Nới room ngoại: Cú hích mới cho ngành ngân hàng
Nới room ngoại cơ hội thu hút vốn
Từ ngày 19/5, Nghị định 69 về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tín dụng (room ngoại) chính thức có hiệu lực. Quy định này mở đường cho việc nâng room ngoại lên 49% tại các ngân hàng chuyển giao bắt buộc, thay vì mức trần (30%) như trước đây.
Theo giới phân tích, Nghị định 69 là một thay đổi quan trọng, mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, giúp các ngân hàng củng cố năng lực tài chính và hỗ trợ quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào ngân hàng Việt giúp mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì thế, việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho rằng room 30% từ lâu đã là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể gia tăng tỷ lệ sở hữu. Việc nới lên 49% là một bước mở cửa thực chất, không chỉ mang tính biểu tượng.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc nâng room sẽ giúp ngân hàng có thêm phương án huy động vốn chiến lược, đồng thời tăng độ hấp dẫn cổ phiếu với khối ngoại, vốn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng có nội lực tốt, định hướng rõ ràng và sẵn sàng hội nhập.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho hay, việc nâng trần sở hữu nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thu hút dòng vốn mới từ nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ.

Còn các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, nghị định mới tạo điều kiện để các ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài trong trường hợp có nhu cầu tăng vốn để bơm thêm vốn cho các ngân hàng yếu kém, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định: “Room ngoại không chỉ là công cụ tài chính mà là thước đo cho mức độ hội nhập. Có nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại vốn mà còn mang theo công nghệ, năng lực quản trị và chuẩn mực quốc tế”.
Hiện có 4 ngân hàng tham gia phương án tái cơ cấu gồm HDBank, MB, Vietcombank và VPBank Nhưng do Vietcombank là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, chính sách nới room ngoại lên 49% sẽ chỉ áp dụng cho ba ngân hàng còn lại là HDBank, MB và VPBank.
Theo các chuyên gia, động thái nới room ngoại được kỳ vọng sẽ tạo dư địa mới cho HDBank, MB và VPBank trong việc huy động vốn chiến lược, phục vụ mục tiêu tăng trưởng tài sản mạnh mẽ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn trong bối cảnh nhu cầu vốn trung dài hạn ngày càng lớn.
Việc tăng vốn giúp củng cố hệ số an toàn vốn (CAR), trong bối cảnh các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng rất cao: 20-30%/năm.
Thực tế, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt đã được cải thiện song hệ thống ngân hàng vẫn đang mỏng vốn, tỷ lệ CAR vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Bài toán nới room của các ngân hàng ra sao?
Hiện mức trần room ngoại đối với các ngân hàng tại Việt Nam đã được lấp đầy, với tỷ lệ tối đa 30%. Theo thống kê từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 18/4, có 13/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%.
Trong đó, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như: ACB (29,97%), MSB (27,28%), VietinBank (26,76%), TPBank (23,61%), VPBank (24,54%), MBBank (21,17%), Techcombank (22,50%),…
Trái lại, một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp dưới 5% như: VIB (4,99%), Eximbank (3,64%), SHB (2,77%), KienLong Bank (0,99%), LPBank (0,76%),…

Thậm chí, nhiều nhà băng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài gần như bằng 0% hoặc vẫn còn nguyên room ngoại, như: VietABank (0,23%), BVBank (0,08%), PG Bank (0,05%) và Bac A Bank (0%).
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ lệ room ngoại thấp không đồng nghĩa với sự kém hấp dẫn mà phản ánh chiến lược chủ động kiểm soát cổ đông. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ room ngoại thấp hơn mức tối đa cho phép (30%), thậm chí chưa sử dụng đến room ngoại xuất phát từ các chiến lược riêng như chờ đợi đối tác chiến lược phù hợp, kiểm soát cấu trúc cổ đông.
Các ngân hàng tầm trung như LPBank, BVBank hay HDBank duy trì room ngoại chỉ từ 5 - 10% nhằm “giữ chỗ” cho các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng. Thay vì mở room cho toàn bộ thị trường, họ lựa chọn phương án thận trọng, nhằm đảm bảo khi có đối tác thực sự phù hợp về chiến lược, công nghệ, mạng lưới… thì vẫn còn tỷ lệ sở hữu để đàm phán.
Bên cạnh đó, việc duy trì room thấp cũng giúp ngân hàng phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm hoặc xáo trộn cấu trúc cổ đông, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có thanh khoản và tỷ trọng cao trên thị trường.
Hơn nữa, bài toán nới room không chỉ phụ thuộc vào chính sách mà còn bị chi phối bởi nhu cầu tăng vốn, yếu tố sở hữu nhà nước và dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại.
Theo nhận định của các chuyên gia, với các ngân hàng lớn, room đầy là minh chứng cho năng lực thu hút dòng vốn quốc tế. Còn với các ngân hàng nhỏ và trung bình, room thấp không phải là bất lợi mà là phần “để dành” trong chiến lược lựa chọn cổ đông chiến lược, kiểm soát quyền lực và giữ ổn định cơ cấu sở hữu.
Giới chuyên gia dự báo, dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng chảy vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Việc tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều ngân hàng vẫn thấp có thể được xem là cơ hội tiềm năng cho khối ngoại trong tương lai, nhất là khi ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn với thị trường tài chính toàn cầu và nhu cầu tăng vốn, cải thiện quản trị ngày càng tăng.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn