Cổ phiếu dẫn dắt có tín hiệu ‘mệt mỏi’, VN-Index đứng trước áp lực

Sau cú giảm đầy bất ngờ đầu phiên sáng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến màn ngược dòng ngoạn mục khi VN-Index hồi phục nhanh chóng, chốt phiên 26/5 tăng lên 1.332,51 điểm. Thanh khoản cải thiện so với phiên cuối tuần trước, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 21.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 59 tỷ đồng trong phiên, tập trung vào các mã VIX, VCG, GEX, HPG và FPT. Trước đó, khối này đã quay lại bán ròng trong tuần qua sau 2 tuần mua ròng liên tiếp.

Áp lực bán gia tăng khi VN-Index gặp vùng đỉnh cũ

Nhìn chung, TTCK đang phục hồi trở lại vùng giá trước thời điểm Mỹ công bố thuế đối ứng. Tuy nhiên, sau 2 tuần tăng điểm vượt lên kháng cự quan trọng 1.300 điểm, vùng giá cao nhất năm 2024, áp lực điều chỉnh đã có dấu hiệu gia tăng.

Hai phiên tăng tốc khá tốt giữa tuần qua (19-23/5) đã có lúc đưa VN-Index chạm tới vùng đỉnh cũ quanh 1.340 điểm với mức cao nhất đạt 1331,93 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã “hụt hơi” khá rõ trong 2 phiên cuối tuần (22-23/5), đặc biệt thanh khoản bất ngờ giảm mạnh trong phiên 23/5 với áp lực cung vùng giá cao gia tăng cho thấy tâm lý trở nên thận trọng hơn khi VN-Index đã có giai đoạn tăng giá tốt dưới ảnh hưởng của VN30 và nhóm cổ phiếu “họ Vin”.

-2857-1748250858.jpg

Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi VN-Index đã có giai đoạn tăng giá tốt dưới ảnh hưởng của VN30 và nhóm cổ phiếu “họ Vin”.

Giới phân tích đánh giá sự thận trọng đã xuất hiện rõ nét hơn khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt có tín hiệu "mệt mỏi". Trong ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.300 điểm.

Thực tế, VN-Index tuần qua được kéo mạnh bởi "bộ đôi" cổ phiếu VIC (+12,4%) và VHM (+10,8%). Chỉ hai cổ phiếu này đã đem về tới 34,9 điểm dù tổng mức tăng của chỉ số cả tuần là 13,07 điểm. Điều đó có nghĩa sức mạnh của 2 trụ này đã bù đắp đáng kể cho rất nhiều cổ phiếu khác giảm giá.

“VN-Index vừa trải qua 3 tuần tăng liên tiếp với sự hỗ trợ lên điểm mạnh mẽ từ “họ Vin” và nhóm cổ phiếu ngân hàng như TCB, STB... Chỉ số lần lượt phá các mốc cản 1.240 – 1.28x – 1.320 điểm. Trong tuần 3 thấy rõ hiện tượng kéo xanh là chốt, “dí đạp” xuống là có cầu chủ động chờ bắt lên. VN-Index rung lắc trong phiên rồi kéo mạnh về cuối phiên, rũ bỏ nhà đầu tư, cầm hàng luôn sợ chỉnh và rụng hàng bị động, cầm tiền không dám xuống tay khi chỉ số gần chạm các mốc kháng cự mạnh”, ông Trần Long Huân, Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt nhận xét.

Theo quan sát của ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh, Chứng khoán Yuanta, TTCK đã quay trở lại vùng đỉnh tháng 3/2025 trước khi thông tin thuế đối ứng được công bố. VN-Index đã hồi phục tương đối mạnh mẽ dù thiếu những thông tin hỗ trợ thị trường để quay lại chinh phục mốc 1.320 điểm. Động lực chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quý I/2025 khởi sắc của doanh nghiệp, đặc biệt là các mã “nhà Vin”.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng mốc 1.320 là thách thức rất lớn để thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm hiện tại khi mà thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm trong những phiên vừa qua và quá trình phân phối ở đỉnh đang diễn ra”, ông Quang nhận định.

