Dự án điện gió của ông Phạm Nhật Vượng tại siêu đô thị lấn biển có diễn biến mới, chi 4,5 tỷ USD làm gì?

Dự án điện gió của ông Phạm Nhật Vượng tại siêu đô thị lấn biển có diễn biến mới, chi 4,5 tỷ USD làm gì?- Ảnh 1.

Vì sao Vingroup muốn chi 4,5 tỷ USD làm điện gió tại Cần Giờ?

Theo thông tin trên báo Đầu tư, mới đây, Tập đoàn Vingroup có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió gần bờ khu vực huyện Cần Giờ .

Theo đề xuất, dự án có quy mô khoảng 3.000 MW, sản xuất lượng điện ước tính 9 tỷ kWh/năm. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD được phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu phụ tải trong từng giai đoạn.

Vingroup cũng nêu rõ, việc đầu tư dự án với mục tiêu phục vụ nhu cầu cung cấp điện nội khu cho Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và các nhu cầu nội bộ của tập đoàn .

Tập đoàn đề nghị UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu, khảo sát khu vực biển Cần Giờ với diện tích 1.163 ha trên toàn bộ diện tích vùng biển Cần Giờ.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise tọa lạc tại cửa biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, có tổng diện tích 2.870 ha. Đây là dự án có tầm ảnh hưởng không chỉ với TP HCM mà còn tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực Đông Nam Bộ, mở ra tầm nhìn đột phá về phát triển kinh tế biển ở cấp quốc gia được khởi công vào ngày 19/4.

Dự án điện gió của ông Phạm Nhật Vượng tại siêu đô thị lấn biển có diễn biến mới, chi 4,5 tỷ USD làm gì?- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise của Vingroup.

Được phát triển theo mô hình đô thị cấp tiến nhất thế giới hiện nay - ESG (Environmental – Social – Governance), dự án đi theo tôn chỉ hài hòa giữa con người – thiên nhiên – công nghệ, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi thế sinh thái tự nhiên.

Tham gia tư vấn chiến lược cho dự án là Boston Consulting Group (BCG) - Tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới. Hai bên sẽ làm việc chặt chẽ để đáp ứng tối đa các tiêu chí khắt khe về môi trường, tối ưu năng lượng, nước, ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, cũng như xây dựng hệ thống quản lý đô thị thông minh.

Hệ thống năng lượng điện gió trên biển Cần Giờ sẽ nằm cách bờ 10km, vượt xa khoảng cách an toàn mang lại hiệu quả tối ưu. Công trình dự kiến sẽ được ứng dụng công nghệ tiên tiến với những tiêu chuẩn cao nhất, khai thác tối đa sức gió tự nhiên để cung cấp nguồn điện xanh cho siêu đô thị Vinhomes Green Paradise.

Trụ cột mới của Vingroup

Tại ĐHĐCĐ năm 2025, Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng cho biết doanh nghiệp sẽ mở thêm hai trụ cột kinh doanh mới là hạ tầng và năng lượng. Về năng lượng, Tập đoàn sẽ đầu tư năng lượng xanh.

Riêng với điện gió, đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn cũng đã đề xuất được nghiên cứu, đầu tư dự án điện gió gần bờ tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Diện tích khảo sát trên 13.400 ha. Tổng công suất lắp đặt dự kiến 3.000 MW, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2025 – 2030) - công suất 1.500MW, giai đoạn 2 (2031 – 2035) - công suất 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới dự kiến 9 tỷ kWh/năm. Tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD.

Dự án điện gió của ông Phạm Nhật Vượng tại siêu đô thị lấn biển có diễn biến mới, chi 4,5 tỷ USD làm gì?- Ảnh 3.

Điện gió.

Tháng 3/2025, Vingroup có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ về đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo. Theo đó, tập đoàn đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 47.500 MW giai đoạn 2025-2035. Số dự án điện tái tạo trên dự kiến được triển khai tại 7 địa phương là Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa.

Trong đó, riêng tổng công suất đến 2030 là 20.500 MW, mức đầu tư 20-25 tỷ USD. Các dự án năng lượng tái tạo này gồm nhà máy điện Mặt Trời (13.900 MW) và điện gió (6.600 MW).

Cùng với đó, Vingroup đề nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG công suất 5.000 MW tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Nếu được bổ sung vào quy hoạch, nhà máy này dự kiến được đầu tư, xây dựng trong 5 năm (2025-2030), với tổng vốn rót khoảng 5,5 tỷ USD.

Theo Vingroup, dự án điện khí LNG Hải Phòng sẽ giúp bù đắp công suất cho một số dự án nhà máy nhiệt điện lớn không thể triển khai như BOT Nam Định 1 (1.200 MW), Quảng Trị (1.320 MW), Vĩnh Tân 3 (1.980 MW) và Sông Hậu 2 (2.120 MW).

Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trong bối cảnh Nhà nước đang kêu gọi các doanh nghiệp  cùng chung tay thực hiện các dự án lớn, góp phần xây dựng đất nước, "Là một tập đoàn lớn, chúng tôi phải có trách nhiệm, và khi đã làm thì phải làm lớn".

Xem thêm tại cafef.vn