Chỉ dấu cho VinSpeed: Công ty làm đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải 1.300 km có lãi chỉ sau 3 năm khai thác, năm 2024 lãi kỷ lục 46.000 tỷ đồng
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318 km là tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới với thời gian di chuyển liên tục không dừng từ bến đầu tới bến cuối là khoảng 4,5 giờ, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải từ 14 giờ trước đây.
Tuyến đường bắt đầu được xây dựng từ năm 2008 và đi vào hoạt động vào năm 2011, với vốn đầu tư 208,8 tỷ NDT (khoảng 734 nghìn tỷ đồng).
Tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải nổi bật trong các tuyến đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc vì đây là dự án có tốc độ xây dựng nhanh nhất , với 439 km mỗi năm (hơn 1,2km/ngày).
Công nghệ cho dự án chủ yếu là của Trung Quốc, với các tàu cao tốc như CR400AF, CR400BF, CRH380A, CRH380B, và CRH380C được sử dụng cho dịch vụ 350 km/h. Trong đó, CR400AF và CR400BF là do Trung Quốc tự phát triển, không dựa trên công nghệ ngoại quốc.
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, tuyến đường này được vận hành theo mô hình hợp tác công – tư (PPP), huy động vốn từ cả chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân.
Công ty đầu tư xây dựng và vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao này là Công ty TNHH Đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh-Thượng Hải (Beijing-Shanghai High Speed Railway Co.,Ltd).
Các hoạt động của công ty chỉ xoay quanh tuyến đường sắt này, bao gồm chở khách và dịch vụ đường sắt cho các tàu của doanh nghiệp khác chạy trên tuyến.
Theo Tân Hoa Xã, 2014 - tức chỉ 6 năm sau khi xây dựng và 3 năm sau khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động - công ty đã chuyển từ lỗ sang lãi. Tân Hoa Xã giải thích rằng trong những năm đầu tiên, tuyến đường không thể hoạt động hết công suất và nhu cầu sử dụng cũng tăng dần theo thời gian nên việc có lãi cần có thời gian.

Năm 2020, Công ty lên sàn chứng khoán Thượng Hải (SSE) với mã 601816, thực hiện công bố các dữ liệu tài chính về tuyến đường sắt từ năm 2020 và vài năm liền trước.
Giai đoạn 2018–2024, kết quả kinh doanh của công ty phản ánh rõ sự ảnh hưởng của môi trường kinh tế và dịch bệnh đến hoạt động vận tải.
Trong hai năm đầu 2018–2019, khi chưa có dịch bệnh, công ty duy trì tăng trưởng ổn định với doanh thu lần lượt là 31.158 triệu (khoảng 35,9 nghìn tỷ đồng) và 34.856 triệu NDT, lãi cũng đạt mức cao trên 10 tỷ NDT (khoảng 46.000 tỷ đồng)
Tuy nhiên, từ sau năm 2020 và đặc biệt là năm 2022 đánh dấu giai đoạn khó khăn khi dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh. Doanh thu năm 2022 chỉ còn 19.336 triệu NDT và công ty lần đầu ghi nhận khoản lỗ 576 triệu NDT.
Sau đó, sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024 khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng cho thấy tiềm năng và sức bật của ngành đường sắt tốc độ cao. Doanh thu năm 2024 đạt kỷ lục 42.157 triệu NDT, lãi tăng lên 12.768 triệu NDT, cũng là mức cao nhất trong giai đoạn thống kê.
VinSpeed đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam 60 tỷ USD
Ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Theo phương án của VinSpeed, họ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

VinSpeed có vốn điều lệ là 6.000 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm các tổ chức, cá nhân như sau:
Ông Phạm Nhật Vượng góp 3.060 tỷ, sở hữu 51% cổ phần. 2 người con trai của ông Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh mỗi người góp 30 tỷ đồng, sở hữu 0,5% cổ phần/người.
Bà Phạm Thúy Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup góp 180 tỷ đồng, sở hữu 3% cổ phần; Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2.100 tỷ, sở hữu 35% cổ phần; Tập đoàn Vingroup góp 600 tỷ, sở hữu 10% cổ phần.

Xem thêm tại cafef.vn