Còn ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, vùng 1.320-1.340 điểm sẽ tiếp tục là thử thách lớn với chỉ số trong bối cảnh TTCK thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mới. Giai đoạn hiện tại được xem là “vùng trống thông tin” sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý I và mùa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Dưới góc nhìn tích cực hơn, Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Chiến lược thị trường, HSC cho rằng trong ngắn hạn, dòng tiền trên thị trường không dễ lan tỏa trở lại và nếu nhóm cổ phiếu bluechip bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật, chỉ số chung có thể chịu áp lực giảm. Tuy nhiên, do nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình chưa tăng nóng, nên khả năng thị trường điều chỉnh sâu không lớn, mà chỉ là nhịp điều chỉnh phân hóa.

"Thận trọng", hạn chế mua mới

Từ những nhận định trên, Tyler Nguyễn Mạnh Dũng khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời ngắn hạn đối với các vị thế đã có lãi và duy trì tỷ trọng tiền mặt hợp lý, khoảng 30% giá trị tài sản ròng, nhằm chủ động ứng phó với rủi ro điều chỉnh và bảo vệ tâm lý nắm giữ.

“Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nên giải ngân lớn, mà chờ nhịp điều chỉnh rõ ràng hơn. Khi đó, có thể giải ngân từng phần và cơ cấu danh mục cân đối giữa cổ phiếu bluechip và nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ có nền tảng cơ bản tốt”, chuyên gia HSC khuyến nghị.

Đây cũng là khuyến nghị của hầu hết các chuyên gia và công ty chứng khoán cho nhà đầu tư ở giai đoạn hiện tại.

Chứng khoán Yuanta cũng đưa ra lưu ý rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng, trong khi chỉ báo tâm lý thị trường có xu hướng đi xuống. Do đó, chuyên gia đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư tạm dừng mua mới và cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường không giữ được vùng hỗ trợ.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Tấn Phong, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Pinetree, VN-Index tiếp tục có 1 tuần tăng điểm, dao động quanh mốc 1.314 điểm, quay trở lại mốc trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng. Tuy nhiên, dòng tiền có sự phân hóa cực lớn khi chỉ xoay quanh vài nhóm cổ phiếu như nhóm cổ phiếu "nhà Vingroup", "nhà GEX" hay một số cổ phiếu midcap. Do đó, dù điểm số tiếp tục tăng nhưng đa số danh mục nhà đầu tư trên thị trường không quá tích cực, thậm chí còn giảm so với tuần trước.

Với thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại áp thuế 50% mặt hàng của EU cũng như 25% các sản phẩm của Apple nếu không được sản xuất tại Mỹ vào cuối tuần, chuyên gia chỉ ra nhiều khả năng từ tuần này, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang men theo đường MA9, nhiều khả năng tuần này sẽ lình xình quanh mốc 1.300 điểm, thậm chí nếu tiêu cực có thể sẽ quay về test mốc hỗ trợ 1.27x.

Chuyên gia Pinetree cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới nhưng cũng chưa cần quá tiêu cực bán toàn bộ danh mục, bởi sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index cần phải có một nhịp điều chỉnh để có thể tăng một cách bền vững hơn. Trong trường hợp tuần này, dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu VIC để kéo VN-Index, nhiều khả năng sang tháng 6, khi nhóm cổ phiếu này bị điều chỉnh sẽ gây sức ép vô cùng lớn lên toàn thị trường.

Theo ông Đinh Quang Hinh, với vòng đàm phán thương mại Việt Nam-Mỹ diễn ra vào đầu tháng 6, VN-Index được dự báo có thể đi ngang trong vùng 1.290-1.340 để hấp thụ lực cung chốt lời, chờ tín hiệu mới.

“Nhà đầu tư ngắn hạn cần chuyển sang trạng thái “thận trọng”, duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý và hạn chế mua mới với các mã đã tăng nóng”, ông Hinh nhấn mạnh.

Về trung-dài hạn, chuyên gia VNDirect kỳ vọng các chính sách đột phá về thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân từ Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 mới được ban hành sẽ thúc đẩy cải cách sâu rộng, giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây sẽ là động lực lớn cho TTCK Việt Nam trong trung và dài hạn.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn