Vướng mắc trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài

Số lượng nhãn hiệu tăng, nhưng đa phần thuộc về doanh nghiệp lớn

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), lượng đơn nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam (là các đơn do các tổ chức, cá nhân có xuất xứ từ Việt Nam) được nộp tại các cục và cơ quan sở hữu trí tuệ ở nước ngoài trong năm 2022 là hơn 4.900 đơn, tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2018.

Trong số các cơ quan sở hữu trí tuệ nước ngoài, USPTO (Mỹ) là nơi nhận nhiều đơn có nguồn gốc Việt Nam nhất với 1.049 đơn, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và EU với gần 100 đơn.

Kết quả này phần nào phản ánh được hiệu quả của Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mặc dù vậy, số lượng đơn nhãn hiệu được nộp tại nước ngoài của chúng ta còn khá khiêm tốn và chủ đơn đa phần là các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Nutifood, Acecook.

Ngoài các vấn đề về điều kiện xuất khẩu, một trong những lý do chính có thể là chi phí đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài thường ở mức tương đối lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn đến việc các doanh nghiệp thường khá thận trọng khi cân nhắc thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75 năm 2021 quy định về quản lý tài chính thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó nêu rõ mức chi cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là 60 triệu đồng/đơn.

Mức hỗ trợ này tương đối phù hợp với mức phí cần phải chi trả tại nước ngoài nhưng trên thực tế, hoạt động hỗ trợ chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Đối với hoạt động hỗ trợ bảo hộ tại nước ngoài cho nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ký kết kế hoạch về việc phối hợp, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025.

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã thực hiện khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan, làm cơ sở xây dựng đề xuất hỗ trợ bảo hộ cho một số nhãn hiệu chứng nhận tại các thị trường trọng điểm. 

Tuy nhiên, một trong những hoạt động quan trọng nhất của Kế hoạch số 3926 là thí điểm thực hiện hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm thì vẫn chưa được cụ thể hóa.

Vướng mắc trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài
Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Anh

Doanh nghiệp và địa phương còn gặp nhiều khó khăn

Như đã nêu, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài cho doanh nghiệp là mức tương đối phù hợp để thực hiện bảo hộ nhãn hiệu tại một trong các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc, khó khăn khi tiếp cận nguồn ngân sách vì một số lý do dưới đây.

Thứ nhất, về sản phẩm và thời hạn giải ngân, theo nội dung tại Thông tư 75, sản phẩm được áp dụng mức chi này là “chấp nhận đơn hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn”.

Thông thường, thời hạn giải ngân cho khoản chi này là trong năm được duyệt. Trên thực tế, quy trình thẩm định tại nhiều quốc gia không có văn bản thông báo chấp nhận đơn, hoặc các văn bản tương ứng.

Điều này gây ra một số vướng mắc, khó khăn khi doanh nghiệp được hỗ trợ không cung cấp được chứng từ phù hợp để nhận khoản hỗ trợ, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước cũng không đủ cơ sở để cấp kinh phí.

Thứ hai là khó khăn về kinh phí tra cứu nhãn hiệu. Mục tiêu của khoản hỗ trợ là nhãn hiệu được bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài. Để đảm bảo đạt được mục tiêu ở mức cao nhất, việc tra cứu và đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu trước khi nộp đơn tại quốc gia mong muốn bảo hộ là rất quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, với mức hỗ trợ được chi trọn gói (bao gồm cả tra cứu, nộp đơn và cấp bằng), dẫn đến thực tế là trong trường hợp kết quả tra cứu không khả thi (khả năng nhãn hiệu bị từ chối cao) nhưng đơn vẫn được nộp (do đã được phê duyệt nhiệm vụ công việc), dẫn đến việc doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu không thành công, còn khoản chi ngân sách không đạt được mục tiêu.

Thứ ba, về kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, sự phối hợp của doanh nghiệp với địa phương là cơ sở quan trọng để hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài đạt được hiệu quả cao nhất. 

Theo quy định, mức chi hỗ trợ được áp dụng trong trường hợp đơn đăng ký diễn ra suôn sẻ, không phát sinh các khoản kinh phí khác, như trả lời các thông báo của Cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới.

Ngoài các chi phí phát sinh trong quá trình thẩm định, tại một số quốc gia, người nộp đơn còn cần trả thêm một hoặc một số khoản phí trước khi nhãn hiệu chính thức được bảo hộ, ví dụ như tuyên bố sử dụng nhãn hiệu tại Mỹ.

Việc doanh nghiệp không thể, hoặc không chi phần kinh phí đối ứng để theo đuổi đơn cũng có thể khiến cho hoạt động hỗ trợ không đạt được mục tiêu cao nhất.

Đối với đặc sản và sản phẩm chủ lực của địa phương, cho đến nay, đa số các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại nước ngoài đều được thực hiện thông qua thỏa thuận bảo hộ song phương, với sự hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiệt tình từ phía các đối tác thương mại quốc tế.

Đối với nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, mặc dù đã có hơn 2.000 văn bằng bảo hộ tại Việt Nam, nhưng số lượng đối tượng này đã được nộp đơn hoặc đã được bảo hộ tại nước ngoài là rất khiêm tốn.

Các vướng mắc, khó khăn chính trong hoạt động hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận mang tên địa danh tại nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương đầu tiên là những nghiên cứu, đánh giá chi tiết về pháp luật sở hữu trí tuệ, điều kiện bảo hộ tại thị trường mục tiêu chưa đầy đủ. 

Bên cạnh đó, năng lực của chủ thể đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại nước ngoài chưa phù hợp, hoặc chưa đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Cuối cùng, hoạt động chứng nhận, kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các địa phương tại Việt Nam còn sơ sài, chưa đảm bảo cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được xuất khẩu.

Xem thêm tại theleader.vn