa đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù đối với lĩnh vực ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, việc cấp tín dụng phải tuân thủ giới hạn đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan. Vinspeed hiện được xác định là doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Vingroup. Vì vậy, tổng dư nợ tín dụng của Vingroup và các đơn vị liên quan (bao gồm dư nợ cấp cho dự án Vinspeed) phải tuân thủ giới hạn theo quy định hiện hành.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Công văn số 01/2025/VSP của Vinspeed, hiện chưa có đủ thông tin để cơ quan này rà soát và đánh giá đề xuất không tính dư nợ vay của dự án vào tổng dư nợ của Tập đoàn Vingroup, như đề xuất từ Bộ Tài chính. Nếu dự án cần áp dụng cơ chế khác với quy định pháp luật hiện hành, việc ban hành phải do cấp có thẩm quyền như Quốc hội xem xét, quyết định.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cần đảm bảo tính an toàn hệ thống ngân hàng, trần nợ vay nước ngoài
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Vingroup đạt 823.270 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 157.453 tỷ đồng, nợ phải trả là 665.818 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 4,23 lần - cho thấy doanh nghiệp chủ yếu hoạt động dựa vào vốn vay.
Trong đề xuất, Vinspeed cam kết tự thu xếp 20% vốn đầu tư, tương đương khoảng 312.330 tỷ đồng - gần gấp đôi vốn chủ sở hữu của Vingroup. Tính đến thời điểm trên, Vingroup và 101 công ty liên quan có tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng là 117.058 tỷ đồng. Riêng dư nợ vay nước ngoài của Vingroup và các công ty thành viên như VinFast, Vinpearl, Vinhomes ước tính khoảng 2,41 tỷ USD.
Ngân hàng Nhà nước nhận định đây là dự án đặc biệt quan trọng, công nghệ phức tạp, tổng mức đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng thẩm định thông thường của các tổ chức tín dụng. Do đó, nếu được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, cần làm rõ phương án bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay trong nước, tương tự các dự án trọng điểm trước đây, để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Trường hợp vay vốn nước ngoài quy mô lớn và dồn vào một thời điểm, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng tới trần vay nước ngoài tự vay - tự trả của doanh nghiệp và cả tỷ lệ an toàn nợ nước ngoài quốc gia. Vì vậy, Vinspeed cần xây dựng phương án huy động vốn nước ngoài chi tiết (về thời gian, giá trị khoản vay…) để Bộ Tài chính tổng hợp, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền.
Trước đó, tại Thông báo 230/TB-VPCP, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đánh giá, góp ý chính sách liên quan đến việc tách tổng dư nợ vay của dự án ra khỏi dư nợ của Vingroup, theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Chiều tối 20/5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất của Vinspeed và sớm báo cáo cấp có thẩm quyền.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn