Chủ tịch SSI Digital Nguyễn Duy Hưng chỉ ra ba nhóm vấn đề và lý do tài sản số cần lộ trình phát triển như từng lớp học

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI Digital (SSID). Ảnh: SSID.

Tiến trình hoàn thiện pháp lý nhanh, nhưng thí điểm cần thận trọng

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của thị trường tài sản số và các công nghệ nền tảng như blockchain, Việt Nam không thể đứng ngoài sân chơi này. Từ định hướng của Đảng đến chỉ đạo của Chính phủ, những tín hiệu rõ ràng đã được phát đi. Phát triển thị trường tài sản số là yêu cầu tất yếu trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.

Với định hướng trên, Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và phát triển thị trường tài sản số, nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam đưa ra định nghĩa về "tài sản số". Dự thảo cũng đề cập đến việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các sản phẩm và dịch vụ tài sản số, nhằm tạo môi trường thử nghiệm an toàn trước khi triển khai rộng rãi.

Tháng 3/2025, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết cho phép triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.

Tài sản số từ chỗ sở hữu hay giao dịch theo từng sàn, thậm chí trái pháp luật cho đến được thừa nhận và bây giờ được tạo điều kiện để cộng đồng có thể giao dịch công nghệ. “Tôi cảm thấy rất vui vì sự chuyển biến rất nhanh”, Chủ tịch SSID bày tỏ về tiến trình hoàn thiện pháp lý cho thị trường tài sản số.

Song, khi được hỏi về những yếu tố phù hợp để đảm bảo thị trường mới mẻ này vận hành một cách trơn tru, ông Hưng cho rằng cần phải thực hiện theo từng bước.

Sự hoàn thiện của thị trường cần phải theo từng bước. Qua lớp 1, lớp 2, tốt nghiệp lớp 5, rồi mới đến lớp 7, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng ví.

Với tài sản số, sau khi được thừa nhận, thị trường cần đưa vào thí điểm (sandbox) một cách thận trọng, không thể “trăm hoa đua nở”. Làm ít trong giai đoạn thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm, rồi tiến hành làm mới trên quy mô rộng hơn.

Nhìn ra bài học quốc tế và đánh giá tính khả thi với Việt Nam

Trong buổi trò chuyện, rất nhiều lần ông Nguyễn Duy Hưng nói về tính thận trọng khi phát triển thị trường tài sản số.

Xuất phát điểm là một trong những người tiên phong tham gia từ khâu thành lập, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và đang sở hữu một định chế giá trị nhất ngành chứng khoán, nhưng ông Hưng đưa ra quan điểm trên bởi mỗi mô hình chỉ được đánh giá là khả thi hay không khả thi, không phân rõ đúng hay sai tuyệt đối.

Đơn cử, về mô hình thị trường, hiện thế giới đang có hai phương thức là giao dịch tập trung và phi tập trung. Sàn giao dịch tập trung (CEX) là nền tảng giao dịch tài sản số được vận hành và quản lý bởi một tổ chức trung gian. Người dùng gửi tài sản của mình vào ví do sàn kiểm soát và thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống khớp lệnh nội bộ.

Còn sàn giao dịch phi tập trung (DEX) là nền tảng cho phép người dùng giao dịch trực tiếp với nhau thông qua hợp đồng thông minh trên blockchain mà không cần trung gian. Tài sản được lưu trữ trong ví cá nhân và người dùng hoàn toàn kiểm soát khóa riêng của mình.

Mỗi mô hình đều có ưu nhược điểm riêng và quyết định sự thành công hay thất bại khi triển khai tại các quốc gia. Nhìn từ thế giới, Đài Loan thất bại với mô hình sàn giao dịch tập trung khi cho phép một số sàn giao dịch hoạt động theo mô hình tập trung với kỳ vọng dễ kiểm soát hơn.

Nhưng việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hệ thống giám sát chuyên sâu đã tạo ra các rủi ro, giảm khả năng bảo vệ nhà đầu tư và hệ quả là niềm tin thị trường suy giảm.

Trái lại, nhiều quốc gia thành công với mô hình phi tập trung. Nhưng điều đó không hẳn là đúng khi áp dụng vào các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Hưng giải thích, ở Việt Nam, mô hình tập trung vẫn có thể thành công bởi vì lượng khách hàng thật rất lớn, tính tuân thủ pháp luật của người dân cao. Lượng khách hàng lớn nên buộc phải tìm một cách để giao dịch.

CEO VanEck làm việc tại Việt Nam giữa tháng 3/2025 và đặt vấn đề hợp tác với SSI thành lập quỹ đầu tư vào Bitcoin. Ảnh: SSI.

Đảm bảo nguyên tắc cung cầu của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, bảo mật hệ thống và chống “lùa gà”

Trên thực tế, mặc dù chưa hoàn thiện khung pháp lý nhưng thị trường tài sản số tại Việt Nam đã hình thành và phát triển. Góc nhìn từ ông Nguyễn Duy Hưng, thị trường này sâu rộng hơn chứng khoán, doanh số giao dịch một ngày lớn hơn và tính linh hoạt của sản phẩm cao hơn.

Tính hiện hữu đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế quản lý vừa đảm bảo tính ổn định, an toàn, tạo không gian phát triển, thay vì việc “siết chặt” dẫn đến việc đóng băng thị trường. Trước tiên, thị trường cần phải đảm bảo quy luật của cung cầu cho thị trường tài sản số.

“Thị trường phải tự tạo lên, có cung, có cầu. Tất cả phải thuận theo nguyên lý cung cầu, đây là yếu tố tốt nhất để phát triển thị trường”, ông Hưng đưa ra quan điểm.

Sôi động hơn chứng khoán nhưng tiềm chứa không ít rủi ro thua lỗ, nhà đầu tư tham gia thị trường tài sản số vẫn đang tự rung lắc, chưa “kêu cứu” hay đổ lỗi cho ai sau quyết định của chính mình. Điều đó giúp thị trường phát triển, tạo nguyên lý tự cân bằng. Trong trường hợp này, theo Chủ tịch SSID, việc cần thiết là Nhà nước cần đưa ra quy định, quy chế để làm sao những tổ chức trên thị trường đảm bảo được an toàn cho khách hàng của mình.

Bởi vì thị trường tài sản số, điều quan trọng nhất là bảo mật, chống hacker. Bất cứ thị trường nào cũng có hai khối, chính đạo và tà đạo. Khối chính đạo muốn làm ăn tốt nhất, khối tà đạo muốn kiếm tiền trục lợi, kể cả lừa đảo.

Ngay cả một tổ chức nhiều kinh nghiệm và có hệ thống bảo mật tốt như Bybit từng bị hacker tấn công và làm thất thoát tài sản 1,4 tỷ USD của khách hàng.

“Vậy lấy cái gì để đền vào số 1,4 tỷ USD như vậy? Bybit có cái để đền ngay, vậy một sàn của Việt Nam lấy gì để đền cho nhà đầu tư?”, vị lãnh đạo của SSID đặt vấn đề.

Trong tình huống này, vốn pháp định của các tổ chức là rất cần thiết. Một con số được ông Hưng đưa ra là 10.000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD). Tại thị trường Việt Nam, theo vị Chủ tịch SSID, đây là con số tạm đủ để đảm bảo bù đắp rủi ro nếu có.

Song song với việc quản trị rủi ro hệ thống, cơ chế kiểm soát hạn chế lừa đảo trên thị trường là cần thiết. Hay nói cách khác, “phải có cơ chế để chống lùa gà”.

Thế nào là chống lùa gà? Khi có cơ chế minh bạch, nhà đầu tư phải hiểu rằng mình đầu tư vì cái gì.

“Nếu nhà đầu tư nghĩ rằng đầu tư để ngày mai lên xong bán kiếm tiền, ai cũng nghĩ thế, tiền không sinh ra, người này được, người kia phải mất. Nếu nghĩ như thế thì phần được và mất là 50:50. Nếu ngày mai giá lên sẽ được, xuống sẽ mất. Không có ai dám đảm bảo chuyện đó. Cái chỉ có thể đảm bảo là ai không minh bạch, ai “lùa gà”, ai dùng lợi thế của ngành như là một tổ chức thì có thể có giải pháp để chặn lại”, ông Hưng nói.

 Chương trình vườn ươm được SSID và IDGX tổ chức để tìm kiếm startup về Web3 để rót vốn. Ảnh: SSID.

Sẽ có quỹ đầu tư tài sản số ngay sau khi pháp lý hoàn thiện

Đó là những vấn đề được Chủ tịch SSID Nguyễn Duy Hưng nêu ra khi phát triển thị trường tài sản số ở Việt Nam. Theo vị “lão làng” trên thị trường tài chính này, blockchain là xu thế, đây không chỉ thuần công nghệ, lớn hơn là xu thế công nghệ giúp để vận hành, quản trị xã hội trong tương lai. Do đó, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này.

Bản thân với hệ sinh thái SSI, họ cũng đã có sự chuẩn bị với một loạt dự án như SSI Digital, SSI Digital Ventures. Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết ngay khi khung pháp lý được hoàn thành, việc đầu tiên sẽ là thành lập một quỹ đầu tư vào tiền điện tử.

“Tôi không nói là tốt hay là xấu, khi cả thế giới thừa nhận thì mình không thể đứng ngoài. Tôi không thích tụt hậu, khi cả thế giới theo thì mình phải làm”, ông Hưng vui vẻ đáp khi được hỏi về kế hoạch lập quỹ.

Kế hoạch này không quá bất ngờ, giữa tháng 3, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản VanEck, ông Jan van Eck đã có chuyến công tác tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp với Bộ Ngoại giao, ông Jan van Eck đã nhấn mạnh vai trò tiên phong của VanEck trong lĩnh vực đầu tư vào các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục), đặc biệt là các quỹ ETF liên quan đến tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum. VanEck không chỉ dừng lại ở việc đầu tư, mà còn tích cực hỗ trợ các đối tác Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị tài sản số từ các thị trường quốc tế.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, CEO VanEck đề xuất việc hợp tác chặt chẽ với Chứng khoán SSI để cùng phát triển thị trường tài sản số tại Việt Nam. Ông cũng gợi ý về việc thành lập một quỹ hoặc tổ chức đầu tư vào bitcoin với sự hợp tác từ SSI.

Tính đến cuối năm 2024, VanEck quản lý khối tài sản trị giá hơn 110 tỷ USD, hoạt động rộng khắp các thị trường lớn tại Mỹ, châu Âu và châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư ETF và các sản phẩm tài chính đổi mới liên quan đến blockchain và tài sản số.

Xem thêm tại vietnambiz.vn