Thị trường chủ lực tăng trưởng ấn tượng 3 con số

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép đạt 1,5 tỷ USD. Mặc dù tính riêng trong tháng 2, xuất khẩu sắt thép giảm ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua, ước đạt 950 nghìn tấn, với trị giá 678 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng trước. Song, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này tăng 19,3% về lượng và 12,6% về trị giá.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, giá thép xuất khẩu trung bình trong tháng 2 đạt 713 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước.

Xuất khẩu thép cất cánh ngay đầu năm
Xuất khẩu thép vào Mỹ tăng hơn 400%. Ảnh: Tố Uyên
Theo VSA, tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12% lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.

Còn số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 2 của Việt Nam đạt 1,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2023, lượng sắt thép xuất khẩu tăng 65%, trong khi kim ngạch tăng 66,2%.

Được biết, ASEAN là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu. Kế tiếp đó là EU và Mỹ lần lượt đứng thứ 2 và 3, chiếm 28% và 9%.

Đáng chú ý, trong tháng đầu năm 2024, chưa bao giờ nước ta chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng tới 3 con số từ một số thị trường “ruột” như Italy, Mỹ và Malaysia. Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2024, xuất khẩu sang Italy đạt 203 nghìn tấn, tăng 114%% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 139 nghìn tấn, tăng 419%; Malaysia đạt 120 nghìn tấn, tăng 625%.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, lượng hàng tiêu thụ có xu hướng tăng trưởng trở lại từ những tháng cuối năm 2023 là dấu hiệu khả quan cho thấy nhiều ngành thép có thể hồi phục một cách tích cực ngay trong nửa đầu năm 2024 và sẽ có sự gia tăng mạnh biên lợi nhuận, kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

Năm 2024, giá thép có xu hướng tăng hay giảm?

Nhận định về thị trường thép trong quý II, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Lý giải nguyên do, VSA cho hay do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ, châu Âu so với giá thép ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và thép Việt có lợi thế cạnh tranh về giá cả.

Hơn thế nữa, châu Âu hiện kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 - đây là cơ hội để xuất khẩu thép Việt Nam sang châu Âu. Được biết, châu Âu đã nhập khẩu hơn 1,9 triệu tấn thép bán thành phẩm từ Nga trong 7T2023.

Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) chỉ ra, nhu cầu thép toàn cầu đã đạt 1,81 tỷ tấn trong năm 2023 và sẽ tăng 1,9% lên mức 1,85 tỷ tấn vào năm 2024. Trong đó, nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%.

Thông tin của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá thép xuất khẩu trung bình trong tháng 2/2024 đạt 713 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước, nhưng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân đạt 711 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023... Giá thép ngày 4/3 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 16 Nhân dân tệ/tấn. Nhận định về thị trường thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá quặng sắt trong năm 2024 ở mức 108 USD/tấn, giảm 2,8% so với năm 2023. Cũng theo WB, giá quặng sắt tiếp tục giảm trong năm 2024 do hoạt động xây dựng ảm đạm; động thái cắt giảm sản xuất thép tại Trung Quốc và nhu cầu thép hồi phục chậm tại các quốc gia khác…

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng giá thép sẽ có chuyển biến tích cực hơn vào năm 2024, do mức tồn kho đã giảm xuống mức kỷ lục và thị trường bất động sản Trung Quốc được dự báo phục hồi nhẹ từ nền thấp của năm 2023.

Xuất khẩu thép cất cánh ngay đầu năm
Doanh nghiệp cần tích cực thay đổi công nghệ, tập trung cho chuyển đổi xanh. Ảnh: TL

Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) , ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ các yếu tố thuận lợi và cơ hội đến từ các thị trường xuất khẩu. Năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại…

"Do đó, doanh nghiệp thép cần tăng cường công tác tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường xuất khẩu để từ đó có các kế hoạch chuẩn bị kịp thời và chủ động. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tích cực thay đổi công nghệ, tập trung cho chuyển đổi xanh, sản xuất xanh để giảm phát thải các-bon và minh bạch hơn nữa trong quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại..." - Chủ tịch VSA khuyến cáo.

Tiêu thụ nội địa tăng trở lại

Tại thị trường nội địa, các chuyên gia cho rằng, diễn biến khả quan về lượng hàng tiêu thụ tăng trở lại nhờ nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nửa cuối năm 2023, giúp ngành thép được dự báo có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 với triển vọng sản xuất thép sẽ tăng khoảng 10%.

Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua được đánh giá sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản thời gian tới, là cơ hội để ngành thép đẩy mạnh tăng trưởng. Chứng khoán MB (MBS) dự báo, trong năm nay, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm ngoái) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.