Cơ chế đất đai là vướng mắc hàng đầu trong hút đầu tư nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long

VoHungDung1

Quy hoạch vùng trồng, tạo điều kiện về các chính sách liên quan quỹ đất nhằm thu hút mạnh hơn đầu tư trong và ngoài nước đối với khu vực ĐBSCL. Ảnh: HP

Nhiều dư địa để kêu gọi đầu tư

ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. Khu vực này đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Theo đó, một số dự án đầu tư lớn trong năm 2023 có thể kể đến: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại Long An với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thực phẩm Đồng An; Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại Tiền Giang có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Phong; Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau…

Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đạt 350 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều dự án lớn, có quy mô và công nghệ hiện đại. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của ĐBSCL đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Quỹ đất là vướng mắc hàng đầu

Trên thực tế, bên cạnh những lợi thế vốn có vùng kinh tế ĐBCSL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc. Trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, năng suất lao động thấp. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo nhiều doanh nghiệp, để đầu tư vào nông nghiệp vướng mắc hàng đầu là những thủ tục về nguồn đất. Nếu các địa phương quan tâm, có kế hoạch dành quỹ đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và dễ dàng hơn khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù là vùng chuyên canh nông nghiệp nhưng diện tích đất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ.

Thống kê hiện nay sở hữu đất nông nghiệp bình quân theo đầu người của vùng ĐBSCL hiện đạt khoảng 0,07 ha/người, trên 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha/mảnh. Để có đất sản xuất, doanh nghiệp phải thuê đất trực tiếp của người dân với chi phí cao hoặc thuê của cơ quan quản lý nhà nước thì thuận lợi hơn về giá, tuy nhiên, quỹ đất công hiện rất hạn chế.

Là doanh nghiệp hợp tác với Đức sử dụng và chế biến nông sản hầu hết của khu vực ĐBSCL ông Lê Bảo Hùng, Giám đốc công Ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Nước Trái Cây Juicy V chia sẻ với Nhadautu.vn rằng sự đa dạng, phong phú của nông sản ĐBSCL nhất là trái cây đã thu hút sự quan tâm của đối tác doanh nghiệp này bên Đức.

"Nguồn nguyên liệu chúng tôi thu mua theo từng vùng và thường chọn những vùng nguyên liệu trồng loại trái cây đó tốt nhất. Ví dụ dứa ở Hậu Giang, bưởi ở Vĩnh Long, ổi tại Tây Ninh. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi vướng phải khó khăn trong khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Người dân còn chưa có sự liên kết nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng. Nhiều hộ nông dân trình độ thấp chưa đáp ứng được vấn đề về truy xuất nguồn gốc sản phẩm", ông Hùng tâm tư. 

Cùng nổi trăn trở, bà Trần Thị Kiều Hương, Giám đốc khối kinh doanh & nghiên cứu phát triển sản phẩm NFC nhận định việc sản xuất nông sản tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn khá manh mún, chưa có cơ cấu định hình lớn nên giá cả bị cạnh tranh khá lớn.

"Nhằm tự giải quyết những tồn tại đang vướng phải, doanh nghiệp này đang định hướng đầu tư vùng trồng, các trang trại nông sản để tự cung cấp cho việc chế biến nhằm kiểm soát được chất lượng sản phẩm", đại diện NFC nói.

Là đơn vị có nhiều mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của khu vực ĐBSCL ông David Whitehead, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam kiến nghị quyền các địa phương tìm hiểu rõ nhu cầu và tôn trọng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Vị này đề xuất các tỉnh, thành cần hướng dẫn rõ ràng về quy trình xin giấy phép đầu tư, giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác; thời gian chi tiết để xây dựng quy trình và lập kế hoạch đầu tư; đầu mối liên hệ để giải quyết vấn đề đầu tư từ nước ngoài; giảm thiểu sự chậm trễ trong giải quyết công việc.

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo, vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, lĩnh vực logistics, nhất là ở các vùng nguyên liệu tập trung lớn, trong đó có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng

Xem thêm tại nhadautu.vn