Vốn ngoại rót tiền vào đâu khi thị trường chứng khoán nâng hạng?

Theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán BSC, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.

Theo FTSE Russell, sau khi chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3-1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE. Trong đó riêng các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD.

Tuy nhiên, ngoài đáp ứng các điều kiện nâng hạng, theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), một thị trường hoạt động chất lượng cùng với những “hàng hóa” chất lượng cũng là điểm trọng yếu giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup chia sẻ thị trường cần thêm "hàng" - là các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu. Do đó cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn niêm yết, xem xét bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trên sàn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Trong động thái mới nhất, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt I năm 2024 bao gồm 27 doanh nghiệp. Trong đó có các thương vụ giá trị thoái vốn lớn như SCIC nắm 63% Seaprodex (790 tỷ đồng); SCIC nắm 98% vốn của VIW (570 tỷ đồng), hay SCIC thoái 88% vốn của VEC với vốn góp 385 tỷ.

Về mặt chính sách, theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.

Đồng thời, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP cùng mục tiêu đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.

Về phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, cần phát hành đa dạng các kỳ hạn để đáp ứng mục tiêu huy động vốn của tổ chức phát hành và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.

Là một trong những cản trở trong việc nâng hạn thị trường, nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét đẩy mạnh nới room ngoại. Tuy nhiên, nghiên cứu của FiinGroup cho thấy về cơ bản, các ngành nghề được phép cũng đã được chủ động nới và không còn nhiều dư địa. Đối với những ngành chưa nới thì nhằm để bảo hộ sản xuất trong nước và an ninh tài chính, ví dụ như room ngành ngân hàng.

Với ngành ngân hàng, đang chiếm 32% vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu ở mức 19,2% và với trần sở hữu 30% áp dụng cho khối ngoại thì dư địa còn lại chưa đến 11% - tương đương giá trị 4,7 tỷ USD. Đây là con số quá nhỏ để các quỹ đầu tư trăm tỷ đô có thể "chia nhau" và không tạo nhiều khác biệt trong việc thu hút vốn.

Ngoài ra, theo ông Thuân, việc đón "tiền tươi" đổ vào thị trường chứng khoán cần nhắm đến từ các đợt phát hành mới huy động vốn của doanh nghiệp. Đây mới là nguồn tiền thực sự đổ vào sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh nhóm ngân hàng hiện không còn nhiều dư địa về room, nhóm tổ chức tài chính vốn khác như các công ty chứng khoán cũng tích cực thu hút dòng tiền đầu tư với nhiều kế hoạch thông qua.

Theo đó, Chứng khoán Vietcap vừa công bố một kế hoạch tăng vốn tham vọng lên tới hơn 7.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu ESOP, tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.

Doanh nghiệp đầu ngành là Chứng khoán SSI có kế hoạch nâng vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ hơn 15.000 tỷ đồng lên hơn 19.500 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ.

Các tổ chức khác như LPBankS, ACBS, FPTS TCBS, HDS, DSC, VFS… thông qua ngân hàng mẹ, các nhà đầu tư chiến lược, các công ty lớn, định chế tài chính lớn hoặc cá nhân trong và ngoài nước cũng tích cực triển khai các hoạt động tăng vốn mạnh mẽ.

Theo sau là các doanh nghiệp bất động sản, dù thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, các “ông lớn” như CEO Group, CII, Nhà Khang Điền, DIC Corp, Phát Đạt… cũng đã và đang triển khai phát hành để huy động hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu/trái phiếu để trả gốc lãi vay và phát triển các dự án hiện có.

Dù vậy, sự tăng vốn chủ yếu chỉ diễn ra ở một số nhóm ngành như chứng khoán và bất động sản, tổng giá trị thu được từ phát hành vốn cổ phần cho cả năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết còn khá khiêm tốn, ở mức 74.600 tỷ đồng. Giá trị cao nhất cũng chỉ đạt 105.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Theo vị lãnh đạo FiinGroup, đây là mức rất nhỏ so với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chất lượng công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch của thị trường.

Đồng thời khai thông hoạt động phát hành cổ phiếu và trái phiếu của doanh nghiệp để đón đầu dòng vốn nâng hạng và phát triển thị trường vốn hiệu quả, bền vững.

Xem thêm tại theleader.vn