Doanh nghiệp phải trả gần 46 nghìn tỷ lãi trái phiếu trong những tháng cuối năm

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 4/2025 đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với tháng trước và 2,4 lần so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ nhóm Ngân hàng.

Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành mới trong tháng 4, với tổng giá trị huy động qua phát hành riêng lẻ và công chúng đạt 33 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 70,4% tổng lượng phát hành toàn thị trường, tăng +182% so với tháng trước và tăng 254% so với cùng kỳ. 

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Phi ngân hàng đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, bật tăng 152,7% so với tháng 3/2025 và 33,7% so với cùng kỳ.

Dù ghi nhận sự phục hồi rõ nét trong tháng, lũy kế 4 tháng đầu năm, khối Phi ngân hàng mới chỉ huy động được tổng cộng 19,7 nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu, giảm sâu -42% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chính đến từ những quy định nghiêm ngặt hơn trong Luật Chứng khoán sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Điểm đáng chú ý trong tháng 4/2025 là sự trở lại của nhóm Bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau ba tháng hoàn toàn vắng bóng. Tổng giá trị phát hành của ngành trong tháng đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và chiếm tới 91,7% tổng lượng phát hành của nhóm phi ngân hàng trong tháng. Mặt bằng lãi suất coupon bình quân của nhóm Bất động sản tăng lên mức 10,7%/năm, cao hơn đáng kể so với mức 8,3%/năm trong tháng trước.

Đóng góp chủ yếu từ Vingroup (VIC), với tổng giá trị phát hành đạt 9 nghìn tỷ đồng – đánh dấu lần đầu tiên doanh nghiệp này quay lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau 10 tháng tạm ngưng. Các lô trái phiếu của VIC có kỳ hạn trung bình 2,5 năm, lãi suất coupon dao động từ 12% đến 12,5%/năm, tương đương với mức lãi suất coupon giai đoạn 2023-2024.

Doanh nghiệp phải trả gần 46 nghìn tỷ lãi trái phiếu trong những tháng cuối năm  - Ảnh 1

Dữ liệu cập nhật đến ngày 15/5 trên hệ thống FiinPro-X cho thấy, các tổ chức phát hành dự kiến đã thanh toán tổng cộng 42,2 nghìn tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2025 đến nay, trong đó riêng 15 ngày đầu tháng 5 dự báo 6,1 nghìn tỷ đồng được chi trả.

Dòng tiền dự kiến phải thanh toán từ trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) trong tháng 5 ước đạt khoảng 17,3 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng lên mức hơn 20,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 6, nâng tổng nghĩa vụ thanh toán của quý 2/2025 lên khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 4/2025, thị trường không ghi nhận thêm trường hợp chậm trả gốc lãi mới nào.

Áp lực thanh toán gốc trái phiếu tại nhóm phi ngân hàng trong tháng 6/2025 dự báo sẽ giảm đáng kể so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng 6/2025, tổng giá trị gốc trái phiếu đến hạn thanh toán của nhóm phi Ngân hàng ước đạt 7,3 nghìn tỷ đồng, giảm -33,6% so với mức 11 nghìn tỷ đồng của tháng 5, nhưng tăng mạnh 54% so với tháng 4 (4,7 nghìn tỷ đồng).

Bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong tháng 6, tương đương 61,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường trong tháng. Con số này cũng tăng gấp đôi so với ước tính đáo hạn của ngành trong tháng 5.

Một số tổ chức phát hành đáng chú ý có trái phiếu đáo hạn trong kỳ gồm: Saigon Glory (1,1 nghìn tỷ đồng), Signo Land (1 nghìn tỷ đồng), NLG (660 tỷ đồng). 

Ngân hàng dự kiến sẽ có 2,4 nghìn tỷ đồng gốc trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn thanh toán tháng vào 6/2025 và chủ yếu thuộc về Ngân hàng Phương Đông (OCB) với giá trị đáo hạn đạt 1,6 nghìn tỷ đồng. Áp lực thật sự của nhóm các tổ chức tín dụng sẽ đến vào 6 tháng cuối năm 2025, với tổng giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ước tính khoảng 42,9 nghìn tỷ đồng.

Tổng nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán ở nhóm Phi ngân hàng trong 8 tháng còn lại của năm 2025 (tính từ tháng 5 – tháng 12/2025) rơi vào khoảng 126,4 nghìn tỷ đồng, trong đó Bất động sản đạt khoảng 79,4 nghìn tỷ đồng chiếm 63% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp nhóm Phi ngân hàng.

Dòng tiền thanh toán lãi trái phiếu của nhóm Phi Ngân hàng trong tháng 6/2025 ước đạt hơn 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với tháng 5/2025 và là đỉnh của quý 2/2025. Bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao, chiếm 31,7% tổng giá trị lãi phải trả toàn thị trường.

Ngoài ra, ngành Du lịch và giải trí, Dịch vụ tài chính cũng ghi nhận dòng tiền trả lãi đáng kể trong tháng, lần lượt chiếm 9,9% và 6% trong tổng giá trị lãi phải trả dự kiến toàn thị trường.

Trong 8 tháng còn lại của năm 2025, tổng giá trị lãi trái phiếu dự kiến đến hạn thanh toán của nhóm phi ngân hàng khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó Bất động sản chiếm hơn một nửa (53%) giá trị đáo hạn của nhóm.

Xem thêm tại vneconomy.vn