Giao dịch chứng khoán chiều 7/4: Cổ phiếu chứng khoán tăng tốc, thị trường vẫn điều chỉnh

Dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ trong phiên hôm qua khiến giới đầu kỳ vọng thị trường vẫn trong xu hướng tăng, tuy nhiên áp lực bán chốt lời vẫn khá lớn sau đợt hồi phục vừa qua khiến VN-Index tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên sáng cuối tuần ngày 7/4. Đồng thời, tâm lý thận trọng quan sát khiến thanh khoản sụt giảm khá mạnh.

Sau diễn biến khá ảm đạm của phiên sáng khi hầu hết các nhóm ngành đều biến động trong biên độ hẹp, thị trường bước sang phiên giao dịch chiều không mấy cải thiện. Chỉ số VN-Index duy trì trạng thái giảm nhẹ trong bối cảnh sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn cùng diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip.

Tâm lý giằng co của bên mua và bên bán khiến thị trường không giảm quá sâu và lực cầu được cải thiện khá tốt trong đợt khớp ATC đã giúp VN-Index bật hồi lên sát mốc tham chiếu. Dù không đảo chiều thành công và để mất mốc 1.070 điểm nhưng đây cũng là mốc cao điểm cao nhất trong phiên chiều của thị trường.

Chỉ số VN-Index đã test thành công ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của xu hướng tăng giá ở vùng 1.065 điểm và với những tín hiệu lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên, cùng những thông tin hỗ trợ như mùa ĐHCĐ, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, giảm lãi suất điều hành của NHNN…, giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại trong tuần tới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 159 mã tăng và 219 mã giảm, VN-Index giảm 1,2 điểm (-0,11%), xuống 1.069,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 646 triệu đơn vị, giá trị 10.782,42 tỷ đồng, giảm 35,32% về khối lượng và 31,71% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,4 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.227 tỷ đồng.

Với sự kỳ vọng về xu hướng thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên giao dịch chiều khi nhiều mã kết phiên trong sắc tím hoặc tại mức giá cao nhất ngày, điển hình như SSI là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 khi kết phiên tăng 3% lên 22.500 đồng/CP.

Đáng chú ý, ngoài BSI tăng kịch trần từ phiên sáng, sang phiên chiều còn có sự nhập cuộc của VDS và FTS cũng đều trong trạng thái trắng bên bán và dư mua trần, cùng thanh khoản đều đạt một vài triệu đơn vị. Các mã tăng tốt khác trong ngành có CTS tiệm cận mức giá trần khi tăng 6,7%, AGR cũng vượt mệnh giá khi tăng 4,7%, ORS tăng 4,3%, VCI tăng 3%, VND tăng 1%...

Đây cũng là nhóm cổ phiếu sôi động với sự đóng góp tích cực của VND khớp 26,52 triệu đơn vị, SSI khớp hơn 25 triệu đơn vị, VIX khớp hơn 16 triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, sau nhịp rung lắc, thậm chí đảo chiều giảm trong phiên sáng, nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đã lấy lại đà tăng mạnh sau những thông tin hỗ trợ tích cực cho ngành.

Điển hình là DIG kéo trần thành công khi tăng 6,9% lên mức 17.000 đồng/CP với thanh khoản lên tới gần 27,3 triệu đơn vị khớp lệnh; HQC tăng 5,9% lên mức giá cao nhất trong ngày 4.500 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt 19,28 triệu đơn vị; DXG cũng tăng tốc với mức tăng 3,8% lên 13.600 đồng/CP, NVL đảo chiều tăng 1,1% lên 13.400 đồng/CP và cùng khớp hơn 18,5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này vẫn điều chỉnh nhẹ trước gánh nặng đến từ các mã lớn hơn như VHM và VRE giảm 1%, VIC giảm nhẹ…

Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi đà giảm nhẹ khi VCB giảm 1,32%, các mã CTG, BID, TCB giảm nhẹ trên dưới 0,5%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, điểm nhấn thuộc về SHB khi có pha đảo chiều khá ngoạn mục trong đợt khớp ATC.

Dù trong suốt thời gian giao dịch SHB đều mất điểm, nhưng lực cầu mạnh mẽ trong đợt khớp ATC (có tới hơn 7 triệu đơn vị khớp ATC), đã giúp cổ phiếu này đảo chiều tăng 2,2% lên mức giá cao nhất ngày 11.600 đồng/CP, đồng thời thanh khoản vọt tăng với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 30 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép tiếp tục giật lùi so với phiên sáng. Trong đó, HPG và HSG đều giảm hơn 1%, NKG giảm 2,3%; thanh khoản vẫn khá cao, lần lượt đạt 18,41 triệu đơn vị, hơn 14,72 triệu đơn vị và 12,16 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, pha đảo chiều cuối phiên của nhóm HNX30 đã giúp thị trường may mắn có được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,08%) lên 211,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 103,72 triệu đơn vị, giá trị 1.426,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận 5 triệu đơn vị, giá trị 77,5 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đồng loạt bật cao trong phiên chiều. Trong đó, SHS lấy lại sắc xanh khi tăng 2,2% lên mức 9.500 đồng/CP cùng thanh khoản đạt hơn 26,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, MBS và BVS dẫn đầu rổ HNX30 khi lần lượt tăng 5,6% lên 16.900 đồng/CP và tăng 4,2% lên 19.900 đồng/CP. Điểm nhấn là APS tăng kịch trần lên mức 11.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 4,62 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm chứng khoán, một số cổ phiếu nóng nhóm bất động sản cũng được “hâm nóng” sau nhịp nghỉ của phiên sáng nay, như CEO tăng 4,1% lên mức cao nhất ngày 25.500 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS khi khớp 11,66 triệu đơn vị.

Cặp IDJ và API cũng vọt tăng và đều kéo trần thành công với giao dịch sôi động, lần lượt đạt 6,96 triệu đơn vị và 2,44 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,23%) xuống 78,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 48,93 triệu đơn vị, giá trị 397,08 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,99 triệu đơn vị, giá trị 333,97 tỷ đồng, trong đó riêng SIP thỏa thuận 2,05 triệu đơn vị, giá trị 227,95 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn trong trạng thái điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,6%, đóng cửa đứng tại mức giá 16.200 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 6,49 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cổ phiếu nhỏ VHG khớp 4,28 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,4% xuống mức 2.500 đồng/CP.

Trong khi đó, các cổ phiếu nhỏ khác như DCS, ACM, DPS đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần khá lớn, với ACM dư mua trần tới gần 1 triệu đơn vị. Đồng thời, các mã này cũng đều có thanh khoản khá cao khi cùng thuộc top 10 dẫn đầu thị trường với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ và 1 hợp đồng giảm, với VN30F2304 tăng 2,1 điểm, tương đương +0,2% lên 1.075,1 điểm, khớp lệnh 175.790 đơn vị, khối lượng mở 61.620 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ phủ kín, trong đó mã khớp lệnh cao nhất với hơn 0,89 triệu đơn vị là CVHM2216 giảm 3,7% xuống 260 đồng/cq, theo ngay sau với hơn 0,64 triệu đơn vị là CHPG2306, kết phiên giảm nhẹ 1,8% xuống 1.120 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn