Giới đầu tư tiếp tục bán ra cổ phiếu công nghệ

Cổ phiếu Oracle giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu thuộc S&P 500, lao dốc 13,5% sau khi doanh số bán hàng trong quý trước không đạt kỳ vọng và dự báo doanh thu cũng gây thất vọng.

Các cổ phiếu công nghệ trong ngành điện toán đám mây Amazon.com và Microsoft đều giảm hơn 1%, chịu áp lực bởi dự báo yếu kém của Oracle và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.

Bên cạnh đó, giá dầu thô đã tăng hơn 1% cũng làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát dai dẳng có thể có nghĩa là Fed có thể sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, đặc biệt sau các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ vừa qua.

"Mọi người hơi lo lắng về việc giá năng lượng tăng khá mạnh trong những tuần gần đây và điều đó tạo ra một số lo ngại khi bước vào tháng 11, thời điểm Fed có thể tăng lãi suất một lần nữa”, Thomas Hayes, Chủ tịch tại Great Hill Capital LLC cho biết.

Đáng chú ý khác trong phiên này là cổ phiếu Apple cũng mất 1,7%, sau khi ra mắt mẫu iPhone 15 mới vào chiều ngày thứ Ba.

Thị trường đang trong giai đoạn nhạy cảm, với cái gọi là "Hiệu ứng tháng Chín", xu hướng mà lợi nhuận của thị trường chứng khoán Mỹ thường ghi nhận tương đối thấp, đặc biệt nghiêm trọng đối với cổ phiếu trong tuần sau khi hết hạn hợp đồng quyền chọn, theo Nomura.

Các quỹ tương hỗ thường bán cổ phiếu vào tháng 9 trước ngày kết thúc năm tính thuế vào ngày 31/10 để làm cho danh mục của họ trông hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, một quá trình được gọi là "làm đẹp báo cáo tài chính", có thể gây áp lực lên thị trường.

Ngoài ra, cổ phiếu có thể chịu áp lực trong tháng 9 vì các nhà đầu tư cá nhân có thể bán để trả khoản thuế ước tính của họ.

Trong tháng này, giới đầu tư sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách của Fed, dự kiến kết thúc vào ngày 20/9. Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất như hiện tại, nhưng mặt khác cũng đang tìm kiếm thêm các dữ liệu khác về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có kế hoạch đưa ra một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm nay hay không.

Kết thúc phiên 12/9: Chỉ số Dow Jones giảm 17,73 điểm (-0,05%), xuống 34.645,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,56 điểm (-0,57%), xuống 4.461,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 144,28 điểm (-1,04%), xuống 13.773,61 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, bị kéo xuống bởi nhà sản xuất phần mềm Đức SAP sau dự báo yếu từ công ty công nghệ Oracle của Mỹ, trong khi các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trước dữ liệu lạm phát của Mỹ và quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,17% xuống 455,43 điểm, với cổ phiếu tài nguyên cơ bản mất 0,5% do giá hầu hết các kim loại cơ bản giảm do đồng USD mạnh lên.

Chỉ số DAX của Đức mất 0,5%, ảnh hưởng bởi cổ phiếu SAP giảm 1,8% sau khi công ty cùng ngành Oracle dự kiến doanh thu quý hiện tại thấp hơn dự báo của Phố Wal, ảnh hưởng do điều kiện kinh tế khó khăn gây áp lực lên chi tiêu mảng đám mây của các doanh nghiệp.

FTSE 100 của Anh là một ngoại lệ, tăng 0,36%, được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy thị trường lao động suy yếu, ngay cả khi tăng trưởng tiền lương vẫn mạnh trong tháng 7.

"Tin tốt là tăng trưởng tiền lương thực tế đang tăng lên đã hỗ trợ cho các hộ gia đình lao động sau 19 tháng thu hẹp... tin xấu là áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng", Elizabeth Martins, nhà kinh tế cấp cao tại HSBC, cho biết.

Trong diễn biến khác, các nhà giao dịch trên thị trường đang tăng đặt cược lên 50% vào một đợt tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 4% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào thứ Tư, điều này có thể giúp định hình kỳ vọng xung quanh việc lãi suất toàn cầu đạt đỉnh.

Kết thúc phiên 12/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 30,66 điểm (+0,41%), lên 7.527,53 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 85,46 điểm (-0,54%), xuống 15.715,53 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 7,99 điểm (-0,11%), xuống 7.270,28 điểm.

Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn và sự lạc quan của OPEC về khả năng phục hồi nhu cầu năng lượng tại các nền kinh tế lớn.

Kết thúc phiên 12/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,55 USD/thùng (+1,8%), lên 88,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,42 USD/thùng (+1,57%), lên 92,06 USD/thùng.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn