Chuyên gia: Cần duy trì ngoại hối hợp lý để can thiệp tỷ giá, ổn định thị trường
Để ổn định tỷ giá USD/VND trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức hợp lý để có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết.
Để ổn định tỷ giá USD/VND trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức hợp lý để có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết.
Tỷ giá VND/USD đã “nổi sóng” trở lại từ đầu tháng Mười vừa qua, đặc biệt sau khi cựu Tổng thống Donal Trump tái đắc cử. Các chuyên gia cho rằng khả năng mạnh lên vẫn rất lớn của đồng USD sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể gây áp lực không nhỏ cho cơ quan quản lý trong điều hành chính sách tỷ giá.
Đà “leo thang” của tỷ giá đã khiến các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh giá USD. Cụ thể, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh kể từ ngày 6/11 (ngày hoàn thành kiểm phiếu và công bố kết quả cuối cùng giữa ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris), từ 24.258 đồng (ngày 6/11) lên 24.298 đồng/USD (15/11), tăng 40 đồng.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD niêm yết 25.160 đồng/USD (mua vào) và 25.512 đồng/USD (bán ra), tăng 52 đồng/USD so với ngày 6/11. Tính đến nay, giá USD tăng khoảng 4,4% so với đầu năm 2024.
Trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY) - thể hiện diễn biến của USD với 6 loại tiền tệ chính (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đạt mức 106,89, tăng 0,49%.
Giới đầu tư nhận định, các chính sách của ông Trump có thể khiến cho đồng USD mạnh lên và lạm phát của nước này cũng tăng lên; tỷ giá VND/USD theo đó cũng được dự báo có nhiều biến động thời gian tới.
Các chuyên gia nhận định, sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, Fed đã thực hiện lần thứ hai cắt giảm lãi suất liên tiếp vào 7/11 với 25 điểm cơ bản (0,25%), đáng ra đồng USD phải mất giá nhưng đồng tiền này lại tăng trở lại.
Trước đó Fed cũng đã lần đầu giảm lãi suất vào tháng 9/2024 với mức 50 điểm cơ bản (0,5%). Tuy nhiên, việc ông Trump tái đắc cử có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính sách tiền tệ trong tương lai. Các đề xuất của ông về chính sách tài khóa mở rộng và thuế quan có thể làm gia tăng lạm phát, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Những thay đổi này đã tác động đến tỷ giá USD/VND, khi đồng USD có khả năng tăng giá so với VND, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND biến động rất mạnh. Giai đoạn nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND khá căng thẳng, có lúc tăng gần 5%, trên thị trường tự do có thời điểm vượt 26.000 đồng/USD.
Giai đoạn nửa cuối quý 3/2024, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt trước thềm Fed giảm lãi suất và chỉ còn tăng 1,3% tại thời điểm cuối tháng 9/2024.
Với nhiều doanh nghiệp có các khoản vay bằng USD đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá sâu trong nửa đầu năm như: Vietnam Airlines chịu khoản lỗ tỷ giá lên tới 1.224 tỷ đồng với tổng vay USD tương đương 6.117 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Tương tự, Novaland lỗ 834 tỷ đồng, Thế Giới Di động lỗ 146 tỷ đồng và Tập đoàn Hòa Phát cũng không ngoại lệ với khoản lỗ 229 tỷ đồng.
Chuyên gia tài chính Định Trọng Thịnh phân tích, tỷ giá tăng thì có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì thu bằng USD nhưng chính các doanh nghiệp này cũng không được hưởng nhiều lợi ích khi tỷ giá tăng, do phần lớn máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải nhập khẩu và thanh toán bằng đồng USD nên khi tỷ giá tăng cũng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Tiến Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh giá đồng USD tăng cao, trong ngắn hạn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, về lâu dài điều này sẽ không tốt cho doanh nghiệp bởi nhiều yếu tố bị tác động.
Các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ vẫn tiếp tục tăng là do tác động kết hợp từ kỳ vọng duy trì lãi suất dài hạn của Fed, nhu cầu USD trong thương mại, vai trò của USD như một tài sản trú ẩn an toàn. Đây là lý do tỷ giá USD/VND vẫn chưa thể hạ nhiệt như mong đợi, bất chấp việc Fed đã có động thái giảm lãi suất.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng áp lực tỷ giá cũng vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này. Thậm chí cao điểm, đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá tại các ngân hàng sẽ tiệm cận 26.000 đồng/USD.
“Chưa kể yếu tố bên ngoài, việc các doanh nghiệp thường tăng nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm do yếu tố mùa vụ và Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua vào tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng cũng đủ gây áp lực lên tỷ giá,” ông Huân nói.
Các chuyên gia cho rằng càng về cuối năm nhu cầu ngoại tệ càng tăng mạnh để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất năm mới. Hiện tại có những lo ngại nhất định, nhưng chúng ta có thể được kiểm soát nếu các yếu tố khác không biến động quá mạnh.
Để ổn định tỷ giá USD/VND trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức hợp lý để có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết. Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo hướng linh hoạt để đảm bảo gần bằng tỷ giá trên thị trường tự do nhằm tránh đầu cơ tỷ giá, phản ánh sát hơn những biến động của thị trường quốc tế, qua đó giúp giữ vững niềm tin của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững, tránh tình trạng tăng trưởng nóng có thể dẫn đến lạm phát. Trong trường hợp cần thiết có thể bán USD từ dự trữ ngoại hối giúp điều chỉnh cung cầu và ổn định tỷ giá.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do biến động tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự biến động này. Việc cho phép doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp hơn trong thời gian ngắn sẽ giúp họ giảm bớt áp lực chi phí.
Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) về giải pháp ổn định tỷ giá và giảm thêm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ. Với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bởi nếu giảm lãi suất quá, sẽ tác động làm tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Thống đốc, Fed giảm lãi suất thoạt nhìn có vẻ làm giảm áp lực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ là lãi suất của Fed, mà còn phụ thuộc cung-cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế. Nếu xuất khẩu cải thiện, thu hút FDI tăng thì cung cải thiện, điều hành tỷ giá thuận lợi. Song nếu xuất khẩu khó khăn, không có đầu ra, hoặc khi nhu cầu nhập khẩu tăng, thì tỷ giá sẽ gặp áp lực. Đấy là chưa nói đến yếu tố tâm lý kỳ vọng, đầu cơ, găm giữ.
"Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu điều hành là ổn định giá trị của VND. Theo đó, kết hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ ra tiền đồng. Vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm lãi suất, nhưng cũng xác định phải hài hòa các mục tiêu, bởi nếu giảm lãi suất nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường ngoại hối," Thống đốc nhấn mạnh./.
Xem thêm tại vietnamplus.vn