Cổ phiếu ngành dệt may đồng loạt tăng trần

Kết thúc ngày 26/5, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch hứng khởi khi VN-Index tăng hơn 18 điểm, đạt 1.332,5 điểm. Ngoài những cổ phiếu vốn hóa lớn đóng góp lớn vào điểm số phiên hôm nay như GVR, VHM hay BCM, nhóm dệt may cũng gây chú ý.

Nhiều cổ phiếu đã chạm giá trần trong phiên hôm nay gồm VGT của Vinatex, TNG của Dệt may TNG, HTG của Dệt may Hòa Thọ, TCM của Dệt may Thành Công hay MSH của May Sông Hồng. Một số mã khác như STK, VGG... cũng đi lên hơn 5%.

Các cổ phiếu nhóm dệt may đi lên sau một phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến ngành này. Hôm qua, ông Donald Trump cho biết những chính sách thuế quan đưa ra không nhằm hỗ trợ ngành dệt may mà tập trung thúc đẩy sản xuất các mặt hàng công nghệ cao và thiết bị quân sự trong nước.

"Tôi thực sự không muốn tập trung vào áo thun hay giày dép. Chúng tôi có thể làm những thứ đó ở nơi khác rất tốt. Điều chúng tôi nhắm đến là chip, máy tính, xe tăng, tàu chiến và nhiều thứ khác," ông Trump nói thêm.

Diễn biến tích cực của cổ phiếu dệt may phiên 26/5. Ảnh: Trọng Hiếu.

Với tuyên bố từ ông Donald Trump, các nước đang có lượng hàng dệt may xuất sang Mỹ lớn có thể hưởng lợi, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Chứng khoán Mirae Asset, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu dệt may sang Mỹ.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam 4 tháng qua đạt 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 37,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương hơn 5 tỷ USD.

Trong một báo cáo mới đây của Mirae Asset, bộ phận phân tích của công ty này nhận định công ty sợi và may mặc Việt Nam sẽ hoạt động tốt. Điều này đặt trong bối cảnh các đơn hàng chuyển ra khỏi Trung Quốc và khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm hoãn thuế quan 90 ngày.

Công ty này cho biết tại các thị trường chính, sản phẩm dệt may của Trung Quốc tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ như Việt Nam. Xu hướng này tăng tốc trong 4 tháng năm nay khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam tích cực đàm phán với Mỹ để giảm thuế quan. Mirae Asset nhận định mức thuế quan tối đa sẽ cao hơn 10% và có thể có một số miễn trừ. Tuy nhiên, bộ phận phân tích này cho rằng ngành dệt may Việt Nam vẫn có những lợi thế so với các đối thủ.

"Trung Quốc, nước xuất khẩu dệt may lớn nhất sang Mỹ, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với nước này. Ngay cả khi cả hai nước tạm hoãn áp thuế nhau trong 90 ngày, khả năng các sản phẩm của Trung Quốc giành lại thị phần là rất thấp, điều này có lợi cho ngành dệt may Việt Nam", bộ phận phân tích của Mirae Asset nêu trong báo cáo.

Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn cho biết các đơn hàng dệt may cũng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung được tăng lên. Vì vậy, Mirae Asset cho rằng các công ty dệt may Việt Nam hoạt động tốt nhờ yếu tố trên và các khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày.


Xem thêm tại vietnambiz.vn