Doanh nghiệp bán lẻ hy sinhlợi nhuận để giữ thị phần

Giảm giá để thu hút khách hàng

Theo thông tin Công ty CP Thế giới di động (MWG) vừa công bố, doanh thu trong tháng 4/2023 của DN này ghi nhận 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với tháng 3. DN cho biết, doanh thu của công ty đã quay trở lại mức của tháng 12/2022 và dự kiến tiếp tục giữ được kết quả này trong tháng 5. Trước đó, trong báo cáo tài chính quý 1/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận mức giảm lần lượt 26% và 99% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 27,1 nghìn tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Kết quả này là mức ảm đạm nhất kể từ khi MWG niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây hơn 10 năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ban lãnh đạo MWG cũng đã đưa ra nhận định khó khăn cho ngành điện thoại điện máy - vốn được xem là những mặt hàng xa xỉ, trong khi tình hình kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp. Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu cũng diễn ra bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết, trước đây, Thế giới di động không quá căn ke về chênh lệch giá bán các sản phẩm Apple của chuỗi Thế giới di động so với các đối thủ. Điều này đã tạo cơ hội cho các đối thủ thu hút khách hàng. Tuy nhiên, ông Tài cho biết sắp tới, hiện tượng này sẽ chấm dứt khi Thế giới di động sẽ đặt mức giá bán sát hơn với đối thủ, để chênh lệch giá không còn là điểm mà các đối thủ có thể “lợi dụng”.

Nói là làm, trong tháng 4, MWG đã tung ra chương trình quảng cáo với thông điệp “Giá rẻ quá” nhằm thu hút khách hàng với các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là các dòng sản phẩm iPhone. Nhìn vào kết quả kinh doanh tháng 4, có thế thấy chiến lược giá mới của MWG đang mang lại những kết quả khá tích cực cho công ty. Cụ thể, doanh thu chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh ghi nhận mức tăng trưởng tới 30% so với tháng 3.

Hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần

Nói thêm về chiến lược giá mới của MWG, ông Nguyễn Đức Tài cho biết công ty sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu, đồng thời chủ động đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá khuyến mãi để thu hút khách hàng, bao gồm cả nhóm người tiêu dùng nhạy cảm về giá cả. Bởi việc thu hút và giữ chân khách hàng có ý nghĩa quan trọng đối với công ty để tiếp tục gia tăng thị phần và tăng trưởng khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi trở lại.

Chiến lược giá mới của MWG khiến các đối thủ cùng ngành không thể khoanh tay đứng nhìn. Hàng loạt chương trình khuyến mãi được các hệ thống triển khai kể từ tháng 4/2023 đã khiến thị trường điện tử, thiết bị di động “ấm” dần lên. Bà Nguyễn Bạch Diệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail (FRT) dự báo trong năm 2023 FRT sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT (gồm điện thoại, mạng máy tính, viễn thông…) tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục. Do đó, FRT sẽ rất thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng.

Bên cạnh đó, DN sẽ chủ động đưa ra nhiều chính sách, chương trình khuyến mãi, trợ giá để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với khách hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thu nhập bị ảnh hưởng. Do đó, biên lợi nhuận gộp của FPTShop dự kiến sẽ thấp hơn các năm trước. FRT cũng sẽ tập trung từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPTShop hiện hữu. Đến nay, số lượng cửa hàng FPTShop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng, và dự kiến sẽ tăng lên 600 cửa hàng vào cuối năm nay.

Tương tự, Công ty CP Thế giới số (Digiworld) cũng xác định “giảm lợi nhuận để ưu tiên giữ thị phần, ổn định kênh phân phối và xây dựng kênh phân phối cho các sản phẩm mới” là một trong những chiến lược trọng tâm trong năm 2023. Bên cạnh đó, DN cũng cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các thương hiệu mới tiềm năng và đúng thị hiếu người dùng, mang về doanh thu đóng góp vào cơ cấu chung của Digiworld.

Minh chứng cụ thể, những tháng đầu 2023 Digiworld đã bắt tay với các thương hiệu mới ở đa ngành hàng – ngành thiết bị gia dụng với thương hiệu Westinghouse từ Mỹ, ngành tiêu dùng nhanh với thương hiệu đồ uống Lotte Chilsung lớn nhất tại Hàn Quốc. Dự tính, hai nhãn hàng mới này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho Digiworld từ quý 2/2023. Trước đó, vào cuối năm 2022, Digiworld cũng đã hoàn thành chốt “deal” cùng ông lớn bia ngoại AB InBev với loạt nhãn hiệu nổi tiếng như: Budweiser, Corona, Hoegaarden,… Tại quý 1/2023, các thương hiệu bia này cũng đã đóng góp tích cực vào doanh thu của Digiworld.

Khải Kỳ

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn